Đạo đức hai mặt, hai mặt đạo đức

Đạo đức hai mặt,  hai mặt đạo đức

Chuyện cũ ngàn xưa

Sự kiện một ông quan đầu tỉnh ăn chơi sa đọa bị các phương tiện thông tin đại chúng công bố sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo là một hình ảnh đáng buồn cùng với danh sách đen gồm nhiều quan chức khác sau sự cố ông hiệu trưởng Sầm Đức Xương bị tố cáo mua dâm trẻ vị thành niên là nữ sinh của trường mà ông đã điều hành. Nhưng đây là câu chuyện không mới vì từ xưa cổ nhân đã từng cảnh báo "sắc bất ba đào dị nịch nhân". Ngày xưa, Khổng Tử khi thấy vua Lỗ đắm say mỹ nữ đã than rằng "Trong cuộc đời ta, ta chưa thấy ai hiếu đức bằng hiếu sắc". Ngẫm chuyện thế giới gần đây, vợ của Thống đốc bang South Carolina đâm đơn ra tòa ly dị chồng, ông Mark Sanford sau khi ông này thừa nhận ngoại tình với cô bồ người Argentina. Vào tháng 6-2009, chỉ hai tuần sau khi thực hiện những bước chuẩn bị đầu tiên cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2012, Thượng nghị sĩ John Ensign đã làm dân chúng và Đảng Cộng hòa của ông hoàn toàn thất vọng khi thừa nhận có quan hệ với một nữ trợ lý. Gần nhất là chuyện viên tướng hai sao Canada, Daniel Ménard, người chuẩn bị lãnh đạo một chiến dịch lớn của NATO ở Afghanistan bị buộc phải từ bỏ chức vụ vì quan hệ cũng với một… nữ trợ lý (!).

Chuyện mới hôm nay

Chuyện không gì mới nhưng điều khác biệt lớn nhất nằm ở thái độ nhìn nhận vụ việc: nếu như các quan chức nước ngoài nhanh chóng thừa nhận và chấp nhận mọi hậu quả thì ở nước ta, chuyện xảy ra từ 2006 nhưng những ai biết, nghe, thấy đều tỏ ra im lặng … cho đến một ngày thông tin này được báo chí đưa tin rộng rãi. Chúng ta băn khoăn liệu còn bao nhiêu vụ việc xảy ra nhưng lại được dung túng từ lối sống lệch lạc, thâm lạm công quỹ, lợi dụng quyền thế,… ẩn náu dưới những mỹ từ như thâm nhập thực tế, nghiên cứu quy hoạch… Điều nguy hiểm nhất là thái độ ấy đang dần dà tạo nên một hệ thống thang bậc giá trị đạo đức đảo lộn, bào mòn niềm tin của dân chúng. " … đó là thói đạo đức giả, nói một đường, làm một nẻo; trong hội nghị thì gật gù tán thưởng, ra quán trà thì dè bỉu, chê bai… Sự nguy hại khôn lường của nó chính là đã tạo ra một tập quán e ngại, lẩn tránh sự thật, chỉ thích nghe cái giả không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, tự đánh lừa mình bằng cái giả đã quá quen tai". (GS.Tương Lai). Cái giả len vào mọi lãnh vực đến cả những nơi thâm nghiêm nhất của tâm hồn là lương tri - giáo dục và khả năng phân biệt "đúng - sai", "chính - tà", "thiện - ác"…, có nguy cơ trở thành bệnh liệt kháng trong tâm hồn.

Albert Camus gọi thái độ ứng xử hai mặt của chúng ta hiện nay trong đời sống là thái độ ngụy tín (mauvais foi). Những người ở địa vị cao trong xã hội, có quyền lực lớn lao, nhưng lại không thể tự mình vượt qua những rào cản đạo đức một cách công khai, phải "đóng kịch" vì sự ràng buộc của chức vụ, của gia đình, dư luận và nhất là của tiền đồ danh lợi đang hứa hẹn phía trước. Thế nên, họ đã sống mực thước bề ngoài nhưng lại tha hóa tâm hồn với những mưu mô nham hiểm, tự mãn với những khoái lạc vật chất tầm thường. Có ai đó đã từng nói: "Hạnh phúc thay khi đến sở làm và về nhà với cùng một khuôn mặt".

Nói một cách dễ hiểu hơn, một người cha không thể dạy con mình lòng trung thực nếu như nó chứng kiến ông thâm lạm công quỹ, không thể dạy con về tình yêu chân chính nếu nó chứng kiến ông có "bồ nhí". Một thầy giáo khó rao giảng đạo đức cho học trò nếu bản thân ông là một kẻ dối trá, thiếu liêm chính và sống bệnh hoạn.

Đã được dự báo trước?

Ngay trong tác phẩm "Đường kách mệnh", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên điều thứ nhất "cán bộ phải nêu gương về đạo đức, nói đi đôi với làm". Đối với mỗi người, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân mình và có tác dụng đối với người khác. Nếu nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng, làm một nẻo thì chỉ đem lại những hậu quả phản tác dụng. Chúng ta phải phấn đấu làm sao cho xã hội ta không còn những kẻ đạo đức giả, cũng không cho phép những kẻ đạo đức giả vẫn đi dạy dỗ người khác về đạo đức. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chủ nghĩa xã hội một phần quan trọng phụ thuộc vào vấn đề này.

Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp khó khăn khi bản thân chính mình không tự cải tạo bản thân được. Cố Thủ tướng Ấn Độ Nehru đã từng viết lại những lời dạy của Đức Phật: "Người ta có thể thắng hàng ngàn kẻ địch trên chiến trường, nhưng kẻ nào tự thắng mình mới là kẻ chiến thắng vĩ đại nhất" (Tự truyện Jawaharlal Nehru).

Khổng Tử ngày xưa từng nhấn mạnh "Dục tri kỳ quốc… tiên tu kỳ thân". Người lãnh đạo phải là một tấm gương về đạo đức, lời nói và việc làm phải đi đôi, muốn vậy phải tu dưỡng bản thân theo trình tự tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Thế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu thực hành tự phê bình và phê bình, xem đó như là vũ khí sắc bén để tu dưỡng và rèn luyện. Nếu vũ khí ấy bị tê liệt, cùn mòn thì tình trạng suy thoái không thể nào dừng lại được, sẽ ngày thêm nghiêm trọng, làm tê liệt ý chí và ý thức tiến thủ, phấn đấu vượt qua cám dỗ vật chất tầm thường.

Phải xây dựng đạo đức… một mặt

Mệnh lệnh của cuộc sống và đất nước hôm nay không chỉ là phục hồi một nền luân lý, đạo đức có truyền thống nghìn xưa mà là tinh lọc, phát huy những nét đẹp truyền thống ấy để xây dựng và chấn hưng phong hóa. Phải đẩy mạnh cuộc vận động "sống trung thực, có lý tưởng". Cần có sự kết hợp hài hòa giữa những lời kêu gọi và những biện pháp nghiêm khắc trừng phạt, ta sẽ thấy những kẻ sống thiếu liêm chính, trong sáng nếu bị phát hiện, chế tài và công khai tên tuổi sẽ phải đắn đo trước khi làm điều sai quấy. Sẽ không có vùng cấm "Vua và bầy tôi, trên dưới, quý tiện, đều noi theo pháp luật thì đó gọi là đại trị" (Hàn Phi Tử - Quản Tử - Nhiệm Pháp). Đó là lý tưởng tối cao của Pháp gia, dù trong lịch sử Trung Quốc nó không dễ gì thực hiện. Theo GS.Phùng Hữu Lan trong Lịch sử triết học Trung Quốc thì hiến pháp mà Thương Ưởng thực hiện ở đời Tần Hiếu Công (361-338 tr.TL) đã phải thực hiện nửa vời, nghĩa là phải đặt vua và thái tử ra ngoài vòng pháp luật. Kết quả là các chế độ phong kiến độc tài nào rồi cũng phải kết thúc trong sự nhũng nhiễu triều chính, quần thần suy bại.

Xây dựng một xã hội trên nguyên lý đạo đức chính ngôn, chúng ta sẽ có những công chức tuân thủ một lối sống "chí công vô tư" không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối… Cuộc sống sẽ trong sáng hơn nếu không có những ông quan "nguỵ quân tử" vì cái thiện bao giờ cũng là chân lý, mặt nạ nào rồi cũng có ngày phải rơi ra.

Mong sao kiểu đạo đức "nguỵ tín" sẽ bị đẩy ra trong công cuộc xây dựng lối sống, xã hội văn minh ở nước ta!.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày