Công hạnh Quan Âm

GN - Các kinh ghi công hạnh của Bồ-tát Quan Âm khác nhau. Tùy pháp tu, trình độ hiểu biết sai biệt và nghiệp lực mà cảm nhận về Ngài khác nhau.

Đứng trên lập trường Nhứt Phật thừa hay trên Phật quả quan sát Quan Thế Âm, hữu tình và vô tình đều thành Phật đạo. Cho đến tứ sanh lục đạo và hẹp hơn nữa, đối tượng hành đạo của Ngài là loài người chúng ta. Rõ ràng quả đức của Quan Âm là ở cõi Ta-bà.

Vì vậy, Quan Âm liên hệ mật thiết với chúng ta không nghĩ bàn được. Từ Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đến Việt Nam, ở đâu cũng thờ Ngài trong tự viện hoặc lộ thiên. Thấy tôn tượng Ngài, chúng ta cảm được công hạnh của Bồ-tát Quan Âm đối với loài người chúng ta như thế nào.

BTN_0008.JPG
Phật tử chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM) trì kinh dưới tôn tượng Bồ-tát Quan Âm - Ảnh: Bảo Toàn

Ở Trung Quốc thường thờ Ngài dưới hình thức Quan Âm Nam Hải hay Từ Hàng đại sĩ. Vì người ta thường thấy Ngài hiện ra người chèo thuyền cứu vớt kẻ bị tai nạn. Ở Triều Tiên thờ Ngài dưới hình tượng ba đầu sáu tay. Ở Nhật Bản thờ 10.000 tượng Quan Âm trong tam thập tam gian đường. 33 gian nhà thờ này tiêu biểu cho 33 loại thân hình của Quan Âm giáo hóa chúng sanh. Tuy nhiên, các kiểu thờ Quan Âm dưới đây thông dụng hơn cả:

- Thiên thủ thiên nhãn tiêu biểu cho quyền năng và sự quan sát của Quan Âm, việc nào Ngài cũng làm được. Ngài quán 1.000 trường hợp và làm việc dưới 1.000 dạng thức khác nhau. Con số 1.000 chỉ là số tượng trưng, vì thực sự Bồ-tát Quan Âm ở trong tư thế thiên biến vạn hóa.

- Mã Đầu Quan Âm hay Đại Lực Trì Minh Vương và Tiêu Diện đại sĩ tiêu biểu cho lòng từ bi của Quan Âm nâng lên độ cao và Ngài sử dụng lòng từ dưới dạng sân hận, tức nghịch duyên hóa độ.

- Thập nhất diện Quan Thế Âm Bồ-tát. Thập nhất diện là 11 phía, 11 bình diện khác nhau tiêu biểu cho Quan Âm dưới dạng thể đại từ bi, mọi mặt nhìn về Ngài đều thấy dễ thương. Ta nghĩ thế nào sẽ thấy Ngài như vậy.

- Chuẩn Đề Quan Âm phát xuất từ Ấn Độ. Quan Âm hiện dưới dạng 700 vị nữ thần đặt dưới sự thống lãnh của Long Nữ.

- Như Ý Luân Quan Âm: Quan Âm đeo chuỗi anh lạc được thờ nhiều nhất. Vòng chuỗi như ý tiêu biểu cho Như ý luân tam muội, nghĩa là tất cả mọi việc mong cầu của chúng sanh đều được Bồ-tát Quan Âm thỏa mãn theo ý muốn.

Trên lập trường Phổ môn, tức trên Phật quả nhìn về chúng sanh qua hình bóng của Quan Âm với các hạnh khác nhau của Ngài ghi trong các kinh, tập hợp được một Quan Âm thực sự trong lòng người. Mỗi người cảm nhận về Ngài không giống nhau.

Dù thân trụ thế giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, nhưng Bồ-tát Quan Âm lại nghiêng tai về cõi Ta-bà, lóng nghe ngôn ngữ âm thanh của các loài chúng sanh ở đây. Vì để tâm nghe âm thanh trần thế, giữa Ngài và trần thế có sự liên hệ mật thiết với nhau không rời được. Đó chính là nguyên nhân Bồ-tát Quan Âm thường hiện hữu nơi Ta-bà.

Ở tình huống nào, hành giả cảm được Quan Âm, Ngài liền hiện tới cứu. Chẳng những Quan Âm nghe được tất cả âm thanh trong loài người, tánh nghe này đặc biệt thấu suốt mười phương Phật, cho đến tất cả những ức niệm nhỏ nhất của chúng sanh khởi từ Phật tánh, Ngài đều nghe được. Vì vậy, kinh Lăng nghiêm gọi Ngài là Viên thông giáo chủ. Quan Âm trong Lăng nghiêm thuộc phần tu nhân, nhưng ở Pháp hoa là quả của Ngài. Ngài đã thành Phật và từ Phật cảnh giới, Ngài đi xuống chúng sanh giới.

Riêng người Việt Nam, hiểu và tin Đức Quan Âm một cách sâu sắc, thể hiện qua hành động của các vua quan đời Lý-Trần. Thật vậy, Phật giáo Việt Nam khi hội nhập vào xã hội đã thể hiện sâu sắc ứng hiện thân của Quan Âm; cần hiện Thiên tướng hiện Thiên tướng, cần phụ nữ thân hiện phụ nữ thân, như Ỷ Lan thứ phi. Đối với kẻ nghịch, bà dứt khoát trừng trị, nhưng hàng phục được chúng rồi, bà lại rất hiền, nên được dân chúng tặng cho danh hiệu là Quan Âm nữ.

 Thẳng thắn và khoan dung là tinh thần Quan Âm của Việt Nam. Vì vậy, học hạnh Quan Âm phải tùy thời, tùy chỗ, tùy đối tượng mà có thái độ ứng xử khác nhau. Theo tinh thần này, vua quan và Thiền sư thời Lý-Trần không do dự trước giới sát khi các Ngài phải đối phó với giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, chặn đứng được khả năng sát hại của giặc rồi, các Ngài lại thể hiện tinh thần từ bi, không hận thù, xem họ như bạn. Tiêu biểu như việc làm của vua Lý Thánh Tông không khoan nhượng trước thế lực của kẻ hiếu chiến, nhưng thắng giặc Chiêm Thành xong, Ngài thể hiện tấm lòng từ bi, tha cho vua Chiêm là Chế Củ. Hoặc vua Trần Nhân Tông thắng quân Nguyên xâm lược, Ngài trở thành Thiền sư, làm Tổ của phái Trúc Lâm.

 Có thể nói thái độ của Phật giáo Việt Nam ứng xử theo tinh thần 33 hiện thân của Bồ-tát Quan Âm. Việc làm nào cần nói lên chân lý thì sử dụng ngay. Thí dụ Lý Thường Kiệt đánh để nói lên chân lý “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”. Ông đã thể hiện chân lý trong mọi tình huống, thể hiện với tư cách hiền hòa hay bằng hành động dứt khoát thẳng tay trừng trị.

 Để trấn áp loài hung dữ cô hồn, Bồ-tát Quan Âm phải hiện thân Tiêu Diện đại sĩ. Đối với người hiền lương, Bồ-tát Quan Âm là bà mẹ hiền ban vui cứu khổ.

Đức Phật khuyên chúng ta niệm Quan Âm là thể hiện hạnh Quan Âm, đến đâu đáp ứng yêu cầu lợi lạc nơi đó. Được như vậy, Phật giáo hiện hữu tốt đẹp và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày