Danh mục tiếng Anh của Đại tạng Tengyur lần đầu tiên được ra mắt công chúng

Đại tạng Tengyur
Đại tạng Tengyur
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tổ chức 84000: dịch thuật lời Phật dạy - một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu với mục tiêu phiên dịch, xuất bản và chia sẻ những tác phẩm của Phật giáo Tây Tạng, mới đây đã thông báo họ đã hoàn thành toàn bộ bảng mục lục của bộ Tengyur bằng tiếng Anh.

Đây là một bộ sưu tập các tác phẩm của các bậc thầy nổi tiếng của Ấn Độ bằng tiếng Tây Tạng và được Tổ chức 84000 chuyển ngữ sang tiếng Anh.

“Bộ Tengyur chứa đựng những nội dung vô cùng phong phú. Trong đó, một vài tác phẩm là những bộ luận và những nghiên cứu triết học dựa trên nền tảng của kinh điển và mật chú cao siêu, nhưng cũng có những tác phẩm rất thực tiễn về tất cả mọi mặt, từ đời sống tu viện cho đến y dược, từ các nghi thức, nghi lễ trang trọng cho đến những phạm trù thuộc về ngôn ngữ và từ chính trị cho đến thơ ca. Đối với bất kỳ ai cảm thấy hứng thú với việc khám phá đầy đủ những nền tảng căn bản và những ngụ ý ẩn dụ của các triết thuyết và các pháp môn tu tập trong Phật giáo, thì bộ Tengyur này là nguồn tài nguyên vô tận để phục vụ cho những công việc đó”, John Canti, đồng Tổng Biên tập của 84000 cho biết.

Trong bộ Tengyur, các phần nổi bật bao gồm những bài giảng luận của kinh Bát-nhã, các bộ luận của ngài Thánh Thiên, Phật Hộ, Nguyệt Xứng, Long Thọ, Tịch Thiên) và nhiều luận sư theo hệ thống triết học Trung Quán tông nổi tiếng của Ấn Độ; cũng như các bộ luận đặc sắc được viết bởi các ngài Vô Trước, Di Lặc, Thế Thân và các tác phẩm với nội dung của phái Du-già duy tâm, Phật tánh và các chủ đề khác.

“Bộ Tengyur còn bao gồm cả những bài chú giải và các luận thuyết thuộc các văn bản về Luật tạng, các bộ luận thuộc phái Nhất thiết hữu bộ, các sớ giải và bình luận về trường phái này; các tác phẩm thuộc nhận thức luận Phật giáo, luận lý học của các bậc thầy lỗi lạc như Pháp Xứng, Trần Na và những vị luận sư khác; một bộ sưu tập của những bài tán dương chư Phật, rất nhiều tác phẩm về các tư tưởng và phương pháp thực hành Mật tông với các phần tương ứng với nhiều cấp độ của chú thuật khác nhau; những lời dạy quý giá từ các bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ dưới hình thức của những bức thư viết cho các nhà trị vì đất nước; các tác phẩm kể lại những câu chuyện tiền thân Đức Phật hay còn được gọi là Jataka và một số ít các tác phẩm về khoa học truyền thống, bao gồm y học, ngôn ngữ học, nghệ thuật, công nghệ và thậm chí có cả chính trị”, Tổ chức 84000 thông tin.

84000 đang thực hiện một nhiệm vụ lâu dài nhằm dịch thuật và xuất bản tất cả các văn bản kinh văn còn sót lại được lưu giữ bằng ngôn ngữ cổ điển Tây Tạng, bao gồm phiên dịch 70.000 trang Đại tạng Kangyur (lời dịch kim khẩu của Đức Phật) trong 25 năm và 161.800 trang của Tengyur (các chú giải về lời dạy của Đức Phật đã được dịch) trong vòng 100 năm.

Theo tổ chức này, cho đến nay chỉ có chưa đến 5% kinh điển được dịch sang ngôn ngữ hiện đại. Do sự hiểu biết về Tây Tạng cổ xưa và số lượng các học giả có trình độ đang suy giảm với tốc độ chóng mặt nên những di sản văn hóa và trí tuệ tinh thần độc đáo có nguy cơ biến mất khỏi thế giới này.

Tiến sĩ Paul Hackett, người đã làm việc trong dự án này với tư cách là phiên dịch viên, cho biết: “Mọi người thường xem Phật giáo là một hệ thống với nhiều triết lý khác nhau và các pháp môn tu tập thiền định đa dạng, tất cả những điều đó có thể tìm thấy nguồn tài liệu tham khảo trong bộ Tengyur.

Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm đó vẫn chưa được khám phá vì sự trở ngại của ngôn ngữ. Vì vậy, Tổ chức 84000 đã thực hiện một công việc hết sức to lớn đối với các học giả và hành giả nói riêng và cộng đồng nói tiếng Anh nói chung bằng cách tạo điều kiện và khuyến khích họ nhận ra vị trí của bộ sưu tập này và giá trị của nó đối với lịch sử tư tưởng của thế giới và nền văn minh của nhân loại”.

84000 là tên được đặt theo số lượng pháp môn mà Đức Phật đã giảng dạy. Kể từ khi thành lập cách đây khoảng 10 năm, tổ chức này đã trao hơn 6 triệu đô-la Mỹ nhằm tài trợ cho các nhóm dịch giả trên khắp thế giới, bao gồm các học giả Tây Tạng và phương Tây - từ UCSB, Oxford, Đại học Vienna đến Viện Rangjung Yeshe ở Nepal. Chỉ trong vòng 10 năm, với sự ủng hộ của tất cả bốn trường phái lớn của Phật giáo Tây Tạng và được hỗ trợ bởi một số vị thầy uyên bác nhất của truyền thống Kim Cương thừa, Tổ chức 84000 đã phiên dịch hơn 30% kinh văn và hiện tại vẫn đang tiếp tục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày