Đạo Phật & trí thức trong thời đại mới

Đạo Phật & trí thức trong thời đại mới

GN - Bài viết này đề cập đến vai trò của đạo Phật đối với trí thức trong thời đại mới, thời đại phát triển của khoa học công nghệ và một xã hội tiêu thụ tiện nghi vật chất nhưng cũng đầy áp lực, bế tắc (tình trạng tự tử rất cao tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Mỹ…). Điều đó đặt ra vai trò của đời sống tâm linh để cân bằng giữa đời sống vật chất hưởng thụ và những bế tắc, căng thẳng trong đời sống tâm lý.

Vai trò của đạo Phật trong đời sống gia đình, xã hội

Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo, đạo Phật còn là một nguồn tuệ giác vô cùng to lớn cũng như là một phương pháp thực tập về thân và tâm để đạt tới trạng thái an lạc, hạnh phúc, vượt qua những chuẩn mực hạnh phúc thông thường của con người như đầy đủ về vật chất, địa vị xã hội hay thành công trong sự nghiệp và gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà nhà bác học lỗi lạc Albert Eisntein đã phát biểu rằng: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”. Nhưng sẽ rất xa vời và lý thuyết nếu không hiểu đạo Phật dưới góc độ thực tập và thực chứng, áp dụng vào đời sống gia đình, xã hội như một phương thuốc chữa trị các căn bệnh về tâm, ảnh hưởng lên sức khỏe về thân.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một vị thiền sư nổi tiếng trong nước và trên thế giới đã áp dụng đạo Phật dưới góc độ trị liệu các vấn đề về tâm thức. Ngài đưa ra những khái niệm về ái ngữ và lắng nghe, thiết lập truyền thông, hóa giải những nội kết trong tâm để hòa giải những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, cha mẹ đối với con cái, đồng nghiệp với nhau… Đó là sự áp dụng một phần trong Bát Chánh đạo về thực tập chánh ngữ (giới thứ 4). Ngoài ra những phương pháp về chánh niệm, thực tập nhận diện khổ đau, ôm ấp và hóa giải khổ đau được thực hiện qua các phương pháp thiền trà, quán niệm hơi thở và lắng nghe cũng được thực tập để làm giảm những căng thẳng trong xã hội hiện đại. Dù những phương pháp này (ngoài lời Phật dạy, có sáng tạo thêm) nhưng nó lại rất phù hợp với xã hội hiện đại, đặc biệt là các nước Tây phương và Mỹ có truyền thống tôn giáo thờ đấng sáng tạo lâu đời.

Với những người trí thức, việc áp dụng Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo trong đời sống hàng ngày dựa trên nguyên tắc hiểu biết rõ nguyên nhân của đau khổ là do sự tham vọng, mong cầu mà không đạt được sẽ dẫn đến tâm trạng thất vọng chán nản và tuyệt vọng. Tôi đã chứng kiến rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp là những nghiên cứu sinh đang nghiên cứu các chương trình tiến sĩ. Bản chất của nghiên cứu tiến sĩ là những vấn đề mới, khó và không dễ dàng đạt được trong một thời gian ngắn. Những áp lực, kỳ vọng và sự mong cầu đã làm cho những nhà nghiên cứu rất mệt mỏi và chán nản đôi khi muốn bỏ cuộc.

Nhưng với những người có sự hiểu biết căn bản giáo lý đạo Phật và có sự hành trì trong đời sống hàng ngày thì họ quán xét mọi việc trên phương diện nhân duyên quả. Những nghiên cứu hay kết quả này cần một thời gian nhất định mới ra kết quả (trổ quả), cần những yếu tố (nhân duyên) hội đủ cần thiết như số liệu, phương pháp nghiên cứu… Và những góp ý của giáo sư hướng dẫn hay đồng nghiệp sẽ đưa lại kết quả mong muốn. Ở một khía cạnh khác, những trí thức và những người nghiên cứu luôn đặt ra cho mình đích đến và mục tiêu của nghiên cứu hay kết quả dự án mà đôi khi kết quả không như mong muốn hoặc có thể tốt hơn ngoài dự kiến. Điều đó cho thấy nếu có cái nhìn trung dung, quân bình hay tùy duyên thì người nghiên cứu sẽ nỗ lực trong sự bình thản và hiểu rõ đường đi của nó mà không khởi lên sự đau khổ hay thất vọng, bế tắc. Đó là lợi ích của đạo Phật cung cấp cho ta cái nhìn Trung đạo xa lìa hai cực đoan về thế giới quan và nhân sinh quan trong mọi việc.

Hơn thế nữa, có những vấn đề mà người trí thức hay bất kể là ai đều gặp phải trong đời sống như vợ chồng không hạnh phúc, con cái hư hỏng, đổ vỡ trong sự nghiệp, kinh doanh thất bại hay những vấn đề về sức khỏe, sinh tử. Chính những lúc đó thì những kiến thức khoa học chuyên sâu lại không giúp ích được trong việc giải quyết khổ đau, tuyệt vọng. Đây là một câu chuyện có thật, có một luật sư người Đức rất giỏi và giàu có nhưng ông ta đã tuyệt vọng và tự tử trên chiếc giường mà ông và tình nhân đã ngủ suốt bao nhiêu năm tháng. Ông đã phải lòng và yêu cô thư ký trong văn phòng luật sư, và ông ta đã bỏ lại vợ con. Cái chết của ông ta là kết quả của sự bế tắc và tuyệt vọng khi mất tình nhân vì cô ta đi theo một người trẻ khác.

Qua câu chuyện này cho thấy, ông ta là luật sư giỏi, không thể nói ông ta là người thiếu hiểu biết về tri thức căn bản trong xã hội. Nhưng có những vấn đề thuộc về tâm lý mà không có sự tu tập chuyển hóa sẽ không hóa giải được đành chọn cái chết để kết thúc mọi việc. Còn đối với trí thức Phật tử, người đó hiểu rằng mọi thứ đều có nguyên nhân của nó, và hôm nay là kết quả nhận được. Hơn nữa người Phật tử thấy rõ mọi thứ trên thế gian đều vô thường, biến đổi, không có gì là vĩnh viễn trường tồn, bất biến. Cho nên hãy chấp nhận nó bởi đơn giản đó là sự thật, và để chấp nhận nó là cả một quá trình tu tập, chiến đấu với chính mình đầy gian khổ và khó khăn.  

Đóng góp và lợi ích của Tứ diệu đế, Bát Chánh đạo đối với trí thức

Đức Phật là một con người, nhưng Ngài đã giác ngộ và chứng đạt những quy luật của sự sống như khổ và nguyên nhân của khổ và con đường thoát khổ. Ngài ra đời là “Vì an lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người” (Kinh Tăng chi I). Ngài đã thấy rõ đường đi của sinh tử qua Mười hai nhân duyên, và Ngài đã nói lên rất nhiều bài pháp để các hành giả vượt thoát khổ đau nhờ sự tu tập, buông xả, thấy rõ thực tướng của vạn pháp.

Con đường của Đức Phật không nhằm mục đích lý luận, giải quyết các vấn đề triết học hay nguồn gốc của vũ trụ, loài người. Ngài chủ trương đưa ra một phương pháp thực tập một cách khoa học, logic tuần tự từ thấp đến cao cho nhiều đối tượng khác nhau từ người Phật tử tại gia cho đến những tu sĩ chuyên sâu tu tập. Con đường của Ngài không gì khác hơn là Giới, Định, Tuệ (giữ giới, thiền định và quán chiếu) dựa trên nền tảng của Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo cùng với sự hỗ trợ của 37 phẩm trợ đạo giúp hành giả vượt thoát khổ đau thuộc về tâm, từ sơ quả (Tu-đà-hoàn) đến an lạc Niết-bàn (A-la-hán).

Vậy người trí thức sẽ áp dụng Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo thế nào trong đời sống, công việc, học tập và kinh doanh? Đối với những trí thức và những người trẻ thì việc áp dụng Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo vào đời sống sẽ đưa đến nhiều lợi ích thiết thực bằng tuệ quán và sự tư duy quán xét trên từng sự việc. Thật vậy, điều này đã được xác chứng trong lịch sử Phật giáo cách đây gần 26 thế kỷ, đó là rất nhiều người xuất thân từ vua chúa, trí thức, thương gia cho đến các tầng lớp thấp như tướng cướp, kỹ nữ hay nông dân nghèo khổ đã từ bỏ và đi theo con đường của Đức Phật để chứng an lạc, giải thoát, Niết-bàn như vua Tịnh Phạn, anh em Da Xá, ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Angulimala, kỹ nữ Ambapàlì….

Trong công việc học tập, người trí thức hiểu rõ nhân quả nên nỗ lực lao động, học tập và làm việc, nhờ đó mà đạt được những thành tựu mong muốn. Tránh xa hai cực đoan của sự cầu xin, cúng bái dựa vào các thế lực siêu nhiên vô hình hay chủ quan cho rằng tất cả đều chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân là đủ mà quên đi vai trò của sự hỗ trợ, các yếu tố bên ngoài tác động vào. Người xưa từng nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên (duyên)” hay “người tính không bằng trời tính” - là sự đúc rút kinh nghiệm thực tiễn đời sống. Nhưng dưới cái nhìn tuệ giác của Phật giáo, Đức Phật chỉ rõ đường đi của nhân-duyên-quả, vì sao lại thu được kết quả như thế. Điều này phù hợp với khoa học hiện đại bởi những phát minh, tìm kiếm nguyên nhân hình thành của vô số các hiện tượng về vật lý hay hóa học.

Người trí thức còn có thể sử dụng Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo trong chính sách nghề nghiệp như việc áp dụng triệt để chánh kiến và chánh tư duy trong việc định hướng và dự báo chiến lược của công ty hay tập đoàn. Áp dụng chánh ngữ và chánh nghiệp trong việc giao tiếp với nhân viên, đồng nghiệp tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ góp phần thành công trong một chiến lược cụ thể nào đó. Người trí thức Phật tử luôn dùng chánh niệm để lắng nghe những đề xuất, đóng góp, bình luận hay gợi ý làm cho sản phẩm hay chiến lược trở nên tốt đẹp hơn. Đó cũng là những lợi ích rất lớn trong việc thực tập Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo trong công việc và đời sống hàng ngày. Ngoài ra nhờ sự quán chiếu, tu tập và hành trì trong mọi công việc và sự kiện hàng ngày mang lại cho họ cái nhìn chân thực, chính xác mà không chứa đựng quan điểm cá nhân (bản ngã) để ra quyết định một cách chính xác chứa đựng trí tuệ và nhân văn sâu sắc là thuộc tính của một thiện tri thức.

Tóm lại, hiểu biết và ứng dụng đạo Phật trong công việc và đời sống hàng ngày đối với tầng lớp trí thức mang lại lợi ích rất lớn và thiết thực, vượt qua giới hạn về tôn giáo, thờ cúng hay một loại tín ngưỡng mà đa phần những người chưa hiểu biết về đạo Phật thường quan niệm như vậy. Xin kết thúc bài viết này bằng một nhận định của một học giả về Phật giáo: “Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt, Bát Chánh đạo và Tứ diệu đế của Đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó” (Giáo sư Rhys Davids). 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày