Đã đến lúc cần con số thống kê chính xác

GN - Vừa qua, trong hội nghị về ngành Tăng sự toàn quốc diễn ra tại Ninh Bình, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã một lần nữa đề cập đến việc thống kê con số Tăng Ni, tự viện tại nước ta.

Hoi nghi ts.JPG
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Tăng sự năm 2015 tại Bái Đính (Ninh Bình) - Ảnh: Bảo Thiên

Hiện tại, trong các văn bản và thông báo mang tính đối ngoại, Giáo hội đã công bố con số về Tăng Ni, cơ sở chùa chiền chính xác đến số đơn vị. Theo đó, cả nước có 47.327 Tăng Ni và 17.287 tự viện. Đó là chưa kể đến số lượng Tăng Ni và cơ sở chưa đăng ký, hoặc không chịu sự quản lý chung của Giáo hội, và được biết con số này cũng không phải là nhỏ.

Dù sự công bố được tính đến cả số đơn vị, nhưng đó chưa phải là con số chính xác với tình hình Phật giáo hiện hữu luôn vận động. Đã nhiều lần vấn đề thống kê con số Tăng Ni, cơ sở Phật giáo cũng như số lượng Phật tử đã được đặt ra. 16 năm trước Giáo hội cũng đã bắt tay làm việc này tuy chưa đi đến được kết quả trọn vẹn, vì chủ yếu mới thống kê ở các tỉnh thành phía Nam.

Do vậy, cứ mỗi khi nhắc đến việc con số thông kê Tăng Ni, cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, chúng ta đành tạm chấp nhận một con số “chưa chính xác với con số hiện hữu”, như lời của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự trong hội nghị về Tăng sự vừa qua ở chùa Bái Đính, Ninh Bình.

Trong khi đó, trên các tài liệu thống kê chính thức do các cơ quan chức năng Nhà nước công bố bằng văn bản, căn cứ những kê khai từ các cuộc thống kê dân số định kỳ của quốc gia, số lượng tín đồ Phật giáo cũng được đưa ra chính xác đến số đơn vị, khi báo Giác Ngộ nêu lên thì lại bị dư luận phản đối gay gắt, cho rằng con số đó không đúng, quá ít so với thực tế.

Đành rằng những phản đối là có lý, bởi nhiều lý do hoàn cảnh, tâm lý và quan niệm tôn giáo của người dân bị ảnh hưởng một thời vẫn còn đâu đó, thường tránh việc tự nhận tôn giáo tín ngưỡng của mình trong sơ yếu lý lịch cũng như trong thông tin về tôn giáo của cá nhân, gia đình ở các biểu mẫu thống kê như là thống kê dân số.

Nhưng khi được hỏi về số lượng tín đồ Phật giáo hiện tại, rất nhiều con số mang tính ước định khác nhau được đưa ra khác nhau, kể cả trong các văn bản hay phát ngôn của các vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ cũng chỉ là những con số ước định cảm tính, không có sự thống nhất. Cùng một thời điểm, có lúc thì con số đó được “xác định” là 50%, 80%, hay có người lạc quan hơn thì dùng số từ chỉ số lượng áng chừng như “đa phần”, “hầu hết” dân số nước ta là Phật tử...

Đã 34 năm kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (1981), qua 7 lần đại hội toàn quốc, đến nay Giáo hội đã có hệ thống hành chánh phủ khắp 63/63 tỉnh thành cả nước, đó là điều kiện thuận lợi để công việc thống kê được tiến hành một cách trọn vẹn, đúng phương pháp và chính xác.

Không thể coi thường hay tùy tiện với con số thống kê, bởi đó là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá, nhìn lại sự vận động của Phật giáo qua từng giai đoạn, đồng thời hoạch định phương hướng hoạt động của Giáo hội, phương thức hoằng pháp đúng đắn, phù hợp với thực tế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày