Đà Nẵng chung lòng giữa “tâm dịch”

GN - Sau 99 ngày không có ca Covid-19 lây trong cộng đồng, Việt Nam ghi nhận ca đầu tiên tại Đà Nẵng. Giữa “tâm dịch”, người Đà Nẵng cố gắng vượt qua nỗi hoang mang, lo lắng để đồng lòng sống giãn cách nhằm chống dịch bệnh…

Đà Nẵng: những ngày cách ly

Sáng 28-7 là một buổi sáng khác biệt hoàn toàn so với ngày thường. Người dân Đà Nẵng tuân thủ lệnh giãn cách xã hội, cả thành phố trở nên yên lặng, không còn nhịp sống sôi động vốn có.

Tuy vậy, vào ngày đầu tiên của đợt tái giãn cách, nhiều người dường như vẫn còn ngơ ngẩn trước sự thay đổi và sự tương phản quá chóng vánh chỉ trong vỏn vẹn vài ngày. Các cửa hàng, quán xá im ỉm đóng cửa, chỉ trừ những nơi cung cấp dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, tài chính, xăng dầu.

hinh xh GN 1062 (2).jpg

TP.Đà Nẵng nhiều hốt chặn nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan Covid-19

Đà Nẵng trở thành “rốn dịch” của cộng đồng, hiện vẫn chưa xác định được F0; số ca lây nhiễm lại tăng lên từng ngày, và đã có những trường hợp tử vong... Covid-19 không chừa một ai, nhiều ngôi chùa đã phải đóng cửa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chư Tăng tự cách ly vì có người mắc Covid-19 từng đến chùa.

Với những diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ Y tế đã ra thông báo khẩn, trong đó xác định các chùa có bệnh nhân Covid-19 đến, tiếp xúc để có biện pháp phòng chống kịp thời, như chùa Giác Nguyên (khu 2, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam), chùa Pháp Hội (69 Nguyễn Văn Thoại, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng); chùa Tân Ninh (đường Nguyễn Chí Thanh, P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu), thiền viện Bồ Đề (đường Hoàng Thị Loan, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), chùa Hương Sơn (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng). Đến ngày 1-8, đã có 3 bệnh nhân là sư cô, đều ở chùa Bảo Thắng (P.Sơn Phong, TP.Hội An).

Những tin mới về các ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng hoặc liên quan đến Đà Nẵng khiến cả nước lo lắng, nhói lòng. Đó là cú sốc đối với người dân và du khách, bởi Đà Nẵng đang căng tràn sức sống, vậy mà chỉ sau vài ngày, thành phố đã hoàn toàn đổi khác, tất cả phải nhường chỗ, ưu tiên cho những hoạt động chống dịch cấp thiết.

Người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan như không đeo khẩu trang, tụ tập quá 30 người. Đặc biệt, 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và các tuyến đường xung quanh hoàn toàn bị phong tỏa.

Những ngày đầy “bão lòng”, rất nhiều câu chuyện xúc động về tình người trong đại dịch đã và đang tiếp tục lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Có một Đà Nẵng với nhịp sống chậm lại, vắng lặng trong tình trạng giãn cách. Sáng sớm, đường phố chỉ vài người duy trì thói quen đi bộ như để hít thở một chút không khí trong lành của biển, ngắm bờ sông Hàn...

Chung sức, đồng lòng chống dịch

Dịp này, trên khắp các khu phố Đà Nẵng, người ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đẹp, bình dị nhưng lay động lòng người. Dưới ánh đèn đêm, các chiến sĩ trực gác khu cách ly đang ăn vội ăn vàng phần cơm theo tiêu chuẩn bộ đội.

Những người phụ nữ vất vả chuyển nhu yếu phẩm cho người thân trong khu phố bị phong tỏa. Những cuộc gặp gỡ giữa những người quen thân mà không hề có một cái bắt tay hay đụng chạm. Đặc biệt, hình ảnh những cán bộ y tế, công an, quân đội có mặt tại các khu phố bị phong tỏa với tinh thần đầy trách nhiệm và đầy tình nghĩa.

hinh xh GN 1062 (1).jpg

Nhiều nơi tổ chức tặng khẩu trang miễn phí

Những ngày này, người Đà Nẵng ấn tượng mãi về “Những người vận chuyển của lòng dân”. Đó là cách họ gọi các cán bộ chiến sĩ công an, khi các anh vào từng nhà, đi từng ngõ với những bao gạo, chở từng thùng mì đến với người dân có hoàn cảnh khó khăn, những người neo đơn, khuyết tật; mang từng chút tình cảm đến với những người đang phải cách ly...

Để tiếp sức cho những người đang tham gia chống dịch bên trong các khu phong tỏa như Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng, nhiều người dân Đà Nẵng đang làm hết sức mình. Họ mang đến những phần đồ ăn, đồ uống.

Họ đồng lòng kêu gọi cùng góp sức mua những bộ đồ bảo hộ - như cách mà ca sĩ Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương thực hiện - kêu gọi mọi người cùng chung tay mua 200 bộ quần áo bảo hộ cho các y bác sĩ chống dịch. Các đơn vị, cá nhân cũng đã thấu hiểu và động viên, huy động quyên góp, giúp sức chống dịch.

Anh Hồ Ngọc Thanh, CLB Bếp Cơm Vạn Tình đã trao tặng 50 thùng nước cho Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng để “tiếp sức”. Thật ấm lòng khi một bác sĩ đã xưng “con” với các bệnh nhân, gọi bệnh nhân là các bác, các chú rồi cùng bắt nhịp hát vang, giúp lan tỏa “sức mạnh”, xoa dịu phần nào nỗi đau và lo lắng của bệnh nhân.

Với những du khách bị mắc kẹt, chưa thể trở về do không có các phương tiện vận chuyển, họ đã được nhiều người dân Đà Nẵng hỗ trợ địa chỉ lưu trú, chỗ trọ giảm giá, hoặc miễn phí hoàn toàn.

Đó không chỉ là tinh thần chống dịch, mà hơn hết, đó còn là tình người trong lúc khó khăn, cấp bách. Đội ngũ y tế giỏi và có kinh nghiệm từ các trung tâm lớn đã “đổ bộ” vào Đà Nẵng với quyết tâm đánh thắng trong “trận chiến” mới - thật xúc động.

Đà Nẵng vẫn đang làm mọi thứ cấp thiết, hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch, cán bộ y tế địa phương đi từng nhà, gặp từng người để test miễn phí, sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày