Đại giới đàn Hoằng Đức PL.2561 tại tỉnh Long An

GN - Nhân Đại giới đàn Hoằng Đức PL.2561- DL.2018 do BTS GHPGVN tỉnh Long An tổ chức từ ngày 26 đến 30-3-2018 (nhằm ngày 10 đến 14-2-Mậu Tuất), HT.Thích Minh Thiện, Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Long An, Trưởng ban Tổ chức chia sẻ:

HT_2.jpg

HT.Thích Minh Thiện

- Chúng tôi rất chú trọng đến công tác quản lý “đầu vào”, ngoài những quy định chung của Giáo hội, chúng tôi có gợi ý chọn người xuất gia phải trải qua quá trình tập sự 3 năm mới được thọ giới Sa-di hay Sa-di-ni (tăng thêm một năm làm cư sĩ tập sự trước khi thế phát xuất gia so với quy định của Nội quy Ban Tăng sự T.Ư), khi thọ giới phải khảo thí giới tử nghiêm túc.

Giới tử đáp ứng đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện của kỳ khảo hạch mới được cho thọ giới, không cho giới tử sám hối để được thọ giới. Ngoài ra, trước khi xuất gia phải đề nghị Phật tử xét nghiệm thêm các bệnh về truyền nhiễm, bệnh xã hội như HIV, hay nghiện ma túy…

Về công tác đào tạo Tăng tài, Phật giáo tỉnh nhà luôn đặc biệt quan tâm, hiện tỉnh có Trường Trung cấp Phật học Long An, đang đào tạo khóa VI nội trú dành cho chư Tăng (chùa Thiên Khánh), chư Ni (chùa Thiên Phước) và một Lớp Sơ cấp Phật học tại chùa Pháp Minh; riêng về công tác hướng dẫn Phật tử, Ban Trị sự tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành trực thuộc tổ chức 299 đạo tràng tu học cho Phật tử.

Mục đích tổ chức giới đàn là truyền trao giới pháp, tuyển chọn người “làm Tăng”, nói rộng ra là “tuyển người làm Phật”. Tại Long An, mỗi ba năm đều tổ chức một Đại giới đàn. Từ những năm 1986 đến năm 1996, BTS GHPGVN tỉnh nhà đã tổ chức vài giới đàn phương trượng theo truyền thống thiền môn cho Tăng Ni trong tỉnh thọ giới tu học mà thôi.

H1.JPG

Cung nghinh chư tôn giáo phẩm quang lâm giới trường Đại giới đàn Hiển Kỳ - Ảnh: L.A

Từ năm 1996 đến nay, Ban Trị sự đã tổ chức tổng cộng 8 Đại giới đàn với các tôn hiệu: Minh Tánh (1996), Liễu Thiền (1999), Khánh Phước (2002), Chánh Tâm (2005), Pháp Lưu (2007), Viên Ngộ (2010), Thiện Nhu (2013), Hiển Kỳ (2015), và năm nay tổ chức Đại giới đàn Hoằng Đức tại chùa Thiên Châu và Thiên Phước thuộc TP.Tân An.

Chúng tôi đặc biệt đề ra tôn chỉ và mục đích tổ chức Đại giới đàn nhằm tuyển người “thật tu, thật học” để kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của chư Tổ, thầy. Chính vì thế, những vị được truyền giới tại các Đại giới đàn trên, hiện nay đang phụng sự cho Phật giáo tỉnh nhà cũng như tại các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Những vị đã thọ giới từ năm 1996 đang đảm trách Phó ban Trị sự tỉnh, đến những chức vụ quan trọng trong Ban Trị sự tỉnh, huyện…

Hòa thượng có thể chia sẻ về việc chọn tôn hiệu Hoằng Đức cho Đại giới đàn lần này tại tỉnh nhà? Đại giới đàn năm nay có gì khác biệt so với những kỳ Đại giới đàn trước tại Long An?

- Cố Đại lão Hòa thượng Thích Hoằng Đức (1888-1992) sanh quán tỉnh Long An. Hòa thượng là bậc chân tu, thật học tại tỉnh nhà với quyết tâm rất cao và được chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử chí thành tôn kính bởi sự tinh chuyên trong hoằng dương Chánh pháp. Kính tuyên dương công đức của bậc thiền Tăng, một đời vì đạo pháp, vì hạnh nguyện lợi tha, không ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc, Ban Kiến đàn Phật giáo Long An trân trọng cung thỉnh Pháp hiệu của Hòa thượng lập thành công đức cho hậu thế noi gương, đăng đàn tiến tu học đạo.

Dù là Đại giới đàn nào, BTS GHPGVN tỉnh, Ban Kiến đàn cũng xác định tổ chức trang nghiêm, thanh tịnh mang tính chất thiêng liêng nhằm tuyển chọn những người “thật tu, thật học” để kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Hàng tam sư thất chứng truyền giới cho giới tử Tăng, Ni, Ban Tổ chức chí thành cung thỉnh chư vị tôn túc đạo cao, đức trọng trong và ngoài tỉnh được mọi người cung kính truyền trao giới pháp để giới tử ân triêm công đức đắc giới.

Về phần nghi thức dựa trên quyển “Việt Nam Truyền Giới Chánh Phạm” do HT.Thích Minh Thông biên soạn để truyền trao giới pháp cho tất cả giới tử, bên cạnh đó còn có nhiều nghi thức truyền thống thiền môn khác.

Đại giới đàn Hoằng Đức sẽ được tổ chức trang nghiêm, long trọng tại chùa Thiên Châu, Thiên Phước (TP.Tân An) từ ngày 26 đến 30-3-2018 (nhằm ngày 10 đến 14-2-Mậu Tuất). Tại đàn giới lần này, Ban Kiến đàn cung thỉnh Trưởng lão HT.Thích Đức Nghiệp, Trưởng lão HT.Thích Hiển Pháp, đồng Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Hiển Tu, Phó Thư ký HĐCM; HT.Thích Viên Giác, UVTT HĐCM.

Ban Kiến đàn cung thỉnh HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư… vào Ban Chứng minh Đại giới đàn; cung thỉnh Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM làm Hòa thượng Đàn đầu đàn Tỳ-kheo; HT.Thích Như Niệm, UVTT HĐCM làm Hòa thượng Đàn đầu đàn Sa-di; NT.Thích nữ Như Đức làm Hòa thượng Đàn đầu đàn Tỳ-kheo-ni; NT.Thích nữ Như Ngọc làm Hòa thượng Đàn đầu đàn Thức-xoa-ma-na; NT.Thích nữ Đạt Thuận làm Hòa thượng Đàn đầu đàn Sa-di-ni.

Ban Kiến đàn cung thỉnh HT.Thích Minh Thông làm Tuyên luật sư, cùng cung thỉnh chư tôn đức Tăng Ni “đạo cao đức trọng” với đời sống tu tập thanh tịnh vào hàng tam sư thất chứng cho giới đàn.

Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Long An đã phát hành trên 1.000 hồ sơ thọ giới cho giới tử trong, ngoài tỉnh và đã thu gần 500 hồ sơ thọ giới.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

Suối Nghệ thực hiện

Đại lão HT.Thích Hoằng Đức, thế danh Nguyễn Văn Cự, húy Nhật Phú, tự  Như Thuận, sinh năm Mậu Tý (1888), tại làng Nhơn Thạnh Trung, thị xã Tân An, tỉnh Long An trong một gia đình thuần thiện. Thuở nhỏ, Hòa thượng được học chữ Hán, nghề Đông y và được lĩnh hội những tinh hoa tốt đẹp từ giáo pháp cao quý của Đức Phật.

Năm Ất Hợi (1935), lúc đã 47 tuổi, Hòa thượng biết đến chùa Linh Sơn (Cầu Muối - Sài Gòn), học đạo với Hòa thượng trụ trì pháp hiệu Hồng Tu - Thiện Huệ, sau đó được xuất gia.

Năm Mậu Dần (1938), lúc 50 tuổi, sau khi đủ duyên thọ giới Tỳ-kheo tại Đại giới đàn chùa Hội Phước (Bến Tre), Đại đức ra Bình Định tham học với HT.Bích Liên, rồi trở về học pháp với HT.Kiểu Đạo - Hoằng Khai ở chùa Hội Tôn (Bến Tre); HT.Phước Chí ở chùa Thiên Phước (Long An). Sau đó, lại lưu trú ở chùa Linh Sơn - Sài Gòn một thời gian dài tham học với HT.Phước Chí - Huệ Thông.

Trong thời gian tu học và hoằng dương Chánh pháp, Hòa thượng đã trùng tu, kiến tạo rất nhiều tự viện, như: chùa Hội Long, Hưng Phú, Bình An, Linh Tâm, An Châu, Tam Khánh và nhiều ngôi chùa khác tại các địa phương trực thuộc tỉnh Long An. Hòa thượng còn mở nhiều buổi thuyết giảng, khai mở hơn 13 khóa An cư kiết hạ, được cung thỉnh làm đàn chủ của nhiều giới đàn trong và ngoài tỉnh. Hòa thượng luôn chuyên tâm nhất ý với các thời khóa đã định, như: trì kinh Kim cang, niệm Phật và trì chú Chuẩn đề.

Khi còn khỏe mạnh, Hòa thượng từng đi bộ trên 20km để đến giới trường tham học Luật tạng; lúc tuổi xế chiều, cố Hòa thượng vẫn thường trau dồi kinh sử, chí thành lắng nghe Phật pháp. Năm Quý Hợi (1983), cố Hòa thượng được suy cử làm Cố vấn và Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Long An. Năm 1988, dù tuổi đã 100, Hòa thượng vẫn tham dự khóa An cư kiết hạ tại chùa Linh Sơn (Q.1, TP.HCM), năm 1989, Hòa thượng dự khóa An cư tại chùa Giác Sanh (Q.11, TP.HCM).

Năm Nhâm Thân (1992), Trường Cơ bản Phật học Long An (nay là Trường TCPH Long An) hình thành, Hòa thượng đã tích cực hỗ trợ nhiều mặt Phật sự và luôn nhắc nhở BTS Tỉnh hội Phật giáo Long An (nay là BTS GHPGVN tỉnh Long An) phải quan tâm nhiều hơn đến những cơ sở đào tạo giáo dục quan trọng này. Hòa thượng đã chủ biên dịch thuật, như: Luật Trường Hàng, Tỳ-ni Hương Nhũ; công trình điêu khắc mộc bản kinh Pháp hoa, kinh Địa Tạng, kinh Nhật tụng và tranh tượng Phật, Bồ-tát…

Hòa thượng đã an nhiên thị tịch tại tổ đình Hội Long (TX.Tân An, Long An), thượng thọ 105 tuổi, 55 năm hạ lạp. Nhục thân Hòa thượng được trà tỳ và tôn trí nơi tháp Bảo Đồng Hội Long.

(Trích tiểu sử Đại lão HT.Thích Hoằng Đức)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày