Đắp núi cát trong Tết Chôl Chnăm Thmây có ý nghĩa gì?

GNO - Tỉnh Tây Ninh hiện nay có 22 thành phần dân tộc đang sinh sống, ngoài Kinh, Hoa, Chăm, Tà Mun ra thì Khmer chiếm tỉ lệ khá cao, hiện nay khoảng 9.000 nhân khẩu/1.700 hộ. Văn hóa Khmer là một nền văn hóa đậm đà bản sắc được thể hiện rõ qua nếp sinh hoạt đời sống, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tổ chức hết sức trọng thể hàng năm.

Những ngày qua, nhiều tỉnh thành có đồng bào Khmer cũng trang trọng tổ chức đón năm mới; Thủ tướng và quan chức Chính phủ, các bộ ngành đã thăm, chúc Tết sư sãi và đồng bào...

Ngày Tết thứ 2 của đồng bào Khmer

Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer hàng năm thường được diễn ra trong ba ngày, từ 14 – 16-4 dương lịch. Đây là dịp để bà con đón năm mới, tri ân tổ tiên, gia đình đoàn tụ vui vẻ sau một năm làm lụng vất vả và  đặc biệt là thực hiện các nghi lễ Phật giáo tại chùa.

daothaison (2).jpg


Cảnh đắp núi cát trong Tết Chôl Chnăm Thmây tại một ngôi chùa ở Tây Ninh hồi năm ngoái

Nếu trọng tâm của ngày thứ nhất (14-4) là lễ rước Đại lịch và ngày thứ ba (16-4) là lễ tắm Phật, tắm sư, thì ngày thứ hai (15-4) với nghi lễ dâng cơm và đắp núi cát để tìm phúc duyên là tưng bừng hơn cả.

Vào ngày lễ thứ hai này, buổi sáng, các gia đình Phật tử làm lễ dâng cơm cho các sư sãi. Tục này gọi là lễ “đặt bát”. Sau khi thọ thực, các nhà sư, đáp lại bằng lễ tạ ơn cho những người làm ra hạt thóc, cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói chưa được siêu thăng, tiếp theo là các sư làm lễ chúc phúc cho các Phật tử. Buổi chiều, bà con tập trung làm lễ đắp núi cát gọi là Puôn phnum khsach.

Thường thì các chùa hiện nay mua vài khối cát đổ thành một đống cách chùa khoảng 500m. Khi đến giờ thực hành nghi lễ thì mọi người kéo đến ngồi tụ xung quanh đống cát thắp nhang đọc kinh theo sự hướng dẫn của người chủ lễ. Sau khi xong các bài kinh, mỗi người tìm cho mình một ít cát sạch đem về chùa, dưới sự chỉ dẫn của vị Acha, tất cả mọi người cùng đi diễu hành quanh ngôi chánh điện ba vòng theo ngược chiều kim đồng hồ.

Sau đó những người có mặt sẽ đổ cát vào một nơi đã chuẩn bị sẵn để tiến hành đắp núi. Thông thường núi cát được đắp thành tám ngọn núi nhỏ ở tám hướng và một ngọn lớn ở chính giữa. Núi cát là tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới. Cũng có nơi đắp 4, 5 ngọn hoặc 7 ngọn, tùy theo phong tục hoặc thói quen truyền đời của làng.

Tiếp theo phần đắp là phần trang trí và làm lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể. Về tục đắp núi cát thì có nhiều truyền thuyết khác nhau, nhưng cơ bản truyện sau là có ý nghĩa nhất: 

Lúc Đức Phật còn sinh thời, ở một phum sóc nọ có một người chuyên sinh sống bằng nghề săn bắn. Khi săn bắn được chim thú, anh ta làm thịt rồi đưa ra chợ để trao đổi các loại hàng hóa khác. Một ngày kia, khi thấy chư Tăng đến nhà mình thọ thực, người thợ săn bố thí cho chư Tăng một nắm cơm. Vì cuộc sống, việc sát sinh vẫn diễn ra hàng ngày nên khi chết, anh ta bị Diêm vương cho bắt mang xuống âm phủ để trị tội. Người thợ săn bị đao phủ ném vào chảo dầu đang sôi sùng sục. Nhưng lạ thay, khi bị ném đến miệng chảo dầu thì anh ta lại dội ra. Mấy lần như thế, Diêm vương mới tra hỏi: “Lúc ở trần gian mi có làm phước gì không?”.

Do không thể nhớ ra nên người thợ săn trả lời rằng không. Đao phủ lại tiếp tục ném người thợ săn vào chảo và người thợ săn lại dội ra như những lần trước. Đột nhiên, khi thấy ngọn lửa đỏ, người thợ săn chợt nhớ đến màu áo cà-sa của chư Tăng mà mình từng thấy lúc bố thí nắm cơm. Anh ta bèn tâu với Diêm vương rằng lúc ở trần gian có bố thí nắm cơm cho chư Tăng. Diêm vương tạm thời tha chết và cho anh ta đi đầu thai ở cõi thiên đàng trong vòng một tuần lễ trước khi trở về âm phủ thọ hình.

Ở thiên đình, người thợ săn lấy vợ là một nàng tiên vừa đẹp lại rất thông minh. Sau khi nghe câu chuyện của chồng, nàng tiên nghĩ ra một cách để chồng mình khỏi phải trở về âm phủ chịu tội sau khi hết hạn một tuần lễ nơi thiên đình. Nàng bảo chồng đắp một ngọn núi bằng cát cho xong và làm lễ khánh thành trước khi kỳ hạn một tuần đến. Chàng thợ săn làm đúng như lời chỉ vẽ của vợ. Khi thời hạn một tuần kết thúc, Diêm vương cho đao phủ lên bắt chàng thợ săn trở về trị tội sát sinh. Khi bọn đao phủ đến trước cổng thành quách của nàng tiên, nàng bước ra và nói với bọn chúng rằng: “Nếu các ngươi đếm hết số hạt cát trong ngọn núi này thì ta sẵn sàng để chồng ta cùng các người trở về âm phủ chịu tội. Ngược lại, nếu không đếm hết được thì không được bắt chồng ta đi!”.

Bọn đao phủ đồng ý và bắt đầu đếm. Nhưng đếm mãi, đếm mãi cả buổi sáng, rồi cả ngày mà không được một nắm, so với ngọn núi cát khổng lồ. Bọn đao phủ đành chịu thua, ra về. Nhờ mưu trí của vợ, chàng thợ săn thoát tội và trở thành tiên ông sống êm ấm, hạnh phúc nơi thiên đàng”. 

Giải mã một tục nhân văn

Câu chuyện trên hết sức nhân văn, vì mưu sinh mà đôi khi chúng ta gây ra nghiệp ác, nhưng trong cuộc sống biết hướng thiện là điều quý nhất. Con người ai cũng muốn thoát khỏi mọi khổ đau để đi đến bến bờ hạnh phúc. Và chỉ có đức từ bi và tinh thần trí tuệ mới giúp chúng ta giải thoát vậy. Tục đắp núi cát còn có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu xa tội lỗi, đồng thời cũng là một thông điệp nhắc nhở mọi người nên tích phúc để mỗi ngày hồng phúc một cao vời, lớn lao như núi và lan dần ra khắp bốn phương, tám hướng, điều tốt lành tràn ngập cả vũ trụ yêu thương. 

Ngoài ra, nghi lễ đắp núi cát ở chùa đối với bà con dân tộc Khmer còn nhằm thể hiện công sức và lòng thành kính của những người tham gia. Như chúng ta đã biết, trước đây, cát dùng để đắp núi được bà con Khmer đi lấy ngoài thiên nhiên, họ sẵn sàng lội suối lặn sông hoặc ra ngoài các doi vịnh giữa trưa nắng để gánh về đổ trong sân chùa. Chính vì vậy, việc đắp núi cát còn thể hiện ước mơ, mong cầu cho năm mới trở nên giàu có, của cải chất, sản vật mùa màng làm ra chất cao như núi. Cũng như việc tích góp công đức, đắp mỗi hạt cát như là một sự sám hối, như vơi đi được một tội lỗi nào đó mà ta đã vô tình gây ra trong một năm qua khi bươn chải mưu sinh.

Bên cạnh ý nghĩa về đạo đức tôn giáo, nghi lễ đắp núi cát còn có ý nghĩa lớn lao khác là vấn đề bảo vệ môi trường của chúng ta đang sống. Biết giữ gìn bảo vệ muôn thú để cân bằng sinh thái, tránh việc giết chóc bừa bãi, làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên và tổn hại ngay đến cuộc sống của chính chúng ta.

Có thể nói, Chôl Chnăm Thmây là một trong những lễ lớn nhất và hết sức đậm đà bản sắc văn hóa của bà con dân tộc Khmer. Trong dịp Tết cổ truyền này, tất cả mọi người dù bận bịu đến đâu thì cũng phải tranh thủ dành thời gian để lên chùa, đặt biệt là tham gia đắp núi cát.

Đối với bà con Khmer, đây là hành động vừa thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên vừa tích công đức để cuộc sống hiện tại và lai sinh được tốt đẹp hơn. Đó cũng là một tư tưởng nhân văn được hun đúc từ ngàn đời của một dân tộc, ngày nay chúng ta phải biết trân quý, giữ gìn và phát huy giá trị của nó.

Bài, ảnh: Đào Thái Sơn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày