Cùng “giải cứu” nông sản

Các bạn trẻ cùng soạn đơn hàng để sớm giao cho khách
Các bạn trẻ cùng soạn đơn hàng để sớm giao cho khách
0:00 / 0:00
0:00
GN - Những ngày đầu năm, khi hay tin người dân ở các tỉnh Hải Dương, Hà Giang không bán được nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những người trẻ xa quê đã kết nối, cùng nhau tìm cách “giải cứu” nông sản giúp người dân quê mình.

Thông qua báo đài, nhìn thấy cảnh bà con tỉnh Hải Dương ngậm ngùi vứt rau củ, cam chín rụng đầy vườn, nhiều người không khỏi xót xa. Là một người con Hải Dương xa quê lập nghiệp, mong muốn được góp sức nhỏ cho quê hương, chị Đỗ Thị Nhung đã kêu gọi các bạn trong nhóm từ thiện Phước Hạnh TP.HCM “giải cứu” nông sản giúp người nông dân ở đây.

Chị Nhung cho biết: “Khi Nhung gửi những hình ảnh bắp cải trổ thành bông, những cây su hào, củ đậu đến lứa không bán được phải nhổ bỏ chất thành đống, những vườn ổi, vườn cam chín rụng đầy gốc và hình ảnh người nông dân khắc khổ như ‘chết đứng’ giữa những mảnh ruộng cho những người bạn của mình xem, các bạn liền đồng ý giúp mình một tay để ‘giải cứu’ nông sản”.

Lúc đầu chỉ có khoảng 5 người trẻ trong nhóm từ thiện Phước Hạnh cùng lên kế hoạch, kết nối đầu cầu phía Bắc và TP.HCM để thực hiện chương trình giải cứu nông sản. Để đưa được hoa màu của bà con về thành phố tiêu thụ, cả nhóm phải đối mặt với những khó khăn như thiếu nhân lực, thiếu hụt vốn và cả chỗ để tập kết khi hàng về đến nơi. Các bạn “tự thân vận động” bằng nhiều cách, dùng mối quan hệ cá nhân để mượn tiền, ứng lương để trả tiền mua nông sản, tiền xe. Rồi lần lượt từng người chạy ngược, chạy xuôi đi mượn mặt bằng, nơi đậu xe, tập kết và phân chia hàng.

Tình yêu quê hương và trái tim đồng cảm của chị Nhung và nhóm các bạn trẻ với người nông dân chân lấm tay bùn đã chạm vào trái tim của nhiều người. Không riêng nhóm từ thiện Phước Hạnh, Hội thiện nguyện Tâm An, Công đoàn Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) cũng cùng chung tay, tiếp sức cho những người nông dân trong cơn khốn khó.

Khi những khó khăn được tháo gỡ, cũng là lúc lần lượt từng xe ổi ở Thanh Hà, bắp cải ở Gia Lộc, cà rốt ở Cẩm Giàng, cam ở Vĩnh Hảo lên đường rời Hải Dương vào TP.HCM. Nông sản được thu mua lại, cộng với chi phí vận chuyển, sau đó quy ra số tiền bán lại cho khách hàng, lãi 0 đồng. Tổng cộng chỉ trong hơn 2 tuần, gần 120 tấn hàng nông sản, rau củ quả được chuyển về TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu để tiêu thụ. Đó là con số không hề nhỏ với người nông dân đang lâm vào cảnh bế tắc.

Những con tim chung nhịp đập

Khi những xe nông sản vào đến thành phố, mỗi người trong nhóm từ thiện Phước Hạnh đều cật lực làm việc không kể sáng sớm hay đêm muộn, giao từng giỏ hàng đến tay người mua. Tiếng động viên nhau không ngớt vang lên, mỗi người tập trung hết sức cho phần việc của mình, niềm vui như khiến cho nỗi mệt nhọc trên những gương mặt cũng phần nào vơi đi.

Có hôm hàng chục tấn rau bắp cải về đến Sài Gòn trong đêm khuya, mọi người vẫn thức để đợi xe hàng, bốc dỡ xong, đóng gói đến trời gần sáng mới hết đơn hàng, giao cho người mua. Có những bạn tình nguyện tham gia vào công việc này, khi hàng vừa đóng xong, chỉ kịp về nhà vệ sinh, tắm, thay đồ là chạy đến công sở để tiếp tục làm việc.

Cũng có lúc, xe hàng chở hàng chục tấn cà rốt, khoai tây về đến Bà Rịa-Vũng Tàu sớm hơn dự kiến, trong lúc thiếu nhân lực vì các bạn tình nguyện viên chưa hoàn tất công việc ở nhiệm sở. Khi nhóm “giải cứu” chưa biết xoay xở thế nào, thì chính người dân địa phương đã giúp dỡ hàng, bán hàng suốt cả buổi, dù chẳng quen biết gì. “Nghĩa tình mọi người dành cho người nông dân Hải Dương, Hà Giang thật lớn lao biết bao nhiêu. Nghĩ lại tự nhiên thấy thương những người đã đồng hành cùng mình suốt thời gian qua vô cùng”, chị Nhung bộc bạch.

Mong muốn tri ân đến khách hàng đã thương nông dân Hải Dương, Hà Giang, thay vì lựa chọn shipper giao những đơn hàng lớn đến cho khách, các bạn trẻ đã tranh thủ sau thời gian làm việc, dồn đơn ở các quận gần trung tâm thành phố hoặc thuận tiện việc di chuyển để giao trực tiếp và gửi lời cảm ơn đến người mua. Nông sản trước khi đưa ra bán cho khách hàng đều được chọn lọc kỹ lưỡng, chứa trong các túi tái chế hay sọt nhựa để bảo vệ môi trường. Nhìn từng giỏ hàng được giao đi khắp nơi trong thành phố, ai quan sát cũng thấy được sự tử tế của những người trẻ thực hiện công việc này.

Một người khách tìm đến mua hàng “giải cứu chia sẻ: “Đúng với tinh thần giải cứu, nông sản dù không đẹp lắm nhưng tôi vẫn vui vẻ mua vì biết mỗi túi rau củ được bán đi là góp phần giúp người nông dân bớt khổ”.

Những túi rau, củ đang được "giải cứu"

Những túi rau, củ đang được "giải cứu"

Làm điều tử tế

Mỗi chuyến hàng được chuyển đi đều mang theo muôn vàn cảm xúc không nói nên lời của cả người nông dân lẫn người làm thiện nguyện. Khó khăn không đếm xuể, nhưng khi nhìn thấy những chuyến xe chở hàng tấn nông sản tỏa đi khắp nơi, giao đến tay nhiều người, những người trẻ xa quê như được tiếp thêm động lực, tiếp tục sát cánh cùng bà con nông dân.

Chị Nguyễn Thị Tú Anh (sinh năm 1982), thành viên của Hội thiện nguyện Tâm An cho biết: “Khi biết tấm lòng của Nhung cũng như ý nghĩa của việc giải cứu nông sản, có thể giúp được cho người nông dân thoát khỏi nguy cơ mất trắng, nợ nần, chúng tôi ủng hộ ngay. Một việc làm nhỏ nhưng có thể tháo gỡ được bế tắc cho người khác, đó là điều chúng tôi mong muốn. Sự giúp đỡ của mỗi cá nhân, bằng việc làm tích cực, sẽ góp phần giúp cho xã hội này tốt đẹp hơn”.

Chị Phạm Thị Lộc Nhung (sinh năm 1983), nhân viên VAECO, là một trong những người hăng hái ủng hộ chương trình “giải cứu” chia sẻ: “Hiểu được khó khăn của người dân trong thời điểm hiện tại, mình cũng muốn làm gì đó giúp đỡ cho họ, dù chỉ nhỏ thôi”.

Mang đến nhiều hy vọng, niềm vui cho bà con nông dân ở quê nhà là vậy, nhưng chị Nhung chỉ bảo đó là việc cần làm, phải làm. Chị cũng không quên bày tỏ lòng tri ân đối với những tấm lòng vàng tại TP.HCM, Vũng Tàu đã góp phần làm nên chương trình “giải cứu” nông sản đầy ý nghĩa. “Là một người Phật tử, ngoài ơn sâu nghĩa nặng với đấng sanh thành, thì còn có ơn với Tổ quốc, quê hương. Khi bà con ở quê hương mình khó, mình có thể sẻ chia, giúp đỡ họ bằng chính khả năng của mình, mình rất vui”, chị Nhung nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày