“Đại dịch cô đơn” ở người cao tuổi

GNO - Tại Blackpool, Anh quốc - Ở đầu dây bên kia, sự hân hoan của một cụ bà 80 tuổi bỗng tắt lịm khi Alison, người làm công việc là trò chuyện với người cao tuổi hỏi: “Bà đã ăn mừng sinh nhật 81 tuổi với ai vậy cụ Beryl?” - “Một mình…”, bà ngậm ngùi.

Giọng bà trở nên run run khi bà chợt nhớ ra rằng bà đã ở nhà một mình không chỉ duy trong ngày sinh nhật của mình mà là trong nhiều ngày qua. Cuộc đối thoại qua điện thoại là cuộc trò chuyện đầu tiên của bà với người khác trong hơn một tuần qua.

Câu chuyện này được trích dẫn trong một bài báo trên Tờ The New York Times, đánh động về thực trạng - sự cô đơn đang trở thành một “đại dịch” ở người cao tuổi tại một số quốc gia, điển hình là Anh quốc và Hoa Kỳ. Và tất nhiên, điều này gây ra nhiều bất lợi cho cuộc sống khỏe mạnh và an vui của người cao tuổi.

anh co don.jpeg


Người già và nỗi cô đơn - Ảnh minh họa

Cô đơn đang trở thành một đại dịch

Mỗi tuần có đến khoảng 10.000 cuộc gọi điện trò chuyện như vậy đến một trung tâm trò chuyện qua điện thoại hoạt động suốt 24/24 giờ tọa lạc tại vùng tây bắc nước Anh, có tên là The Silver Line Helpline, dành cho người cao tuổi với nhu cầu cơ bản nhất - đó chính là: nhu cầu tương tác với người khác.

Cô đơn, một trạng thái được mô tả như là “điều kinh hoàng chưa được nghiên cứu” hay “một sự tàn phá bởi đau thương trong im lặng” bởi nhà nghiên cứu hành vi Emily Dickinson. Tại Anh, thực tế này đang ngày được xem là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được sự quan tâm ở cấp độ quốc gia và cần được tài trợ cộng đồng để cải thiện tình hình.

Theo Paul Cann, giám đốc điều hành tổ chức The Age UK Oxfordshire kiêm người sáng lập Chiến dịch Kết thúc sự cô đơn (The Campaign to End Loneliness) hoạt động gần 5 năm tại Luân Đôn thì “Mọi người ai ai  cũng đã nhận diện được thực trạng này - sự cô đơn phổ biến ở người cao tuổi, từ chính quyền địa phương cho đến Tổ chức Y tế Quốc gia và truyền thông đại chúng trong nước. Sự cô đơn là mối quan ngại của từng người”.

Các nhà nghiên cứu đã khẳng định mối liên hệ giữa trạng thái cô đơn với các bệnh về thể chất cũng như sự suy giảm trong chức năng tư duy của con người. Và tâm trạng cô đơn cũng là một dấu hiệu của tuổi thọ ngắn, như điều đã khẳng định tác hại của béo phì và thừa cân với sức khỏe.

“Sự cô đơn có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và không thể chấp nhận việc để người cao tuổi rơi vào trạng thái đơn độc dù ở góc độ y khoa hay cả góc độ đạo đức”, chia sẻ của chuyên gia lão học Carla M. Perissinotto, Đại học California (San Francisco).

Tại Hoa Kỳ và Anh quốc hiện nay cứ trong 3 người trên 65 tuổi thì có một người sống một mình. Và ở Hoa Kỳ một nửa số người trên 85 tuổi sống một mình. Các nghiên cứu ở cả hai quốc gia này đều cho thấy có khoảng 10-46% số người trên 60 tuổi có cảm giác đơn độc.

Cảm giác đơn độc gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, theo nghiên cứu

Trong khi các tổ chức và cá nhân tình nguyện tại Anh đang nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực tế này thì các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu nguyên nhân sinh học gây ra hiện trạng này. Trong một nghiên cứu phát hành trên Tạp chí The Cell, các chuyên gia thần kinh học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đã xác định được vùng não bộ làm phát sinh cảm giác cô đơn, được gọi tên là D.R.N (Dorsal Raphe Nucleus) - là nguyên nhân gây ra suy nhược tinh thần.

Giáo sư tâm lý học John T. Cacioppo (Đại học Chicago) đã nghiên cứu về trạng thái đơn độc của con người từ thập niên 90 của thế kỉ trước, cho biết: Đơn độc là một trạng thái tâm lý có thể kiểm soát được như cảm giác đói bụng, khát nước hay cảm giác đau đớn trên thân phần nào đó. Vì vậy, phủ nhận cảm giác cô đơn là điều phi lý như mình đói bụng mà quả quyết rằng mình không hề đói vậy. Do đó, bản thân hai từ “đơn độc” hay “cô đơn” mang trường nghĩa của sự suy yếu trong tương tác xã hội hay sự suy giảm khả năng đứng vững một cách tự lập.

Điều này biểu hiện khá rõ qua các cuộc gọi đến trung tâm Silver Line. Hầu hết mọi người gọi đến để xin lời khuyên hoặc để được tư vấn những điều rất đơn giản. Nhiều người gọi nhiều hơn một lần trong ngày. Thậm chí có cụ bà gọi đến để hỏi giờ. Nhưng rất ít người gọi nói về sự cô đơn của mình một cách thẳng thắn.

Nhân viên của Silver Line khi nhận điện thoại sẽ tìm hiểu liệu xem người gọi có đang cô đơn hay không. Các chuyên gia tư vấn được hướng dẫn để nhận diện được các dấu hiệu của sự cô đơn, cảm giác bị tách biệt từ người gọi để dẫn dắt một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng và phù hợp và hướng người gọi đến mạng lưới Silver Line Friend, nơi những người tình nguyện sẽ gọi điện thoại hoặc thư từ hàng tuần để giúp giảm cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi ở người cao tuổi.

Nghiên cứu của giáo sư Cacioppo khẳng định, cảm giác đơn độc kéo dài sẽ làm tăng mức hormone gây stress cortisol, gây ra áp lực lên mạch máu, làm tăng huyết áp và giảm sự lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, trạng thái cô đơn còn làm giảm sự sản sinh tế bào bạch cầu dẫn đến suy giảm khả năng đề kháng và kháng viêm nhiễm của cơ thể.

Từ số liệu khảo sát quốc gia năm 2012, TS. Perissinotto đã phân tích mối quan hệ giữa sự đơn độc và các hệ lụy sức khỏe ở người trên 60 tuổi . Trong số hơn 1.600 người tham gia nghiên cứu có 43% cho biết bản thân có cảm giác cô đơn. Và sự cô đơn này làm giảm sự linh hoạt, khó khăn trong việc đảm bảo các hoạt động thường nhật và có nguy cơ tử vong trong vòng 6 năm sau đó.

Sự liên hệ giữa cảm giác cô đơn và tử vong trở nên nghiêm trọng sau những thay đổi về tuổi tác, tình trạng kinh tế, suy nhược tinh thần và các vấn đề sức khỏe khác.

Ngoài ra, sự đơn độc còn làm khởi sinh và phát triển ý nghĩ tự sát. Tại Hoa Kỳ đang có trung tâm hoạt động 24/24 The Friendship Line - đường dây nóng do Viện Lão hóa (San Francisco) điều hành để ngăn chặn tự sát.

Tổ chức từ thiện xã hội Open Age ở Anh, đã vận hành gần 400 hoạt động mỗi tuần tại trung tâm Luân Đôn như: thêu tay, các buổi trò chuyện và thảo luận, các trung tâm thể thao, câu lạc bộ sách và thể dục thể thao, các lớp học sử dụng máy vi tính, ca đoàn, các dự án nhà ở… và nhân viên của tổ chức này cũng được điều tới thăm viếng người cao tuổi tại nhà để giúp họ cải thiện trạng thái tinh thần và giảm bớt sự cô đơn ở họ.

Trong số những người gọi điện thoại đến Silver Line, có đến 70% là các cụ bà. Một số cụ ông còn hãnh diện cho rằng: “Tôi có thể tự chăm sóc bản thân mình. Tôi không cần nói chuyện với ai cả. Không giao tiếp cũng đâu giết chết chúng tôi…”.

Tuy vậy, tổ chức Men’s Shed ở quận Camden Town (Luân Đôn) đã thu hút được hơn 300 cụ ông vào tham gia các hoạt động trong một xưởng mộc - nơi mang lại cảm giác dễ chịu và quen thuộc cho các cụ. Ý tưởng này ban đầu xuất phát từ Australia và sau đó lan đến các vùng khắp Anh quốc (England, Scotland và Ireland).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày