GNO - Đang ở giữa rừng, bác tài hỏi, quý thầy có sợ chết không? “Đã vào đến đây rồi thì còn sợ gì nữa bác”...
Trong thiên tai dịch hoạ, lòng người đầy hỗn loạn biến động. Niềm tin và lòng bao dung, trắc ẩn bị phủ bóng nghi ngờ.
Được sự động viên của sư đệ, được sự ủng hộ của bạn hữu bốn phương, có người biết mặt nhớ tên, có người chỉ quen nhau qua mạng mà chưa hề gặp mặt, lại nhìn vào việc thiện của biết bao người, lòng nhủ lòng muốn đi tìm một điều gì đó ý nghĩa.
Cùng với bác Hưởng, chủ tịch Hội chữ thập đỏ Nam Trà My trao cho các hộ có người bị vùi lấp tại Trà Vân
Một miếng khi đói bằng một gói khi no, vật chất chẳng có là bao, nhưng cứ đi theo tiếng gọi của niềm tin ấy để hy vọng tìm đến nơi mà tình người chính là Bồ-tát.
Trong lúc cơn bão 12 đang đổ vào miền Trung, Quảng Nam mưa không ngớt, mưa ở vùng Nam Trà My được báo về là rất lớn, núi sạt lở trải dài từ Bắc Trà My đến Nam Trà My và nhiều xã khác. Tiếng nói qua điện thoại của bác Hưởng, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ Nam Trà My vẫn chỉ là bà con chỉ thiếu gạo, thiếu chăn ấm và thiếu tôn lợp...
Ngày 10-11, mua xong gạo và chăn nhưng nhờ thuê khắp mọi nơi mà người ta đều từ chối đi lên Nam Trà My vì sợ nguy hiểm. Tin tức những ngôi làng bị cuốn trôi, những con người bị vùi lấp không thể không khiến người ta sờn lòng.
Cũng may nhân duyên gặp được bác Đỗ Đình Chiến, một Phật tử thuần thành tìm được một số bạn hữu từng có nhiều năm kinh nghiệm chạy tuyến Nam Trà My và họ đồng ý đi.
Họ đồng ý đi là vì đi với qúy thầy, chứ người bình thường thuê xe chắc chắn họ cũng sẽ không đi. Nghe thế là mừng rồi, nhưng không thể không cầu nguyện, vì nguy hiểm thì không ai không biết.
Đang ở giữa rừng, bác tài hỏi, quý thầy có sợ chết không? “Đã vào đến đây rồi thì còn sợ gì nữa bác”, chúng tôi cười. Nghe thế bác tài bảo, nghe vợ ở nhà gọi điện liên tục “đã có lúc con muốn quay đầu xe về”.
Bác tài khác, người chứng kiến cảnh núi sạt lở vùi chết người, trong lúc trời chiều tối không biết còn chỗ nào sạt lở nữa không, chỉ muốn bỏ xe theo dân chạy đi, nhưng nghĩ đến đó là hàng cứu trợ thì quyết đi cho đến nơi đến chốn. Chẳng thế mà sư đệ bảo rằng ơn Bụt và có phước gặp được 3 bác tài.
Bữa cơm quý thầy được dân chia sẻ tại Nam Trà My
Trên suốt dọc đường từ quán trà đến quán cơm, không đâu không gặp người tốt. Ai canh cầu canh đường cho mình đi. Ai nhiệt tình điều xe múc dọn đất đá lở, ai đứng trực giữa rừng núi mưa rét cảnh báo núi sạt cho mình biết, ai ngày đêm tìm kiếm người mất tích. Họ không phải con người bằng xương bằng thịt như mình sao?
Phòng trọ thì giảm giá tiền, quán trà thì mời khách uống cho ấm dạ, quán cơm thì nói thế nào cũng chỉ xin được cúng dàng lấy chút phước duyên. Gần như ai cũng nói một điều như nhau, quý thầy từ xa xôi đến cứu trợ ở đây, làm sao chúng con có thể lấy tiền cơm được ạ!
Nói về chính quyền, ở đâu đó vẫn còn những người có thái độ quan cách, xa dân, nghi ngại người cứu trợ, nhưng vẫn có những con người thật tốt.
Vừa gặp bác Chủ tịch hội Chữ thập đỏ, hỏi thăm sức khoẻ, hỏi bác trưa muộn rồi đã ăn gì chưa, bác nói mấy hôm nay gần như không có ăn trưa. Nghe các đoàn từ xa đến cứu trợ, mình đại diện cho địa phương không đi đón, không điều phối giúp họ, họ sẽ nản lòng.
Thăm Ban Giám hiệu và Thầy Cô trường tiểu học dân tộc bán trú Trà Vân
Bác bảo hết nơi này gọi nơi kia báo, điều phối hàng cứu trợ cả ngày, chỉ mong bà con sớm nhận được quà, thấy vui mà không thấy đói. Lúc nghe tin báo về có người vừa bị vùi mất tích, đang ngồi nghỉ với quý thầy, đôi mắt bác bỗng đỏ hoe, nói không thành tiếng.
Tình người nhiều như thế thử hỏi tiền bạc nào mua được. Nhưng có những điều không thể không khiến chúng ta nhìn lại cách tiêu dùng của mình. Cô trưởng thôn nói, mưa lũ cuốn tất cả đi rồi, số gạo mà mỗi hộ nhận được họ sẽ không dám ăn nhiều đâu mà mỗi bữa thường trộn với khoai mỳ để ăn được lâu ngày hơn.
Con người đang phải trả giá vì tổn hại thiên nhiên. Nam Bắc Trà My đang trả giá bởi hàng loạt các thuỷ điện lớn nhỏ. Núi rừng đang trở thành núi trọc, rừng tự nhiên bị thay thế bởi vườn keo làm nguyên liệu. Chính quyền tỉnh cần nhận thức lại trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Dừng lời, xin cảm ơn Quảng Nam, một mảnh đất tràn ngập tình người. Tình người trong hoạn nạn càng ấm áp biết bao!
Xin gửi lời riêng đến Phật giáo Quảng Nam, cần lắm một ngôi chùa nhỏ thôi tại Nam Trà My. Cần lắm một Tăng sĩ dấn thân. Tiếng chuông giữa đại ngàn dễ hay sẽ thức tỉnh để lòng người luôn hồn hậu.
Vài hình ảnh đến với bà con Trà My, tỉnh Quảng Nam:
Của tin còn một chút này...
Thích Thanh Thắng/Giác Ngộ online