Minh họa: Nhuận Thường
Đã hơn mười một giờ rồi. Bà má chồng chắc đã đói mà không tự lo cho mình được một bữa ăn. Từ khi có tin báo thằng con mất tích ở chiến trường Campuchia thì bà đâm ra lẩn thẩn. Lúc đầu, thỉnh thoảng, bà lại lên cơn kêu khóc, hoảng loạn. Bây giờ đã nhiều năm, bệnh tình cũng ổn. Tuy không còn lên cơn nhưng bà lại không nhớ được gì ngoài đứa con dâu là chị. Chỉ khi có mặt chị, bà mới yên tâm. Chị chăm lo cho bà như chăm lo cho một đứa bé. Đói, bà kêu chị. Lạnh, bà kêu chị. Những lúc chị đi làm, bà ngồi lẩm bẩm: “Con đi chợ về mau, má sợ lắm… Con về cho má ăn cơm đi!”.
Ngày chị dọn nhà về khu ổ chuột này, nhìn cách chị cư xử, ai cũng tưởng bà là má ruột chị. Sau này, biết chuyện, mọi người đều tấm tắc khen: “Làm sao lại có được một cô dâu Thoại Khanh như vậy chứ! Bà già có phước thiệt! Gặp đứa khác, chắc nó quăng bà vô nhà dưỡng lão rồi lấy chồng cho sướng thân”. Tiếng là vợ chồng, sự thật thì đâu phải vậy. Lúc hai người sắp cưới, thì má chị đột ngột qua đời. Chôn cất vừa xong thì anh lên đường. Chị đau khổ vì mất mẹ nên cũng không nghĩ ngợi gì đến chuyện riêng tư. Cứ nghĩ rồi anh cũng về. Chị đem nỗi nhớ mẹ vun đắp cho bà mẹ chồng hiền từ như củ sắn, củ khoai. Chị dọn về ở chung để chăm sóc bà. Chị dành cho bà tình thương của đứa con gái dành cho mẹ.
Rồi tin anh mất. Đó là một buổi chiều mưa. Người xã đội trưởng đội mưa tới nhà báo tin. Bà nhìn anh hồi lâu rồi lặng lẽ bỏ ra ngoài. Bà đi lang thang trên con đường mòn cặp mé sông. Chị đi theo, cứ sợ bà nghĩ quẩn rồi nhảy xuống. Nhưng bà cứ đi như vậy cho đến khi tạnh mưa. Chị dỗ dành bà cũng là dỗ dành mình: “Về thôi má! Biết đâu tin này chưa chính xác. Biết đâu mai mốt có tin ảnh vẫn bình an. Ảnh sẽ trở về mà má!”. Chị giữ gìn hai tiếng “biết đâu” cho mình như sợi chỉ mong manh treo bên dưới một quả chuông đồng. Chị sợ cái ngày tiếng chuông vang lên. Chị sợ cái ngày sự thật được phơi bày. Chị cũng có tình cảm. Chị chỉ là một người con gái yếu đuối. Vậy mà chị phải cố gồng người lên, gánh vác cái trọng trách an ủi mẹ chồng, làm cho bà tin là anh vẫn còn đó. Một năm, rồi hai năm…
Bây giờ đã mười hai năm rồi, chị không còn trẻ nữa… Bà mẹ chồng đã trở thành một đứa trẻ. Chị đau lòng khi ngắm nhìn bà. Có ngày, bà ngồi thừ ra đó, buồn chẳng ăn uống, miệng cứ lẩm bẩm: “Đi gì mà mấy năm rồi không về. Con của con lớn rồi, mai mốt nó đi học rồi con”. Những lúc ấy chị lại khóc. Tình yêu dành cho anh theo năm tháng đã phai nhạt rồi. Nhưng còn niềm thương xót người mẹ bất hạnh này vẫn còn đó. Chị không thể bỏ mặc bà. Đêm ngủ, bà cứ nói mơ rồi ôm lấy chị. Có đêm, chị lặng lẽ khóc.
Bẵng đi một thời gian, chỗ ở của hai mẹ con chị bị giải tỏa. Chị dắt dìu bà ra thị xã mua được cái nhà nhỏ trong một xóm lao động, chị xin vào làm công nhân cho một xí nghiệp chế biến thủy sản…
*
Đã ba ngày nay chị đến chỗ làm với tâm trạng lo lắng không yên. Mấy lần thao tác sai khiến người tổ trưởng tốt bụng cũng quan tâm: “Bộ má chồng lại bệnh sao? Tôi thấy cô như mất hồn mấy bữa nay rồi!”. Chị cười giả lả: “Dạ, đâu có!”. Chị cũng thấy lạ lùng cho mình. Sao mình lại như vậy kia chứ! Bà má chồng vẫn bình thường, chỉ khi đạp xe ngang qua, nhìn cái chỗ quen thuộc đó trống huơ, chị lại cảm thấy như thiếu vắng một cái gì.
Có một ngày mưa, chị không hiểu sao mình lại cố đạp xe tới chỗ anh mới chạy vào đụt mưa. Anh kéo ghế cho chị ngồi rồi gợi chuyện. Chị nói chuyện của mình. Anh thở dài… Anh nhớ tới mẹ, người mẹ đã mất từ khi anh mới được mười một tuổi. Anh thèm tình mẹ. Anh nhớ da diết cái nhà nhỏ bên sông, nơi mỗi mùa nước nổi, anh lại theo mẹ bơi dọc bờ sông hái bông điên điển. Rồi những bữa cơm nghèo nhưng chan chứa tình yêu thương của mẹ.
Những ngày bom đạn ác liệt, mẹ vẫn không quên nắm cơm gói trong lá chuối đem xuống hầm cho anh đỡ đói. Mẹ mất trong một chiều tiếp gạo vào cứ cho ba và đồng đội. Chiếc xuồng nhỏ đã chở nhiều hơn sức chứa của nó. Ngã ba sông vẫn ào ạt những con sóng trở mùa. Mẹ không dám bỏ bao gạo nào xuống sông. Mỗi bao gạo, bao thuốc men đều là sự sống của ba và các cô chú ở cứ. Mẹ vật vã đương đầu với sóng gió. Mẹ nghĩ tới đứa con đang chờ đợi ở nhà. Mẹ nghĩ tới người chồng và các đồng chí đang thiếu thuốc men, lương thực. Mẹ cố chèo…Và…
Hôm sau, người ta thấy xác mẹ nổi lên trên bến nước gần nhà. Thằng con trai ngồi khóc lặng lẽ. Mấy ngày sau, ba đưa nó vào cứ để dễ bề coi sóc. Mười bốn tuổi, anh đã làm liên lạc. Trận đánh sau cùng ngày 29 tháng 4, ba đã hy sinh, còn anh đã cống hiến một phần thân thể cho ngày độc lập.
… Chị tìm đến thăm vì biết anh vừa xuất viện. Căn nhà tình nghĩa của phường cấp cho mấy năm trước tuy nhỏ nhắn nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ. Anh thảng thốt nhìn chị:
- Sao… sao chị biết nhà tôi?
- Tôi hỏi thăm, nghe người ta nói anh bệnh. Sẵn vừa lãnh lương, tôi tới trả tiền công anh thay vỏ ruột xe cho tôi hôm trước. Thôi! Tôi để tiền đây. Anh ráng mau hết bệnh. Chừng nào mổ, anh nhắn với bà Tư cho tôi hay coi tôi có giúp được gì hôn.
Chị nói rồi, vơ lấy cái nón bước nhanh. Nắng hừng hực trên con hẻm xi-măng làm mặt chị nóng bừng. Không biết cái nóng vì nắng trưa hay vì câu nói xuất phát từ đáy lòng của chị.
*
Hai mẹ con đang ăn cơm chiều. Trời đã trở chướng. Cái mùi gió chướng làm nôn nao lòng người. Bỗng dưng hồi sáng này bà má chồng đòi ăn đậu rồng chấm tép kho. Đó là món bà thích ăn nhất lúc anh chưa ra đi. Chị mừng thầm, không lẽ bà đã từ từ nhớ lại rồi sao. Chị ra chợ mua tép về kho, mua luôn một ít đậu rồng. Bà cầm mấy trái đậu rồng lên ngắm nghía: “Thằng Hai hồi đó ưa đậu rồng lắm, con nhớ chừa nó về ăn nghen!”. Vậy là xong. Bà vẫn khi nhớ khi quên. Chị dỗ dành: “Má cứ ăn ngon miệng đi! Chừng nào ảnh về, mình mua cái khác mà!”.
Bỗng chị thảng thốt nhìn ra, chiếc xe lăn vừa dừng lại ở cửa. Chị chưa kịp phản ứng gì, người mẹ bao năm chờ đợi bỗng chạy ra: “Thằng Hai về rồi con, nó về rồi nè!”. Bà ôm chầm lấy Tân thổn thức: “Trời ơi! Con đi đâu lâu quá vậy! Sao bây giờ mới về! Má nhớ con lắm, Hai ơi!”. Chị trấn tĩnh bà: “Má ơi! Không phải anh Hai đâu, đây là anh Tân, thợ sửa xe ở ngã tư đằng kia kìa!”. Bà buông tay ra rồi chằm chằm nhìn anh: “Sao lại không phải, thằng Hai mà!... Con bị thương hả? Sao, con bị cụt hết hai chân rồi hả? Tội nghiệp con tôi quá!”.
Anh ngơ ngẩn, nhưng vẫn kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Anh nhìn bà rồi nhìn chị: “Bác tưởng tôi là anh Hai, nếu bác vui mừng như vậy thì cứ để bác vui, có sao đâu!”. Chị im lặng nhìn anh. Bà mẹ vẫn đăm đắm nhìn anh, rồi nức nở: “Con tưởng má quên hả? Con đi bộ đội mấy năm rồi mà. Con bị thương hai chân rồi. Tội nghiệp con tôi quá!”. Anh nghe một nỗi thương cảm dâng trào. Tại sao không để bà vui! Bà chờ con. Anh thiếu mẹ. Anh khẽ khàng: “Con về rồi, má vui hôn má?”. Bà bật khóc: “Vui… vui lắm con! Con ngồi ăn cơm đi, có đậu rồng mà con thích ăn nữa nè!”. Chị nháy mắt: “Anh ăn cơm luôn nghe!…”. Anh đành phải đóng trọn vai diễn bất đắc dĩ của mình…
Vừa tan ca, chị tất tả ghé vào bệnh viện. Anh đã mổ được hai ngày nay. Mảnh đạn cuối cùng đã được lấy ra. Từ đây, anh sẽ không phải chịu những cơn đau khi trái gió trở trời nữa. Bà mẹ quấn quýt bên anh vì bà cứ tin đó là con trai mình. Cả anh và chị đều bị đưa vào tình huống giãi bày. Nhưng má chồng chị đã vui rồi. Bà chăm chút cho anh mấy ngày nay. Coi bộ bà đã nhớ ra mọi điều, kể từ ngày bà nghĩ rằng anh là con trai bà, vào đúng cái ngày anh đến nhà cho chị hay anh sắp mổ! Điều mà đối với bà sẽ không thay đổi - bà cứ nghĩ anh là con mình. Buổi chiều, hai mẹ con ngồi ở băng đá trong sân bệnh viện. Anh đang được khám lại. Bà nói trống không: “Mai mốt nó hết bệnh rồi, nó về nhà, má vui lắm! Con mua cái giường nhỏ cho má. Giường lớn bây giờ của vợ chồng tụi con”. Chị chết lặng. Mỗi lúc, chị càng bị đẩy vào chỗ khó xử hơn. Bà mẹ chồng đã nghĩ mọi điều nhưng bà vẫn cứ tin là mình đã tìm lại được đứa con.
Họ sống bên nhau rất hạnh phúc. Anh vẫn bày biện đồ sửa xe dưới tán cây bàng. Chị vẫn hai buổi đến nhà máy. Bà mẹ tươm tất công việc nhà. Họ đã dọn về căn nhà tình nghĩa của anh. Căn nhà tràn ngập niềm vui. Vào mỗi chiều, bà thường nằm trên chiếc võng giăng ở hàng ba và lẩm bẩm một mình: “Má biết con đâu còn nữa, nhưng vợ con cũng cần phải có người bầu bạn chứ, nó đâu thể sống thui thủi một mình… Được một đứa con dâu như vậy là phước của má. Nó đáng được hưởng mọi điều tốt đẹp con à!”.
Trong mắt bà bây giờ, hai giọt nước mắt của nỗi nhớ thương và của niềm hạnh phúc đang song song chảy.