Cùng với sự cầu nguyện

GN - Đầu năm là mùa của lễ hội, hàng triệu người đi đến các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo cầu nguyện sự bình an trong cuộc sống và hanh thông trong công việc. Nhu cầu đó là chính đáng, tuy nhiên do thiếu sự hướng dẫn một cách đúng đắn và thống nhất, nhiều người không hiểu biết đã tự phát có những hành vi phản cảm, không phù hợp nơi cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có các cơ sở chùa chiền mà báo chí đã phản ánh ít nhiều trong những năm gần đây.

BTN_0228.JPG


Cầu nguyện bình an - Ảnh: Bảo Toàn

Ở mặt phổ quát, là con người dù ở vai trò xã hội và hoàn cảnh nào, từ người giàu sang, có địa vị xã hội đến người hành khất vô gia cư… đều bị chi phối bởi các tâm lý lo âu, phiền muộn và sợ hãi trước những biến động - vô thường của cuộc đời. Do đó, nhiều người đã tìm tới sự cầu nguyện, nương nhờ tha lực để mong ước có thể thay đổi được vận mệnh, cải thiện hoàn cảnh tốt hơn, an lạc và hạnh phúc hơn.

Hạnh phúc, trong quan niệm của đạo Phật, có hai cấp độ, đó là hạnh phúc tương đối và hạnh phúc thực sự.

Hạnh phúc tương đối khi con người chúng ta có đủ các điều kiện tốt về thân và tâm: có một thân thể khỏe mạnh và đẹp đẽ, có tâm trí sáng suốt, nghề nghiệp chính đáng được xã hội tôn trọng, điều kiện vật chất đầy đủ, có ý chí phấn đấu vững vàng, môi trường sống an ninh, không bị ô nhiễm…

Dù vậy, khi có đủ các điều kiện trên, con người vẫn bị chi phối bởi các tâm lý lo âu, sợ hãi, phiền muộn mỗi khi tâm của chúng ta chưa được chuyển hóa. Cuộc đời không bao giờ chắc chắn, bền vững như ý muốn. Tuổi trẻ cũng sẽ qua đi, sắc đẹp rồi sẽ tàn phai, sự nghiệp sẽ thay đổi… Chỉ khi tâm con người được chuyển hóa, rộng mở thì chúng ta mới có được hạnh phúc thực sự lâu bền.

Tâm chuyển hóa khi chúng ta nhận thức được rằng cuộc sống duyên sinh này là vô thường, không bền vững, không trường tồn vĩnh cửu và không có tự tính cố định, bất biến mãi mãi. Nhận thức đó đạo Phật gọi là chánh kiến.

Với chánh kiến như vậy, con người sẽ nỗ lực thực hành đạo đức căn bản, rèn luyện để chuyển hóa tâm nhằm trực tiếp chứng nghiệm về bản chất của cuộc đời là vô thường và vô ngã, từ đó chúng ta có thể tự tại, không còn những sợ hãi và phiền muộn, lo âu trước những điều được - mất, thăng - trầm trong cuộc đời này.

Do vậy, song song với sự cầu nguyện nhờ tha lực theo tín ngưỡng tôn giáo truyền thống, điều căn bản và quan trọng hơn, là Phật tử, chúng ta cần nỗ lực sống thiện lành, biết chia sẻ những nỗi khổ niềm đau với chúng sinh, cải thiện hướng thượng trong suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình. Như trong kinh Đức Phật dạy, nếu ai sáng suy nghĩ điều thiện, nói lời thiện lành, làm việc lợi lạc; trưa suy nghĩ điều thiện, nói lời thiện lành, làm việc lợi lạc; chiều suy nghĩ điều thiện, nói lời thiện lành, làm việc lợi lạc, ngày nào cũng vậy thì chắc chắn người đó sẽ có được sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày