GN - Mặc dù bản thân còn gặp nhiều khó khăn, bệnh tật, cơm ăn phải đi xin trên chùa từng bữa, mỗi tháng phải đóng tiền nhà trọ, thế nhưng cụ bà Phan Thị Huệ (85 tuổi), ngụ đường Cầm Bá Thước, phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM, hàng ngày ngoài việc bán vé số dạo, bà thường đi hái lá thuốc để cứu giúp bệnh nhân nghèo.
Những tháng ngày cơ cực
Một buổi sáng đầy nắng của Sài Gòn, chúng tôi tìm đến nhà cụ bà Phan Thị Huệ (85 tuổi ), ngụ tại quận Phú Nhuận. Hỏi thăm về nhà bà cụ đi bán vé số dạo, rồi hái thuốc cứu người hầu như ai cũng biết. Có người còn gặng hỏi lại: “Các chú ở đâu đến vậy, có phải hỏi đường đến nhà cụ Huệ chuyên đi làm từ thiện không?”. Những câu chuyện bên lề khiến chúng tôi không khỏi tò mò, sở dĩ người ta đặt cho cụ cái tên là “bà Huệ từ thiện” là vì lẽ, mấy chục năm qua bà đã dành cả cuộc đời mình cho những công việc từ thiện, giúp đỡ những bệnh nhân nghèo.
Theo sự hướng dẫn của mấy chú xe ôm trên đoạn đường Phan Đăng Lưu, chúng tôi nhanh chóng tìm đến một căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm thuộc khu phố 1, đường Cầm Bá Thước, phường 7, quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến thì bà cụ đã đi vắng, hỏi ra mới biết, bà đi bán vé số từ sáng tới giờ chưa về. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi đã hỏi thăm và tìm đến nhà chị Trần Thị Kim Thu, Chi hội trưởng khu phố 1, Hội Chữ thập đỏ của phường, là người thường xuyên qua lại với cụ Huệ trong những lúc khó khăn.
Cụ bà Phan Thị Huệ (85 tuổi) chặt thuốc giúp người nghèo
Chị Thu kể: “Bà ấy già cả lại sống một mình trong căn nhà thuê, hàng ngày cứ 6g sáng, mọi người trong khu phố lại thấy bà đi bộ hết nơi này đến nơi khác trong thành phố để bán vé số. Trưa đến về nhà nghỉ chưa được bao lâu, bà lại dắt xe đạp dạo khắp nơi tìm hái những cây thuốc về chữa bệnh cho những người nghèo. Cuộc đời bà ấy là cả một chuỗi tháng ngày cơ cực, thế nhưng chưa bao giờ bà con hàng xóm nơi đây thấy bà cụ than phiền một điều gì hết. Hàng ngày, mỗi lần đi hái thuốc về, bà lại ghé vào chùa xin cơm mang về để vào ngăn đá trên tủ lạnh ăn dần cho tới khi nào hết thì thôi”.
Hàng xóm với bà kể, mỗi lần ra ngoài đường, nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh còn đáng thương hơn cả mình, bà Huệ lại suy nghĩ và thôi thúc rằng làm sao có thể giúp họ vượt qua khó khăn.
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Việt gốc Hoa, là cô con gái út trong số 8 anh chị em, nên bà được ba mẹ hết mực thương yêu. Sau khi ba mẹ mất, bà cũng không chịu lấy chồng, ở vậy để đi cứu người. Bà nói: “Tôi còn sống ngày nào, thì nguyện sẽ đi giúp đỡ và làm từ thiện ngày đó.
Vì cuộc sống này còn rất nhiều những con người khốn khổ hơn mình”. Có lẽ vì điều đó mà khi thấy đàn cháu con của anh chị khôn lớn và trưởng thành, thương lũ trẻ nên bà đã nhường lại toàn bộ gia tài, đất đai của mình ngày trước ba mẹ để lại tại quê nhà ở quận 4, TP.HCM để chúng có cuộc sống ổn định.
Và thật nghịch lý, sau khi nhường hết tài sản cho đàn cháu, bà Huệ đã giấu mọi người ra ngoài thuê một căn nhà riêng để đi bán vé số, thời gian rảnh bà lại đi hái thuốc về cho người nghèo. Trong khi tiền lời từ việc bán vé số không đáng là bao, với bà dù cuộc sống còn cơ cực nhưng vẫn khát khao được đi làm từ thiện, và đó là tâm nguyện thường trực của bà lâu nay.
Ăn cơm chùa, làm việc từ thiện
Bước vào bên trong căn phòng nhỏ bé nằm sâu trên một con hẻm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy xung quanh tường treo rất nhiều những bằng khen về việc làm từ thiện của bà. Trong phòng cũng chứa những thứ đồ dùng thật cũ kỹ do hàng xóm cho mượn. Bấy giờ là 12 giờ trưa, bà vừa về nhà nhưng chưa kịp nghỉ, vội mở chiếc tủ lạnh mang phần cơm xin được từ hôm trước, lấy ra để dùng. “Tôi ở đây lâu rồi nên nhiều người cũng hiểu, mỗi ngày tôi đều ghé chùa xin cơm và đồ ăn về để vào ngăn đá tủ lạnh, đến bữa thì mang xuống đun lại rồi dùng. Mỗi lần xin cơm xong về cất đi, như vậy là tôi dùng được trong cả một tuần”.
Suốt 12 năm qua cứ đều đặn như vậy, sau khi kết thúc buổi bán vé số dạo xong, bà lại về dắt chiếc xe đạp cũ kỹ (mà người ta trao tặng) để đi hái thuốc. Có lẽ với nhiều người khi nhìn vào, họ sẽ tưởng bà đang làm một việc thật dại dột, cũng có nhiều người thấy thì hết sức ngạc nhiên. Bà cụ đã ở tuổi gần đất xa trời lại có một tấm lòng rộng mở bao la biết mấy.
Câu chuyện bắt nguồn từ 12 năm trước, khi đó bà chứng kiến một người bị bệnh mà không có tiền chữa chạy. Cảm thương với những người có hoàn cảnh nghèo hơn mình, từ đó bà đã đến từng tiệm Đông y hỏi tên thuốc. Khi biết được tên thuốc, bà bắt đầu thực hiện công việc của mình là đi tìm, hái thuốc mang về phơi khô, rồi chở đến cho nhà chùa và những người bị bệnh có hoàn cảnh khó khăn không có tiền chữa trị.
Bà cụ bảo, bà đi rất nhiều nơi, miễn sao tìm và hái được những cây thuốc là mừng rồi. Thứ bà cần, chính là những cây lưỡi đồng, chó đẻ… mọc hoang. Bà kể: “Ngày trước còn khỏe, tôi đi đến các huyện vùng ven rất xa như: Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, Thủ Đức, quận 9… nhưng giờ, tôi già rồi nên chỉ có thể đi được những chỗ gần thôi”.
Bác Nguyễn Bảo Khanh, ngụ đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết: “Ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay trời mưa, tôi đều thấy bà cụ đi ngang qua đoạn đường này bán vé số dạo. Chiều đến, chúng tôi lại gặp bà cụ đi vào đường ray xe lửa gần đường Hoàng Văn Thụ, vạch tìm thứ gì đó. Thấy tò mò và nhiều lần quan sát, tôi mới biết bà cụ đi bán vé số ấy thường ngày cứ hay ngang qua chỗ này để tìm cây thuốc. Đúng là một người có tấm lòng Bồ-tát giữa đời thường, việc mà bà ấy làm tôi thấy rất khâm phục”.
Chị Trần Thị Kim Thu, Chi hội trưởng khu phố 1 cho biết thêm: “Cách đây không lâu, do thấy con hẻm bị hư hỏng, chính quyền phường chưa kịp sửa sang, thấy người dân đi lại thảm quá, bà cụ đã sang gặp tôi rồi nói là đã tích cóp được 20 triệu đồng trong suốt thời gian bán vé số. Bà cụ muốn trao số tiền ấy, nhờ tôi chuyển giúp lên UBND phường để xây dựng con hẻm cho bà con. Nghe bà cụ nói vậy, tôi thấy rất cảm động nhưng không đồng ý, cơm không có ăn nếu giờ bà cụ mang hết tiền để làm đường, sau này bệnh tật biết kêu ai. Bà cụ tuy già nhưng tấm lòng thật lớn lao đến dường nào, bà con nơi đây ai cũng quý và biết đến bà với cái tên cụ Huệ từ thiện”.
Kết thúc một ngày cực nhọc mưu sinh, đi hái thuốc, bà lại quay về với những giây phút nghỉ ngơi ít ỏi trong căn nhà thuê chật chội. Những bữa cơm thật đơn giản cho qua ngày, dù sống một mình nhưng bà vẫn rất vui vì bên bà còn có một chiếc radio làm bạn. Với bà, tâm niệm cuối đời là khi chết được hiến thân xác này cho y học để cứu giúp người còn sống.
Sẽ có những hỗ trợ để bà cụ sống tốt hơn Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Kim Thu, Chi hội trưởng khu phố 1, phường 7, quận Phú Nhuận cho biết: “Việc làm của bà Huệ thật cao cả biết bao, thấy cụ có cuộc sống còn nhiều khó khăn nên vừa rồi phía Chi hội Chữ thập đỏ của phường đã đề nghị có thêm phần hỗ trợ hàng tháng cho cụ là 200 ngàn đồng. Bên cạnh đó, Chi hội Chữ thập đỏ cũng có ý kiến với lãnh đạo phường chú ý quan tâm cấp nhà tình thương và giúp thêm những khoản hỗ trợ khác để cụ sống tốt hơn với những tháng ngày cuối đời”. |