Vì cho đi là còn mãi

0:00 / 0:00
0:00
GN -  Mỗi người đều có khoảng thời gian tồn tại hạn hữu trên đời; ta thường nói về những việc mình cần làm khi được sống, nhưng đã bao giờ ta nghĩ đến điều mình sẽ làm một khi trái tim ngừng đập?

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ chọn tiếp tục cống hiến, kết nối chính mình với cuộc đời bằng cách hiến tạng. Hiến tạng tuy không còn là điều xa lạ, nhưng với phần đông mọi người, việc cho đi một phần thân xác của mình vẫn phần nào tạo ra sự mơ hồ và khó khăn trong suy nghĩ. Đặc biệt, với những người trẻ khỏe mạnh, yêu đời, tương lai trước mắt là một thế giới đầy niềm vui, hoài bão, không dễ dàng gì để nghĩ đến việc bản thân sẽ đột ngột ra đi, trao tặng cơ thể cho người khác. Dù vậy, vẫn có những người trẻ đã “chuẩn bị” cho mình một chuyến hành trình đặc biệt - hành trình để sự sống lại được nảy sinh từ cái chết!

Trao đi cơ hội sống

Nguyễn Trần Mỹ Hà, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM đã không ngần ngại đăng ký hiến tạng ngay khi đủ 18 tuổi. Hà đăng ký hiến tạng từ tháng 10-2020 tại Bệnh viện Chợ Rẫy qua hình thức online. Người thắp lên động lực này cho Hà chính là mẹ của bạn.

Khi nghe mẹ chia sẻ về việc đã đăng ký hiến tạng, Hà bắt đầu tìm hiểu thông tin và nhận ra việc này có thể cứu được rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Cô gái trẻ quyết định khi đủ 18 tuổi sẽ đi hiến tạng với mong muốn rằng bản thân không chỉ giúp đỡ được nhiều người khi đang sống, mà đến khi trở về cát bụi vẫn có thể thắp sáng hy vọng, viết tiếp cuộc đời cho những người khác.

“Hiến tạng là hành động đúng đắn và ý nghĩa, các bạn chỉ cần dũng cảm làm theo điều mà trái tim mách bảo”, đó là những gì Mỹ Hà muốn chia sẻ với những bạn trẻ có suy nghĩ hiến tạng nhưng vẫn đang còn chần chờ chưa thể quyết định.

Mỹ Hà đã lựa chọn hiến tạng như một món quà tặng cuộc sống

Mỹ Hà đã lựa chọn hiến tạng như một món quà tặng cuộc sống

Ngoài những bạn sinh viên tham gia hiến tạng, cô giáo trẻ 32 tuổi Lê Thị Tú Như, hiện đang giảng dạy bộ môn Ngữ văn tại Trường THPT chuyên Bạc Liêu cũng thực hiện hành động ý nghĩa này. Sau khi theo dõi các chương trình về việc hiến tạng trên sóng truyền hình, đặc biệt là câu chuyện về các em nhỏ không may qua đời, gia đình hiến tạng cứu được nhiều người, Tú Như bắt đầu có suy nghĩ về việc sẽ cho đi một phần cơ thể mình sau khi mất đi. “Hành động đẹp, sự dũng cảm của những cá nhân đi trước đã tiếp thêm sức mạnh và ảnh hưởng đến quyết định của tôi”, cô Tú Như chia sẻ.

Cô giáo trẻ quan niệm: “Mỗi người đều đi đến cõi chết, vậy có ai tự hỏi trước khi nhắm mắt chúng ta đã sống như thế nào? Riêng mình, chọn thái độ sống chính là sự cho đi”.

Tuy nhiên, khác với Mỹ Hà, ban đầu khi chia sẻ ý nguyện của bản thân với gia đình, Tú Như vấp phải sự phản đối từ người thân. Nhưng may mắn, dần dần được Tú Như thuyết phục, gia đình đã tôn trọng quyết định của cô.

Sau khi hoàn tất các thủ tục và nhận được thẻ đăng ký, Tú Như cảm thấy vui vì đã làm được một điều gì đó nho nhỏ cho cuộc đời. Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ thêm: “Đây chính là động lực để mình chăm sóc bản thân tốt hơn. Mình quyết tâm sống thật khỏe, thật tốt để khi có mất đi thì các bộ phận trong cơ thể mình có thể đem lại cơ hội cho những người đang thực sự cần nó”.

Rào cản định kiến

Tuy việc hiến tạng, hiến xác đã không còn xa lạ nhưng vẫn vấp phải những ý kiến trái chiều. Vấn đề về tôn giáo, văn hóa, gia đình, đặc biệt là quan niệm “chết phải toàn thây” đã ăn sâu vào tâm trí của đại đa số người Việt, trở thành những rào cản khiến không ít người chùn bước khi thực hiện hành động ý nghĩa này. Mặt khác, nhiều người đã phải chịu những điều tiếng, sự trách móc, phẫn nộ khi lựa chọn hiến tạng của mình hay người thân. Đôi khi, họ bị gán cho những từ ngữ không mấy hay ho như bồng bột, thiếu suy nghĩ, thiếu tôn trọng người đã khuất… dù trên thực tế, quyết định không mấy dễ dàng này đã gieo hạt mầm hy vọng cho những ai vẫn còn đang chờ đợi để có được cơ hội hồi sinh, chờ đợi để được nhìn thấy ánh mặt trời.

Chia sẻ về vấn đề này, Mỹ Hà cho biết, khi nghe tin cô đăng ký hiến tạng, bạn bè xung quanh người thì bất ngờ, khen cô bạn can đảm, cũng có người cho rằng thân thể là món quà mà cha mẹ ban tặng, không đồng ý với hành động của Hà. Nhưng theo cô gái trẻ này, người cần hiến tạng có rất nhiều, cô không mong muốn chỉ vì cơ thể bản thân được lành lặn lúc ra đi mà lãng phí cơ hội có thể cứu sống người khác. Mỹ Hà bộc bạch: “Mình thấy việc cho các bộ phận của mình được sống lần thứ hai và hơn hết là giúp người đang cần nó được sống khỏe mạnh là một điều ý nghĩa”.

“Để hiến tạng, người hiến đã dũng cảm vượt thoát những suy nghĩ cố hữu về sở hữu thân xác và gia đình họ phải vượt qua nhiều nỗi đau, thậm chí đấu tranh tư tưởng để mang đến cơ hội sống lần hai cho người khác. Vì vậy, hiến tạng cần được nhìn nhận đúng đắn, tuyên truyền bền bỉ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt lãnh đạo các tôn giáo, những người có uy tín để những tấm lòng tốt không bị tổn thương”, Mỹ Hà trải lòng.

Cô Thu Thảo, mẹ của Mỹ Hà cho biết cô rất vui khi bản thân là động lực cho con gái đăng ký hiến tạng. Trước việc nhiều phụ huynh ngăn cản, không đồng ý cho con hiến tạng, cô cho rằng: “Mỗi người đều có quan điểm khác nhau và cũng có thể họ không hiểu rõ về việc hiến tạng, nên truyền thông cần chia sẻ rộng rãi hơn về lợi ích và ý nghĩa của việc làm này”.

Cũng như cô Thảo, Tú Như cho rằng việc quyết định hiến tạng hay không phụ thuộc vào quan điểm của mỗi cá nhân, theo tinh thần tự nguyện. Bên cạnh đó, đây là hành động không lệ thuộc vào bất cứ thời gian nào trong đời người, vì vậy, mỗi cá nhân hãy suy nghĩ thật thấu đáo trước khi quyết định. “Khi hiến tạng, mình chỉ nghĩ, sống tức là cho đi. Khi đã kiên định với tinh thần ấy, không rào cản nào có thể ngăn mình làm việc thiện”, Tú Như chia sẻ thêm.

Tú Như luôn quan niệm "Sống là để cho đi"

Tú Như luôn quan niệm "Sống là để cho đi"

Trong điều kiện lý tưởng, việc hiến tạng của một người có thể cứu sống được khoảng tám người khác. Do đó, nếu mỗi người có thể mở lòng, vượt qua được định kiến của chính mình thì sẽ có càng nhiều người được cứu sống giữa lằn ranh sinh tử từ sự hiến tặng của chúng ta.

Người muốn đăng ký hiến tạng cứu người có thể liên hệ:

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại tầng 2, nhà C2, Bệnh viện Việt Đức. Địa chỉ 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 0915.060.550 hoặc 024.393.866.932.

Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy. Địa chỉ 201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP.HCM. Điện thoại: 0283.956.0139 hoặc 0913677016.

Người hiến tạng có thể liên hệ địa chỉ trên để đăng ký online. Việc đăng ký hiến tạng hoàn toàn miễn phí, toàn bộ các chi phí xét nghiệm trước lúc lấy tạng đều do cơ sở y tế chịu trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Công đức lạy Phật

GNO - Lạy Phật, lễ bái các Đức Phật và Bồ-tát là pháp hành phổ biến của hàng Phật tử. Dù xuất gia hay tại gia, kể cả những người có cảm tình với Đức Phật mỗi khi vào chùa tháp đều kính cẩn, chí thành lễ bái.

Thông tin hàng ngày