Dấu ấn mới của cơ sở đào tạo Tăng Ni lớn nhất cả nước

GN - Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên dưới 2.000 năm, đã gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Những giai đoạn hưng suy của dân tộc cũng là những giai đoạn hưng suy của Phật giáo. Những lời dạy từ bi hỷ xả, nhân văn của Phật giáo đã lan tỏa, thấm sâu vào mạch sống của dân tộc.

HtGToan.JPG

HT.Thích Giác Toàn đọc diễn văn Lễ trao văn bằng cử nhân Phật học khóa XI - Ảnh: Bảo Toàn

Ngày 27-10-2018 (nhằm ngày 19-9-Mậu Tuất), kỷ niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thành tựu đạo quả theo tín niệm Phật giáo Đại thừa, ngày có ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người phát nguyện sống theo hạnh đại từ đại bi của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhân dịp này, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tổ chức lễ động thổ đặt đá xây dựng chánh điện và lễ tốt nghiệp Cử nhân Phật học khóa XI (2015-2018), khóa đầu tiên được áp dụng nội trú tại cơ sở mới và theo hệ tín chỉ, rút ngắn thời gian đào tạo từ 4 năm xuống 3 năm.

Học viện có 2 cơ sở. Cơ sở I do cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu sáng lập và vận động xây dựng, tọa lạc tại 750 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Cơ sở II tọa lạc tại A13/14 đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM do Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng vận động xây dựng.

Ngày 4-11-2012, đáp ứng nhu cầu cho Tăng Ni sinh nội trú và học tập theo hệ thống tín chỉ, Hội đồng Điều hành Học viện xúc tiến xây dựng cơ sở II. Sau hơn 3 năm thi công, Học viện chính thức khánh thành trọng thể giai đoạn I vào ngày 8-5-2016. Các hạng mục đã xây dựng như tòa hành chánh, tòa học đường, 1 tòa Tăng viện, 2 tòa Ni viện, chánh điện tạm (sử dụng cho việc bái sám, giảng thuyết và thọ thực), đáp ứng nhu cầu nội trú và giảng dạy của một trường đại học Phật giáo hàng đầu của cả nước.

Hội đủ duyên lành, Học viện tiếp tục xây dựng chánh điện (tầng 1) với sức chứa khoảng 1.500 người và đại giảng đường (tầng trệt) cùng với các phòng hội thảo với sức chứa khoảng 2.500 người, với tổng kinh phí dự kiến là trên 200 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất, chánh điện, giảng đường này không những đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt tâm linh của Tăng Ni sinh nội trú, mà nơi đây còn là trung tâm hội thảo cấp quốc gia và quốc tế về các vấn đề Phật học, tâm linh, hoặc các giải pháp hồi đáp theo quan điểm Phật giáo về các vấn nạn toàn cầu, góp phần phát triển nhận thức và xây dựng một xã hội phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững cho khu vực và quốc tế.

Đức Phật dạy: Trong các bố thí về phương diện vật chất, bố thí trú xứ là phước báu lớn nhất. Trong các mối quan hệ thân cận, thân cận với bậc hiền trí là phước đức lớn nhất. Do đó, xây dựng chánh điện và giảng đường, các phòng hội thảo, góp phần trang nghiêm cơ sở vật chất cho Học viện, tạo duyên cho các Tăng Ni sinh và Phật tử có chỗ tu học, hành trì là một phước lành rất lớn ở đời. Các cơ sở này là nơi để các bậc hiền trí trau dồi văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ, sống một đời sống viễn ly, tuệ giác, quảng tuyên Chánh pháp, cống hiến cho tha nhân, lợi ích cho đời. Đó là một phước lành cao thượng mà một Phật tử có thể gieo tạo vào thửa ruộng phước điền Tam bảo.

Trong sự gia trì của Tam bảo, Bồ-tát Quán Thế Âm, và với sự chung tay góp tay của chư tôn thiền đức Tăng Ni, Phật tử thập phương, chúng ta cùng cầu nguyện và tin tưởng Phật sự quan trọng này sớm được hoàn thành mỹ mãn.

HT.Thích Giác Toàn

Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày