Công đức tùy tiện phá hỏng cảnh quan di tích

Cảnh quan của nhiều ngôi chùa cổ kính ở Hà Nội thời gian gần đây trông hiện đại như... công viên. Có nơi, những con sư tử đá hung dữ chễm chệ án ngữ khuôn viên chùa. Trên tòa Tam bảo, không hiếm những chùm đèn kiểu phương Tây dùng trang trí... Phần nhiều những đồ vật này là do nhân dân cung tiến. Tuy nhiên, việc cung tiến tùy tiện đang làm biến dạng nhiều di tích.


Ðền chùa đang bị "ngoại hóa"

Chùa Kim Liên (phường Quảng An, quận Tây Hồ) là một ngôi chùa nổi tiếng bên hồ Tây. Ngôi chùa được ví như "bông sen vàng" của thủ đô với kiến trúc độc đáo. Thế nhưng, vừa bước qua cổng tam quan của ngôi chùa, ta bỗng như lạc vào một... công viên. Phía bên phải của sân chùa, là cả dãy ghế đá hiện đại. Chúng hoàn toàn không ăn nhập với những mái đầu đao cong vút, với những tấm bia đá cổ kính trong khuôn viên chùa. Nhà chùa cho biết, tất cả những chiếc ghế đá mới này đều do nhân dân công đức trong thời gian gần đây. Ghế đá "tiến công" chùa cổ không phải là chuyện mới, nhưng thời gian gần đây, phong trào này rầm rộ hơn. "Nhiệt tình" nhất trong việc ủng hộ ghế đá vào đình, chùa là những doanh nghiệp. Chưa biết lợi ích của việc công đức đến đâu, nhưng rõ ràng, doanh nghiệp được hưởng lợi rất lớn, khi họ gắn những dòng chữ to tướng trên ghế đá để quảng bá cho thương hiệu của họ. Ði vãn cảnh chùa, Phật tử rất cần chỗ dừng chân nghỉ ngơi, nhưng có nhiều cách làm phù hợp hơn việc "công viên hóa" đình chùa như thế.

2441722334_jpg.jpg

Sư tử đá đồ sộ trong khuôn viên chùa Tứ Liên

Chùa Một Cột gắn liền với lịch sử 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, một biểu tượng văn hóa của thủ đô. Nhưng tại ngôi chùa này, từ vài năm nay, người ta thấy có đến bốn con sư tử đá ngồi chễm chệ trước cổng tam quan trước lối lên chùa. Ngay cả một người kém am hiểu văn hóa cũng lập tức nhận ra, nguyên mẫu của hai con sư tử này chính là những con sư tử thường được thấy trong các phim cổ trang lịch sử của nước ngoài chiếu trên truyền hình. Chùa Một Cột là công trình kiến trúc tiêu biểu cho văn hóa thời Lý, là công trình độc đáo của người Việt, cho nên rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt việc sư tử "ngoại" đứng trước cổng chùa. Chẳng hiểu vì sao, nó vẫn an vị đến tận hôm nay (!?).

Tương tự như chùa Một Cột, sư tử "ngoại" cũng nghễu nghện "ngự" trước cổng một danh thắng bậc nhất xứ Ðoài là đền Và (thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây). Ðền Và thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thánh đứng đầu trong Tứ Bất tử của người Việt. Ðây là tín ngưỡng thuần Việt có từ thời Hùng Vương, nhưng không hiểu sao người ta lại đưa đôi sư tử ngoại lai vào khuôn viên, sau khi hoàn thành công tác tôn tạo đền năm 2008. Ngay khi đôi tượng sư tử đá xuất hiện ở đền Và, đông đảo người dân nơi đây đã lên tiếng với chính quyền. Nhưng đến nay, đôi sư tử đá vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Nhưng những con sư tử đá kể trên chưa thấm tháp vào đâu so với những con sư tử khổng lồ ở chùa Tứ Liên (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ). Ðôi sư tử này cao khoảng 3m, vẻ dữ tợn như nuốt chửng những họa tiết trang trí mềm mại đầy chất Việt chung quanh. Dưới chân nó là những con sư tử khác nhỏ hơn, khiến người ta liên tưởng đến tư tưởng "lấy thịt đè người", tư tưởng "cá lớn nuốt cá bé". Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây đều là những sản phẩm công đức của người dân. Trên tòa Tam bảo của nhiều ngôi đình, chùa, ta dễ dàng bắt gặp những đồ tế khí kiểu châu Âu, mà rất nhiều trong số đó cũng do người dân công đức cho nhà chùa.

Công đức - cái tâm thôi chưa đủ!

Cùng với phong trào xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo di tích, cảnh quan, diện mạo của nhiều đình, đền, chùa ở Hà Nội đã thay đổi. Bên cạnh những lợi ích, cũng xuất hiện nhiều bất cập, nhất là việc cung tiến các vật phẩm không phù hợp đang khá tràn lan. Thậm chí, có nhà nghiên cứu còn cho rằng, dường như đang có cuộc "xâm lấn" của yếu tố phi văn hóa Việt khi công đức, mà sự xuất hiện của những chiếc ghế đá như ở công viên, những con sư tử... chỉ là những thí dụ nhỏ. Ðiều này càng nghiêm trọng hơn khi nó xâm nhập cả vào những công trình được xem là biểu tượng của kiến trúc, tín ngưỡng Việt như chùa Một Cột, đền Và.

Theo ông Trần Ðình Thành, cán bộ Phòng Quản lý di tích - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, với các di tích văn hóa, khi nhận đồ cung đức, cung tiến của nhân dân đều phải có ý kiến bằng văn bản tới cơ quan quản lý văn hóa và khi tiếp nhận đều phải có ý kiến từ phía sở. Khi được tiếp nhận, phải có bộ phận thẩm định, đánh giá các hiện vật đó có phù hợp văn hóa tín ngưỡng của đình, đền, chùa đó hay không. Tuy nhiên, không ít địa phương, nhà chùa... vẫn tự ý nhận đồ công đức, cung tiến của nhân dân. Nhiều trường hợp, cơ quan quản lý văn hóa đi kiểm tra, phát hiện, lập biên bản yêu cầu tháo dỡ. Nhưng thường người quản lý, trông nom di tích thường không tháo dỡ, hoặc hứa tháo dỡ, song khi đoàn kiểm tra đi họ lại bày lên.

Trong tiến trình lịch sử, giao lưu văn hóa là điều tất yếu. Ðạo Phật là tôn giáo du nhập từ nước ngoài. Nhưng cha ông ta đã Việt hóa Phật giáo, Việt hóa mô-típ trang trí Phật giáo, hình thành nên nền văn hóa Phật giáo đậm chất Việt. Chúng ta quan niệm đi lễ đình chùa, hay công đức cốt ở thành tâm. Nhưng trong nhiều trường hợp, cái tâm thôi là chưa đủ. Cái tâm cần song hành với sự hiểu biết. Nếu không, việc cung tiến vào đình, chùa vô hình chung khiến cho nhiều nét văn hóa Việt bị mai một. Bên cạnh những di tích bị "ngoại hóa", vẫn có những di tích được gìn giữ tốt, chẳng hạn chùa Tây Phương. Sư trụ trì chùa Tây Phương cho biết, do nhiều người cung tiến vật phẩm không phù hợp, cho nên từ lâu nhà chùa không nhận cung tiến vật phẩm. Nhà chùa thường phối hợp cùng các cơ quan tu bổ, tôn tạo, mua sắm các đồ tế khí, trang trí cho phù hợp. Ðây là một kinh nghiệm hay cần nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày