“Đản sanh vị tằng hữu”

GN - Bất kỳ một tôn giáo nào, ngày Đản sanh của vị Giáo chủ là một trong những sự kiện trọng đại nhất.

TND_7423.jpg


Trong tất cả những ngày lễ của đạo Phật, với người con Phật, ngày Phật đản là ngày lễ lớn nhất. Liên Hiệp Quốc cũng công nhận Ngày Vesak (Tam hợp, kỷ niệm Đức Phật Đản sanh, Thành đạo và Nhập diệt).

Điều hy hữu nhất trong tất cả những điều hy hữu là: “Khó thay Phật ra đời!”. Đây là sự kiện trọng đại, vị tằng hữu (chưa từng có), nghìn năm một thuở trong lịch sử nhân loại. Trong một thế giới, không bao giờ có hai vị Phật đồng thời xuất hiện. Kinh Nikāya có ghi: “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một cách vi diệu. Người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác”. Sự xuất hiện của Ngài được gọi là vi diệu vì sự xuất hiện đó như ánh sáng mặt trời xua tan bóng đêm tăm tối, mang lại hạnh phúc đích thực, bình an vĩnh cửu cho vạn loại, ban cho chúng sanh một phương thuốc mầu nhiệm điều trị tâm bệnh, nỗi khổ trầm luân sinh tử.

Từ khi còn ở trong hoàng cung, Ngài đã thường trầm tư suy nghĩ về những cảnh sanh, già, bệnh, chết của kiếp sống con người. Ngài ăn không ngon, ngủ không yên khi nhìn thấy nỗi khổ đau của chúng sinh đang chìm đắm trong dục lạc, si ái. Ngài không màng đến những thú vui xa hoa, sung sướng cho riêng mình nơi cung son, khi nhân loại đang quờ quạng trong đêm trường vô minh tăm tối. Ngài quyết định ra đi vì đại cuộc, vì mục đích tìm ra ánh sáng giác ngộ, cứu độ chúng sanh. Rõ ràng địa vị cao sang đối với Ngài không quan trọng bằng sự giác ngộ, tấm lòng từ bi và hạnh nguyện phổ độ chúng sinh. Kinh Nikāya có ghi: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”.

Đức Phật với sự giác ngộ của Ngài, không những mang tính minh triết mà còn với lòng từ bi bất bạo động, mang an lạc, hạnh phúc, hòa bình, hữu nghị nên được quốc tế chấp nhận. Đó là một giá trị văn hóa tâm linh tôn giáo mang tính toàn cầu.

Kinh A-hàm có tán thán sự kiện Đản sanh vị tằng hữu của Đức Phật như sau: “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, của đại quang, của đại minh, là sự xuất hiện thù thắng của sự chứng ngộ vô ngại giải, là sự chứng đạt các giới và các giới sai biệt, là sự chứng ngộ minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán, người ấy là ai? Này các Tỳ-kheo, chính là Như Lai, bậc A-la-hán”.

Đức Phật xuất hiện gọi là mắt lớn, nhìn thấu suốt bản chất sự vật trên thế gian, là đại quang đại minh, là sự xuất hiện thù thắng của sự chứng ngộ vô ngại giải (biện tài vô ngại). Ngài chứng đạt các giới và các giới sai biệt, thấy rõ sáu căn, sáu trần và sáu thức là vô thường, duyên sinh, vô ngã, huyễn mộng. Ngài đã thắp sáng trí tuệ Bát-nhã, không còn vướng nhiễm các pháp, nên được giải thoát, đạt được các quả vị Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán một cách tự tại.

Đạo Phật đã hòa nhập vào nền văn hóa của dân tộc Việt Nam suốt hai mươi thế kỷ, trở thành dòng máu của người dân Việt, đóng góp rất tích cực trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Ngày Phật đản là ngày đem lại niềm tin và sự kỳ vọng. Đạo Phật mang một sứ mệnh gắn kết các dân tộc, tôn giáo, gắn kết tất cả mọi đặc thù về văn hóa, chủng tộc… Bởi giáo lý của đạo Phật mang thông điệp hòa bình, hữu nghị, tinh thần ban vui cứu khổ, hóa giải mọi xung đột về các ý thức hệ. Chính vì vậy, đạo Phật đã hòa nhập, nối nhịp cầu thông cảm, yêu thương, mang tính đoàn kết, hòa bình trên mọi lĩnh vực quốc tế. Cho nên, ngày Phật đản là ngày truyền thông điệp của niềm tin và hy vọng về một thế giới tương lai đầy ắp tình thương yêu, không có bóng dáng chiến tranh, hận thù. Giáo pháp của Đức Phật có thể giúp thế giới sống trong hòa bình. Đức Phật chưa từng khuyến khích con người đấu tranh, sát phạt nhau. Đức Phật cũng không tự thiết lập cho Ngài một quyền lực gì, và đạo Phật cũng không có giáo quyền, binh quyền nên chưa từng có một cuộc thánh chiến nào mang danh Đức Phật để tiến hành những cuộc chiến đẫm máu trong lịch sử nhân loại.

Tại lễ Vesak 2009 tổ chức tại Thái Lan, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ - ông Ban Ki-moon đã nói: “Giáo pháp của Đức Phật có thể giúp thế giới trở nên hòa bình. Tất cả chúng ta có thể học hỏi tinh thần từ bi của Đức Phật. Những lời dạy bất hủ của Ngài có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn nạn toàn cầu mà ngày nay nhân loại đang đối đầu”.

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động sâu sắc như hiện nay, hơn lúc nào hết, nỗi mong mỏi về một thế giới vắng bóng hận thù, dịch bệnh, thương đau là một nhu cầu bức thiết của số đông, một khát vọng cháy bỏng của biết bao con người trên thế giới đang chung vai góp phần xây dựng một xã hội an bình, tự do, hạnh phúc.

Nhất là hiện nay, trên thế giới đang đứng trước nguy cơ rất nan giải về các vấn đề môi trường. Khi mặt đất, nguồn nước, không khí bị ô nhiễm, hiện tượng El Nino, hiệu ứng nhà kính, tầng ozone bị thủng…, rất nhiều vấn nạn cho con người, gây ra do vô minh tăm tối, tàn phá thiên nhiên. Với giáo lý minh triết của mình, đạo Phật có thể đáp ứng, giải quyết mọi vấn nạn đó, nhất là vấn đề môi sinh.

Khi còn tại thế, Đức Phật từng dạy các vị Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo, khi các ngươi đến dưới một gốc cây ngồi nghỉ một buổi trưa nắng oi bức, hay là đến dưới bóng cây các ngươi thiền tọa, sau khi rời các cây đó ra đi, các ngươi phải tưởng nhớ bóng cây đã che mát cho mình”, “Này các Tỳ-kheo, các ngươi không được đi dẫm đạp trên cỏ non”. Những lời dạy của Đức Phật không những từ bi đối với các loài động vật như: con người, trâu bò, heo, chó, gà, vịt..., mà cho đến các loại thảo mộc, Đức Phật cũng khuyên nên hạn chế tối đa vấn đề chặt phá, dẫm đạp lên mầm sống của các loài thực vật. Đạo Phật là đạo hiếu sinh, yêu chuộng hòa bình, bảo vệ sự sống.

Chúng ta sống không thể thiếu môi trường thiên nhiên, vì cây xanh là lá phổi hô hấp, tạo khí oxy và hút khí cacbonic, ngăn ngừa lũ lụt. Nhà nước đang khuyến khích toàn dân bảo vệ rừng, nghiêm cấm chặt phá cây rừng, thực hiện các phong trào trồng cây gây rừng, tạo môi trường thiên nhiên, mang lại màu xanh cho trái đất. Ngoài ra nên tích cực giảm thiểu các khí thải độc hại nơi các nhà máy, xí nghiệp đã làm ô nhiễm không khí và nguồn nước. Thế giới đang lên tiếng kêu gọi ủng hộ “Giờ Trái đất” nhằm kêu gọi hạn chế sự ảnh hưởng độc hại đến cuộc sống con người.

Nói trên phương diện đạo lý, môi trường bên ngoài ô nhiễm là do con người nhiễm bụi trần tham-sân-si quá nặng, lòng ham muốn đạt lợi cho mình mà không nghĩ đến hậu quả khôn lường cho mọi người xung quanh. Từ cái chấp ngã, chấp pháp, vô minh tăm tối, si mê ám chướng bên trong mà thể hiện ra bên ngoài thế giới cũng bị ô nhiễm.

Bởi vậy, Đức Phật dạy: “Tâm tịnh quốc độ tịnh”. Nếu con người ai cũng biết tu tập, thì họ phát triển khoa học, công nghệ nhưng không mang tính chất phá hoại. Nếu áp dụng tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha của đạo Phật thì các nhà khoa học sẽ không chế ra vũ khí hạt nhân giết người hàng loạt. Cho nên, muốn có một thế giới thật sự phát triển và hạnh phúc thì khoa học phải song hành với đạo học. Nói cách khác, khoa học phải có đạo học thì khoa học đó mới có thể đem lại lợi ích cho con người. Nếu khoa học không có đạo học, có nghĩa là con người không có đạo đức, thế giới trở nên nguy biến, nhất là khi con người đang có khuynh hướng hưởng thụ, hướng ngoại, đam mê vật chất. Ngày xưa, cha ông ta xem trọng đạo lý, tình nghĩa trong cuộc sống hơn là tiện nghi vật chất. Nhưng thời hiện đại, xã hội loài người đào tạo con người phần nhiều là trọng tri thức và hướng ngoại, nghĩa là xem trọng trí dục mà xem nhẹ đức dục. Đây là nguyên nhân của mọi thác loạn của cuộc sống đương đại.

Mỗi mùa Khánh đản về là dịp cho chúng ta ôn lại nét đẹp siêu nhiên về sự xuất hiện vi diệu của Đức Phật và nhân cách vĩ đại của Ngài, đồng thời cũng để nhắc nhở nhau tu hành theo ánh sáng chân lý mà Đức Phật đã tìm ra và truyền lại. Chúng ta là người học Phật, phải biết quay về với đời sống tâm linh đạo đức, lấy giáo lý của Đức Phật soi sáng mọi hành động, lời nói và ý nghĩ của mình, nhằm chuyển hóa bản thân, xây dựng gia đình và xã hội được bình an, phúc lạc. Chúng ta được phước duyên thân cận ngôi Tam bảo, học hiểu đạo lý tu hành, có trí tuệ và đạo đức thì sẽ cảm thấy một sự an lạc, một năng lực sống vững chãi thảnh thơi trên bước đường tu tập, dù cho dòng đời có biến động nhiễu nhương theo định luật vô thường tan hợp.

Mỗi giây, mỗi phút chúng ta nghĩ điều thiện, miệng nói điều lành, thân làm việc tốt, lợi đạo ích đời, sống hiền lương đạo đức, đó chính là chúng ta đang tích lũy công đức lành để đời sau sanh ra với y báo chánh báo trang nghiêm hơn. Công năng tu hành đó mới chính là phẩm vật dâng lên cúng dường Đức Từ phụ nhân ngày Đản sanh của Ngài.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày