Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!

Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!
GN - Trong chúng ta hầu như ai cũng ném mình hay vong thân theo những sự vụ bên ngoài quá nhiều...

Khi thời gian bị bóc lột

Annie Dillard đã viết: “Cách chúng ta sử  dụng thời gian trong ngày chính là cách chúng ta sống trong cuộc đời”. Chúng ta đã sống một ngày như thế nào? Chúng ta đã tận hưởng nguồn vốn thời gian đời mình như thế nào? Có chút luyến tiếc hay hối hận nào không khi ngoảnh lại tự hỏi như một nhà thơ: Ta đã làm chi đời ta?

Trong bộ phim “In Time” đang công chiếu, một phim khoa học viễn tưởng đem đến cho người xem cảm giác... ngột ngạt về sự bóc lột không đếm bằng tiền mà bằng thời gian: từng phút, từng giây. Trong phim, từ năm 25 tuổi, cái đồng hồ thời gian sẽ hiện lên trên cổ tay trái mỗi người. Bước vào đời, đi làm được trả công bằng thời gian, tiêu xài cũng tính bằng thời gian. Ăn một cái bánh, uống một ly nước, đi một chuyến xe..., tất thảy đều tính vào cái đồng hồ thời gian đó. Nhịp sống cứ thế mà trôi theo tiếng tích tắc của đồng hồ. Kịch tác gia kiêm đạo diễn Andrew Niccol đã hình dung ra một xã hội như thế. Ông đã bổ sung cảnh một bà mẹ tặng con mình một nửa thời gian để con được bữa ăn trưa, và khi không còn đủ thời gian để đón xe đi gặp lại con, bà đã chết trong tay người con đang đem thời gian về cho mẹ. Nếu cả hai mẹ con kịp chạm tay nhau sớm hơn một giây, “ngân sách” thời gian từ tay người con sẽ được chuyển qua tay người mẹ và bà đã không phải chết tức tưởi vì trước đó, gã bán vé xe đã nhất định không bán thiếu cho bà nửa giờ!

Khi bạn nhờ ai làm công việc gì đó, bạn cũng sẽ phải trả công anh ta bằng thời gian. Người xem rùng mình vì cái giá của thời gian: sự sống và cái chết. Ngân quỹ thời gian của mỗi đời người thì có hạn vậy mà chúng ta đã và đang lãng phí vốn thời gian từng ngày từng giờ. Hãy ngồi nhẩm tính: một đời người hưởng được bao nhiêu năm khỏe mạnh và hạnh phúc, bao nhiêu mùa xuân? Chúng ta đã dùng thời gian mình như thế nào? Bao nhiêu thời gian của chúng ta bị tước đoạt, lãng phí?

Trong cuộc khảo sát 2.500 nhân viên văn phòng trong mọi ngành nghề tháng 8, website Salary đã có được những con số thống kê đáng kinh ngạc:

73% số người tham gia trả lời câu hỏi phỏng vấn thừa nhận rằng: họ tiêu tốn khá nhiều thời gian cho những hoạt động không hề liên quan gì đến công việc, (và con số 73% hiện nay đã tăng 10%). Cụ thể số liệu đó như sau:

48%: Sử dụng internet vào việc riêng; 33%: Tán gẫu với đồng nghiệp; 30%: Dành cho các công việc làm thêm khác; 19%: “Buôn chuyện” qua điện thoại; 15%: Nghỉ giải lao hoặc ăn trưa quá lâu.

Vì đâu con người lại lãng phí thời gian? Theo họ thì hầu hết cảm thấy chán nản công việc họ đang làm và họ cảm thấy thời gian làm việc quá dài. Lương thấp và nhiều lý do khác như họ không cảm thấy thoải mái trong môi trường làm việc có quá nhiều áp lực được đưa ra minh chứng cho lý do khiến mọi người không muốn tập trung hoàn toàn công sức cho công việc, cụ thể số liệu khiến nhiều người ngạc nhiên, trong đó có 42% số họ thừa nhận lãng phí thời gian vì phải tham gia các buổi meeting, hội họp; 33% thời gian lãng phí cho các công việc liên quan đến thủ tục hành chính rườm rà…

Còn những nhà quản lý thì sao? Những nhà quản lý lãng phí thời gian quý giá thường không đủ thời gian làm những việc quan trọng cho doanh nghiệp, không sắp xếp được thời gian để phát huy sở trường và tiềm năng của mình. Họ thường xuyên ở trạng thái căng thẳng vì áp lực thời gian và không có thời gian chăm sóc cá nhân. Câu giải thích cửa miệng cho việc này là tại bận quá, tại họ không còn thời gian. Thay vào đó, họ chuyên làm những việc lặt vặt, làm thay những việc từ nhỏ đến lớn cho nhân viên, hoặc thời gian làm mọi việc bị động, phụ thuộc vào lịch làm những việc không quan trọng. Nhiều nhà quản lý không đủ thời gian giải bài toán quản lý thời gian của mình, trễ nải trong công việc hoặc từ chối nhận thêm việc theo trọng trách.

Ai đã đánh cắp thời gian của họ?

Không ai khác ngoài chính họ. Nhà quản lý lãng phí thời gian bởi không ở thế chủ động quản lý thời gian, quản lý chính cá nhân mình và cái giá của sự bị động chính là biến tài sản quý giá này thành chi phí của doanh nghiệp.

Họ không hề lập kế hoạch công việc hay lịch làm việc, mơ hồ mục tiêu, kết quả mong muốn, thời lượng, bắt đầu - kết thúc, độ ưu tiên. Với những công việc liên quan không thuộc trọng trách, vẫn không ủy quyền cho nhân viên thực hiện. Không hề thực hiện châm ngôn “Giờ nào việc nấy” - Làm đúng theo kế hoạch làm việc - Chưa kể các buổi họp triền miên dài lê thê không kết quả. Như đã nêu trên, những việc liên quan đến thủ tục giấy tờ, hành chính cũng “bóc lột”, vô tình hay cố ý làm cho quỹ thời gian chúng ta bị hao mòn, thất thoát đáng kể.

Trên bình diện quản lý vĩ mô, chúng ta đã từng thừa nhận “Tốc độ cải cách hành chính còn chậm, kết quả còn chưa đạt được so với mục tiêu chung đặt ra là “đến năm 2010 xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại” (Bài phát biểu về Tổng kết cải cách hành chánh do Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày).

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém nói trên có liên quan tới tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn, tính công khai, minh bạch của nền hành chính còn nhiều thách thức...

Thời gian là vốn quý của đời người

Người ta đã thử tính sơ bộ số thời gian bị mất do kẹt xe tắc đường riêng tại TP.HCM đã làm thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng (dự toán 2009) đến nay chắc phải cao hơn nhiều, chưa kể thiệt hại về sức khỏe do khói xe, do bực bội… Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  nói việc đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp giảm được chi phí hành chính cả nước khoảng 30 ngàn tỷ đồng/năm. Chúng ta còn “bóc lột” thời gian của người khác đến bao giờ khi đã có nhận định rằng thủ tục hành chính tiếp tục là rào cản lớn đối với nhà đầu tư khi thâm nhập thị trường Việt Nam khi họ trung bình phải trải mất 44 ngày và trải qua 9 thủ tục để có giấy phép kinh doanh. Ở riêng hai chỉ tiêu này, Việt Nam bị xếp hạng lần lượt là 119 và 94.

Làm sao sử dụng ngân quỹ thời gian tốt nhất?

Một câu hỏi đơn giản là “Liệu việc đó có xứng đáng để tôi dành thời gian không?”. Theo Lama Surya Das thì: “Tự hỏi  như thế sẽ giúp chúng ta chuyển đổi thời gian bị lãng phí thành thời gian được sử  dụng một cách hữu ích. Tại sao chúng ta không tiết kiệm và đầu tư thời gian một cách cẩn thận như chúng ta đã làm đối với tiền bạc, vì thời gian có giá trị hơn và không thể thay thế được” (Sáu thủ thuật làm chủ thời gian theo lời Phật dạy - bản dịch Thích Minh Phú, NS. Giác Ngộ 188).

Trong chúng ta hầu như ai cũng đã lãng phí quỹ thời gian của mình vì đã ném mình hay vong thân theo những sự vụ bên ngoài quá nhiều mà không biết sống chánh niệm với thời gian. “Giờ nào việc đó”, phải gìn giữ vốn thời gian ít ỏi của đời người, đối diện với công việc một cách có ý thức, chủ động sống trọn vẹn mỗi phút giây hiện tại bây giờ và ở đây.

“Sử dụng các phương pháp tỉnh thức với giây phút hiện tại đã giúp tôi tỉnh giác và tìm thấy chính mình trong chuẩn mực thời gian của Đức Phật, hiện tại thiêng liêng, và sống trọn vẹn như thế mỗi ngày.” (Lama Surya Das, đã dẫn).

Ngày xuân, nhìn lại quỹ thời gian dần vơi đi, bạn còn gì mà phân vân. Hãy sống và làm việc với tất cả nhiệt tình, ta sẽ thấy niềm vui vì như ca từ trong một nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày