Dấu ấn Phật đản

Giác Ngộ - Đại lễ Kính mừng Phật đản PL.2555 vừa kết thúc, cũng là lúc chư Tăng Ni các tỉnh, thành khai hạ, bước vào mùa an cư. Dấu ấn về một mùa Phật đản với nhiều sinh khí, niềm hân hoan và sự lan tỏa của lễ hội văn hóa - tâm linh đến nhiều người đã được ghi nhận như một sự "sống lại" của những hoạt động Phật giáo mang tính toàn dân, thu hút được quần chúng không chỉ là Phật tử…

Không khí Phật đản từ quê lên phố

Toàn cảnh Đại lễ Phật đản PL.2555, với nội dung đó, bạn đọc sẽ được tiếp cận nhiều góc máy của phóng viên, cộng tác viên (PV, CTV) Giác Ngộ ghi lại vắn tắt trong trang thời sự của số báo này. Những hình ảnh thể hiện sự trang nghiêm, thành kính nhưng cũng không kém phần tươi vui, náo nức của Phật giáo cả nước hướng về Đại lễ Phật đản. Đặc biệt, trên Giác Ngộ online, trong suốt tuần lễ Phật đản diễn ra từ ngày 8 đến 15-4 âm lịch đã liên tục cập nhật những hình ảnh, bài viết từ trong đến ngoài nước. PV đồng hành với phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Vesak 2011 tổ chức tại Thái Lan đã liên tục cập nhật tin tức từ đất Thái, rồi ê-kíp PV, CTV trong nước cũng ngược xuôi đến tận những vùng xa xôi nhất để tác nghiệp về sự kiện Phật đản.

BTN_0197.JPG

Trong hành trình tác nghiệp ấy, có một điều mà PV, CTV Giác Ngộ cảm nhận được đó là không khí đón mừng Phật đản là một không khí vừa thiêng liêng, vừa tươi vui, hạnh phúc, an lạc. Những hạnh phúc mang tên hỷ lạc, bởi những người con Phật ai cũng ý thức được rằng sự thị hiện của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni là một sự kiện trọng đại, là niềm hạnh phúc của Trời-Người, từ khi Ngài có mặt, chúng sinh có con đường để đi, con đường hạnh phúc, con đường giác ngộ, giải thoát mà căn bản là tránh những cực đoan, không mắc ở bên này và cũng không vướng ở bên kia.

Nói như một bạn đọc chia sẻ với Giác Ngộ: "Xưng tán Như Lai là hạnh lành, thể hiện sự biết ơn và cũng là hành động nhắc nhớ mình là người con Phật thì phải luôn nhớ đến hành trạng tu tập, con đường hành đạo và giáo lý của Ngài. Nhớ để thực tập và giải thoát như Ngài, như điều Ngài tuyên thệ: các ngươi là Phật sẽ thành".

Nhìn ra thế giới, ở đâu người con Phật cũng hân hoan. Nhìn về Việt Nam, người con Phật ở đâu cũng hoan hỷ. Thế mới biết, Đức Phật sinh ra cách chúng ta hơn 26 thế kỷ nhưng năng lượng an vui nơi Ngài vẫn tuôn chảy tiếp nối không dứt. Và dường như việc hướng về Đức Phật trong ngày Phật đản đã trở thành một nhu cầu tâm linh, thể hiện lòng tôn kính lên Đức Phật, bậc thị hiện giữa đời vì an lạc, vì hạnh phúc của số đông, bậc Giác Ngộ đã khai thị giáo pháp an vui đến tất cả mọi người!

Trở lại với những tin tức cập nhật được từ mùa Phật đản năm nay, chúng tôi nhận thấy rằng, Phật đản đã trở thành một ngày hội để những người con Phật dốc lòng cho đạo pháp. Hình ảnh từ miền rừng núi Lào Cai, hay tận những nơi hẻo lánh của Tây Nguyên, miền đồng bằng sông Cửu Long cho đến Hà Nội, TP.HCM, Huế đều rực rỡ sắc vàng, sắc lam, nâu hòa lẫn trong không gian lung linh nến, hoa, xe diễu hành, cầu nguyện. Ngày rằm tháng Tư đi chùa, đến quán chay nơi nào cũng đông; rồi đường phố thì ngập những sắc cờ Phật giáo; điều đó đã chứng minh cho điều Phật giáo với dân tộc gắn bó mật thiết, Phật giáo trở thành tôn giáo, triết lý sống, ảnh hưởng sâu sắc trong tâm thức mỗi người Việt.

Những điều đọng lại

Phật đản ở vùng xa như là huyện Cần Giờ (ngoại ô TP.HCM), huyện Bình Đại ở Bến Tre, hoặc ở tận Lào Cai… (được PV GN phản ảnh trên Giác Ngộ online) là những thông tin nóng hổi, những hình ảnh thể hiện sức lan tỏa của Phật giáo, của ngày Phật đản. Rồi việc người dân, Phật tử con hẻm 80 và 108 của đường Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM) lập vườn Lâm Tỳ Ni, bàn thờ Phật Đản sinh ngay góc đường để mọi người trong khu phố cùng cầu nguyện. Chuyện cô Diệu Định ở Nhà Bè cùng những bạn đạo lập lễ đài tư gia trang trí trang nghiêm, thực hành niệm Phật suốt cả tuần lễ. Việc các em sinh viên, học sinh các chùa Giác Tâm, Phước Hải tự nhóm họp kết hoa và trang trí xe đạp diễu hành mừng Phật đản. Việc chùa Kim Cương ở Q.3 tổ chức Lễ Rước kiệu Phật trong 5 năm qua. Rồi đêm diễu hành xe hoa ở TP.HCM được diễn ra trang trọng, thu hút đông đảo Phật tử và người dân tham gia, v.v... Những dấu ấn ấy chính là những điểm nhấn của mùa Phật đản năm nay.

IMG_6899.JPG

Thanh thiếu niên Phật tử diễu hành xe đạp mừng Phật đản - Ảnh: Văn Thành

Việc tổ chức treo cờ và vận động bà con khu phố, xóm ấp, tổ chức những ngày lễ trọng đại của Phật giáo ở những nơi công cộng như thế này sẽ giúp cho hình ảnh của Đức Phật đến được nhiều người. Và nói như thầy Thích Thanh Trí (trụ trì chùa Kim Cương, Q.3) thì "Từ việc nhớ hình ảnh Phật đến việc tìm hiểu và tu tập theo giáo lý của Ngài là một khoảng cách rất gần". Ai cũng hiểu, chỉ có điều phương cách tiếp cận quần chúng của chúng ta đôi khi còn e dè hoặc nhiều lúc thiển cận khi cho rằng Phật giáo không cần hình thức, nếu làm xe hoa thì tốn kém, để tiền đó làm từ thiện…

Mang đến cho chúng sinh hình ảnh Phật, đi theo sau đó là giáo pháp trị liệu khổ đau cũng là một phương pháp hoằng pháp thiết thực. Có lý luận cho rằng không nên làm xe hoa, để tiền làm xe hoa đem làm từ thiện thì liệu có hợp lý không? Và ở những góc nhìn khác, chúng ta sẽ thấy tác dụng tích cực từ việc tổ chức Phật đản thành ngày hội toàn dân đã được xốc dậy từ những mùa Phật đản trong những năm gần đây, và được thổi bùng từ những Đại lễ Phật đản như vậy.

Sự tương tác của truyền thông

Mảng truyền thông của Phật giáo lâu nay bị xem nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức. Cách đây không lâu, Giác Ngộ cũng đề cập đến việc thông tin các hoạt động Phật giáo hơi manh mún trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên internet. Và sự đánh động ấy trong thời điểm mà thông tin trở thành một thứ phương tiện "lợi hại" của con người trong thế giới hiện đại, truyền thông đa phương tiện phát triển như vũ bão đã phần nào làm những người làm công tác truyền thông của Phật giáo để ý.

Những thông tin được phát đi trên Giác Ngộ online hoặc các trang web Phật giáo khác đã nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn và nhanh chóng trở thành tiếng nói có giá trị trong việc chuyển hóa, thay đổi. Từ vụ việc Hóc Môn (TP.HCM) đến việc đưa ra những ý kiến góp ý cho công tác tổ chức Phật đản với Giáo hội, hoặc việc tuyên truyền treo cờ, tặng cờ… ở tư gia đã được nhiều chùa và Phật tử hưởng ứng. Sự tương tác ấy cũng chính là thể hiện hạnh lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến đa chiều và chọn lọc những ý kiến hay, áp dụng vào thực tế.

wwwx (11).JPG

Xe hoa luôn đem đến niềm hân hoan cho người Phật tử - Ảnh: Bảo Toàn

Thiết nghĩ, những hoạt động khác của Phật giáo cũng cần thiết phát huy tối đa các kênh truyền thông, để lắng nghe và trưng bày những cái hay, cái đẹp, đồng thời lên tiếng bảo vệ cái yếu, góp phần điều chỉnh những sự việc chưa hợp lý, thiếu tinh thần nhất quán, ảnh hưởng niềm tin đến niềm tin của người Phật tử và gây ngộ nhận đối với đạo Phật.

Ước mong từ mùa Phật đản

-Tôi mong Giáo hội luôn có những đổi mới trong các hoạt động của Phật giáo, trên cơ sở kế thừa truyền thống và sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế. Giáo hội cần phải lắng nghe và có những can thiệp kịp thời cho các Phật sự ở cơ sở bị cản trở do thiếu thông tin hoặc các nguyên nhân khác. (Tố Loan, Hà Nội)

-  Hy vọng, năm nào Phật đản cũng được tổ chức long trọng, nhiều màu sắc như năm nay. Tôi nhận thấy, Phật giáo đã đi vào lòng quần chúng, thuyết phục được mọi người bằng con đường từ bi, hỷ xả, trí tuệ… Giáo lý nhà Phật đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của con người hiện đại bởi những lời dạy của Ngài rất thực tế, không mụ mị tín đồ bằng thần quyền, áp đặt. Trở về với Phật và thực tập theo lời Phật dạy một cách đúng đắn thì ai cũng sẽ có được an lạc, hạnh phúc. Thế thì sao lại không quảng bá giáo lý ấy đến số đông? Chắc chắn các nhà chức trách sẽ ủng hộ, cổ xúy cho sự phát triển của Phật giáo (như ở Thái Lan chẳng hạn). (Nhuận Bình, Đồng Nai)

TỔ CTBĐ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày