GNO - Một thông báo mới đây trên trang Facebook của Đại sư Kyabje Gelek Rinpoche cho biết ngài đã viên tịch vào sáng thứ Tư tuần này, 15-2.
Ngài Kyabje Gelek Rinpoche là một vị Đại sư của Trường Phật học Gelugpa thuộc phái Kim Cương thừa - là một vị thầy đáng kính và tác giả có ảnh hưởng lớn.
Đại sư Kyabje Gelek Rinpoche
Rất nhiều người đã gửi lời chia buồn trên trang web của tổ chức phi lợi nhuận Jewel Heart do Đại sư sáng lập, trong đó có Thupten Jinpa Langri, phiên dịch viên tiếng Anh của Đức Dalai Lama.
“Tôi vừa nhận được tin ngài Gelek Rinpoche viên tịch. Chúng ta mất đi một vị thầy lỗi lạc của phái truyền thừa Geluk. Người Tây Tạng gọi ngài là Nyakre Khentrul Rinpoche. Đại sư là người đi đầu trong việc phục chế những văn bản chữ Geluk từ những năm 1970, và là người trung hòa giữa hai trường phái Kyabje Ling Rinpoche và Kyabje Trijang Rinpoche. Sự hiện thân của ngài là một Đại sư Tây Tạng ở phương Tây đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều người”.
Ni sư người Mỹ, Thubten Chodron thì chia sẻ:
“Tôi đã nhận được tin Đại sư Rinpoche viên tịch. Mất đi một vị thầy vĩ đại như ngài là một cú sốc đối với tôi, nhớ lại trước kia tôi thật có phúc được gặp một vị thầy đức hạnh như ngài và học đạo từ ngài. Trước kia tôi chắc phải tu tập nhiều lắm mới có cơ hội gặp thầy, nhưng ngài đã đi rồi…
À không! Vị thầy của chúng ta chưa bao giờ đi cả. Đại sư ở trong tâm chúng ta và trong những bài giảng pháp chúng ta nghe. Chúng ta có thể tìm đến ngài bất cứ lúc nào để tịnh hóa thân, miệng, ý. Chúng ta dành thời gian thiền định mỗi ngày để kết nối với ngài. Đại sư chỉ dạy chúng ta và tin tưởng vào khả năng thực hành đạo pháp của chúng ta để trở thành người có đạo đức và từ bi hơn.
Thân tứ đại của Đại sư không còn nữa, từ sự kính trọng ngài, chúng ta phải nỗ lực trau dồi trí tuệ và lòng từ bi của mình đến với tất cả chúng sanh. Tất cả chúng ta là những tia hào quang tỏa ra từ tâm của Đại sư, tiếp tục công cuộc hoằng pháp lợi sanh bằng cách sống theo giáo pháp và truyền bá giáo pháp”.
Ngài Kyabje Nyagre Khentrul Ngawang Gelek Rinpoche sinh ra ở Lhasa, Tây Tạng vào năm 1939. Năm lên 4 tuổi, ngài được coi là hóa thân của ngài Nyagre Khentrul Rinpoche - từng theo học ở tu viện Drepung với tư cách là Lạt-ma cuối cùng của Tây Tạng trước thời kỳ bị Trung Hoa xâm lược. Là cháu của Lạt-ma thứ 13, Thubten Gyatso, Gelek Rinpoche được học với các vị Đại đức từng giảng dạy Lạt-ma đương thời và nhận học vị Geshe Lharampa khi mới 20 tuổi.
Năm 1959, ngài Gelek rời khỏi Tây Tạng sang Ấn Độ, và trở thành học viên đầu tiên của trường đào tạo Lạt-ma trẻ tuổi do đức Dalai Lama và Freda Bedi (1911 - 1977) sáng lập. Freda Bedi là người phụ nữ phương Tây đầu tiên được xuất gia theo Phật giáo Tây Tạng.
Đại sư Gelek sửa đổi và tái bản những bản thảo tiếng Tây Tạng cổ, nếu không những bản thảo này có thể đã không còn tồn tại. Ngài cũng tiên phong sáng lập những tổ chức phi lợi nhuận nhằm truyền bá đạo pháp và đóng vai trò quan trọng đối với vị thế của Phật giáo Tây Tạng. Mặc dù có ý muốn hoàn tục, ngài vẫn muốn tiếp tục hoằng pháp với vai trò là một cư sĩ, giảng dạy Phật pháp cho các tín đồ người phương Đông và phương Tây.
Đại sư Gelek Rinpoche đến Mỹ năm 1980, năm 1988 ngài sáng lập Jewel Heart - một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục và văn hóa có trụ sở tại Ann Arbor, Michigan - được mệnh danh là “sự cống hiến cho việc bảo tồn Phật giáo Tây Tạng, làm sống lại những phong tục truyền thống được ghi chép trong cổ thư đến với mọi người”. Giáo hội và các cộng đồng Phật tử khắp nước Mỹ, Malaysia và Hà Lan cũng tham gia vào tổ chức, ngoài ra còn có các nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Allan Ginsberg và nhạc sĩ Philip Glass.
Các tác phẩm của Đại sư Rinpoche bao gồm: “Sống chết an lành - Trí tuệ Tây Tạng về luân hồi”, “Đa-la - Cầu nguyện sự bảo hộ của Đức Phật mẫu” với sự cộng tác của Brenda Rosen.
Trong thông cáo mới đây của Văn phòng Tây Tạng ở Washington D.C. ca ngợi ngài Gelek Rinpoche là một trong những người mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất. “Gelek Rinpoche đã cống hiến rất nhiều cho việc lưu giữ và phát huy truyền thống Phật giáo Tây Tạng trong hiện tại, cho các thế hệ tương lai và cả những Phật tử nước ngoài. Công lao của ngài là vô tận. Chúng tôi sẽ mãi mãi biết ơn ngài về những cống hiến lớn lao của ngài cho thế giới”.