THỜI THƠ ẤU
Thuở bé thơ tôi thường hay bịnh, thân thể yếu đuối. Ba tuổi bắt đầu biết đi, năm tuổi mới biết nói. Tôi học tập sự vật rất chậm. Trên vách nhà có treo cái đồng hồ, song thân và các anh chị đều dạy tôi cách xem giờ, phân biệt thời gian, nhưng thật tình mà nói, đối với tôi cực kỳ khó! Trong ký ức, mấy cái mũi nhọn chỉ bốn hướng tám phương đó, dòm rất thần bí khó hiểu, khiến tôi thiệt là khổ tâm.
Tôi thích ăn dưa hấu, nhưng năm tuổi rồi mà vẫn không nói được từ “dưa hấu”. Tôi chỉ biết là dưa hấu phải xẻ ra thì mới ăn được. Thế là tôi gọi “dưa hấu” là “xẻ, xẻ..”. Người nhà cho rằng sau này tôi lớn lên, ắt trở thành một kẻ đần độn. Bởi tôi quá chậm chạp, khờ khạo cho nên tôi thường được gia đình phân làm những công tác nào mà không phải động não, chẳng hạn như chăm sóc cho... dê. Quả tình tôi chẳng biết làm thế nào, nên cứ dắt dê đến bên khe suối hoặc đi tới những chỗ có nước, cỏ phì nhiêu rồi bỏ đó, để mặc chúng đi đâu tùy thích!
Khi tôi về nhà, mẹ tôi hỏi:
- Dê đâu?
Tôi đáp:
- Chúng muốn ăn cỏ, không muốn về nhà!
Cha mẹ tôi phải đi kiếm dê, bắt đem về.
Cuối cùng họ quyết định, giao tôi nhiệm vụ cắt cỏ cho dê ăn thì ổn hơn.
Nhưng mà, việc này đối với tôi cũng khó lắm. Những con sơn dương này thường rất kén chọn và chỉ ăn một loại cỏ. Tôi đâu biết nó ưa loại nào? Vì vậy mà luôn luôn, khi tôi ôm một bó cỏ về nhà, dê chẳng thèm động tới.
Đa số thời gian, tôi không có bạn bè để nô đùa, đành lủi thủi chơi một mình. Thường ngày, ba mẹ, anh chị tôi ngay từ lúc thức dậy là đã bận rộn suốt. Ban ngày, tôi có thể chạy ra đồng, ẩn trốn trong rẫy. Đặc biệt là khu vực trồng cô-ve, hoa đậu rất thơm. Đậu mọc vừa tầm tay, có thể hái ăn; tôi không hiểu là đất nhà mình và người có khác nhau. Vào một ngày mùa hạ, tôi náu mình trong dãy đất rẫy trồng đậu um tùm, khép mắt thiu thiu và đánh giấc ngon lành. Nằm trên mặt đất ấm áp, hương đậu tỏa thơm, tiện tay tôi hái vài trái trên những cành um tùm, lòa xòa phủ xuống. Ngay lúc tôi đang tận hưởng cảm giác khoái chí giữa đất trời, thì bỗng nhiên có một người lạ xuất hiện tóm lấy tôi, sừng sộ trách mắng, chất vấn tôi sao dám vào rẫy họ? Tôi sợ khiếp vía. Té ra, do tôi không biết, không để ý, nên đã dạo chơi trên rẫy của láng giềng. Sau đó, anh tôi phải đến giải cứu tôi.
Tôi mãi mãi không quên được, khi tôi vừa bước vào nhà, mẹ tôi đang đứng cạnh bếp, bà quay ra bảo tôi:
- Vì sao con muốn làm kẻ cắp?
Tôi xấu hổ cúi gầm mặt, sợ đến toàn thân cứng đờ.
Hồi nhỏ, nhà chúng tôi, vách làm bằng tranh, nhà thấp lè tè, đứng nơi bàn ăn cũng dễ dàng chạm đến nóc.
Hàng năm vào mùa xuân, chúng tôi trồng các loại dưa, bắc giàn cho leo lên mái nhà, qua hạ thì dưa chín đầy, khiến mái nhà giống như được trang trí bằng khóm dây hoa lá rực rỡ, càng mang lại nét khiến sinh động, phấn chấn cho bầu không khí chung quanh.
Trong nhà có bốn cái giường, một để cho ba mẹ và tôi ngủ, ba cái kia là dành cho anh chị. Thật ra chỗ các anh tôi ngủ không phải là giuờng, mà là nơi chứa y phục cũ và hư. Còn giường các chị được làm bằng tre. Chỉ có duy nhất một cái giường đúng nghĩa, đóng bằng ván hẳn hòi, là của ba mẹ và tôi. Góc giường có bốn trụ, được kết bằng bốn cây ngang. Lúc nào cũng có muỗi bay vo ve trên đầu.
Bàn ăn làm rất đơn giản, cạnh bàn là một bệ bếp dài khoảng 1m2, rộng độ 6 tấc, trên có một lò lớn, một lò nhỏ, phía trong có ống thông khói.
Mẹ tôi rất khéo, bà tự trồng bông vải, dệt thành sa, bố; đích thân may y phục cho cả nhà. Bà cắt tài, may giỏi; cho đến bây giờ sự khâm phục và tán thán bà vẫn chưa hết trong tôi.
Tôi mặc toàn y phục thừa của ba và anh (“họ” mặc đã đời rồi mới đến tôi), đồ cũ mèm, còn vá tới vá lui. Tôi chỉ là một đứa bé nhỏ, thấp; áo cũ của các anh tôi mặc còn chưa vừa, huống nữa là của ba tôi; nó quá dài, quá rộng. (Mặc vào nhìn giống như tôi... “bơi” trong đó). Mẹ đã làm tôi phật ý hết sức, vì bà chẳng chịu sửa vừa vặn cho tôi!
Tôi nhớ có một năm vào ngày đầu xuân, mẹ lại trao cho tôi một chiếc áo mới không hợp khổ người, tức quá tôi nói:
- Vì sao con phải mặc toàn đồ cũ, trong khi người khác thì có áo mới?
Mẹ trả lời:
- Áo này mới sửa thì cũng giống như áo mới, để con mặc cho ấm!
Dầu bông vải không phải để cho chúng tôi có thể dùng như dầu ăn. Mẹ tôi và các chị thu góp từng cây và nhặt hạt của nó, đập ra ngâm trong nước (chế biến làm dầu xức tóc và cao dán). Mẹ tôi không xài mỹ phẩm nào, chỉ do mùa lạnh, đôi tay khéo léo cần lao của bà bị nứt nẻ, nên phải dùng cao dán trị vết thương.
Khi bà may y cho tôi, tôi ngửi được mùi vết thương từ tay bà xông lên. Nếu miệng vết thương nứt nẻ quá lớn, dán cao cũng vô hiệu, thì bà kiếm cỏ thuốc đắp vào.
Đi học
Năm 9 tuổi, thật khó mà tưởng tượng ra, tôi bị bắt phải đi học! Một lão tiên sinh bác học đa văn, biết bói toán, xem phong thủy... đã thuyết phục ba mẹ cho tôi đến học với ông. Lớp dạy là nhà ông, một phòng có 20 bàn nhỏ. Tôi không có cặp sách, chỉ đeo một cái giỏ đựng tập, giấy bút, mực...
Ngày đầu tôi đến học, để chứng tỏ chí ham học và lòng kính thầy, bắt buộc phải xếp hàng quỳ làm lễ bái sư. Vị thầy này dạy riêng cho từng học sinh chứ không để chúng tôi học chung một giáo trình. Ông dạy tôi cách viết. Tôi ghi trước vài chữ như: “Thượng đại nhân, hóa tam thiên, thất thập sĩ”... ngụ ý thế này: “Đức Khổng Tử là bậc đại thượng nhân, dạy ba ngàn học trò, có bảy mươi vị thành nhân (sĩ đại phu)”...
Tôi viết và học thuộc mấy chữ đó. Các câu, từ thầy ra cho các học sinh kia cũng không đồng nhau. Trong lớp, chúng tôi đọc ra rả những gì đã học, thầy có vẻ không màng tới những tạp âm ồn náo, nhặng xị, luôn bắt chúng tôi phải ghi chép, gào tướng lên.
Học thuộc lòng, đọc đi đọc lại, là phương thức giáo dục lưu truyền trong dân gian. Khi trả bài, hễ chúng tôi đọc vấp váp, ngắc ngứ chỗ nào, là lão sư lập tức cho chúng tôi ăn... hèo. Ông cầm chiếc roi trên tay, khỏ vào đầu chúng tôi. (Tôi bị gõ nhiều nhất), mặc dù thường thì tôi thuộc bài, nhưng hễ gặp tình thế khẩn trương, căng thẳng, thì tôi chẳng thốt được lời nào, cố nhớ cũng không ra. Học được nửa năm, tôi đã có thể đọc “Tam Tự Kinh”, nhưng lúc này lão tiên sinh đang mạnh khỏe bỗng suy yếu dần, đến mức không thể nào dạy tiếp nữa.
Một thầy giáo trẻ chụp ngay cơ hội đó, lập tức mở liền một lớp dạy riêng, quơ hết đám học trò, gồm cả tôi, nhét vô chung một lớp, nghĩa là cho học cùng một chương trình. Ông dạy chúng tôi sách “Đại học” (là kinh điển của nhà nho). Nhưng trên đường đến lớp, tôi thường bị bạn chặn lại, bắt đi chơi.
Thầy giáo hỏi tôi: - Vì sao đến trễ?
Tôi bịa chuyện: - Nhà con nhiều việc, cần đến con...
Đến giờ ăn trưa, tôi lại đặt điều, nói dối thầy: - Con phải về để giúp việc cho gia đình...
Rồi tôi chạy biến.
Thực tế là, tôi cùng bạn bè ước hẹn sẽ chơi đùa vào giờ này. Có khi cả ngày tôi chẳng đến trường, từ nhà ra đi tôi mang theo cơm trưa, cùng chúng bạn nô đùa, ăn cơm xong thì lại tìm bạn bè khác chơi tiếp. Cho đến một hôm, mẹ tôi tình cờ ra ngoài và bắt gặp việc làm của tôi.
Bà nói:
- Gia đình chúng ta cực khổ vất vả biết bao mới cho con đi học được, mẹ hy vọng con thành nhân, bay cao tiến xa... Nhưng không ngờ con chỉ toàn rong chơi lêu lổng, bỏ phí cơ hội tốt của mình...
Mẹ quở trách tôi một hồi rồi bật khóc. Tôi cảm thấy bà đau buồn, thất vọng nhiều về tôi lắm. Tôi cũng khóc, những giọt lệ thống khổ và xấu hổ thi nhau tuôn tràn, tôi nói qua màn nước mắt:
- Con không muốn đi học, con không muốn quay lại đó nữa...
Thật ra tôi chẳng phải là đứa trẻ không có chí cầu tiến, nguyên nhân khiến tôi không muốn tới lớp là, thầy giáo này dạy cực kỳ khó hiểu, chương trình học quá cao, không phù hợp với đứa bé tuổi lên mười như tôi. Bởi, tôi đã cố hết sức, đã dốc toàn lực để tiếp thu, nhưng luôn hoài công. Kết cục, tôi đành ôm lấy nỗi niềm thất bại và tủi hổ...
Sau đó, tôi về nhà và ra đồng làm việc với các anh. Lại tiếp tục đi hốt phân, việc này ngó bộ dễ hơn nhồi nhét sách “Đại học” vào đầu. Bởi đi hốt phân chỉ cần nhờ vào cái lỗ mũi, nếu như muốn hốt phân bò hay dê, thì chẳng còn gì dễ hơn. Những thứ phân này nông phu chúng tôi tự mình đi thu lượm, rồi đem về bón cho các cây trồng, rất là tốt. Tôi còn đi hái rau dại ngoài đồng. Những thứ rau này, hiện thời cũng có mọc ở Nữu Ước và công viên Trung Anh. Mỗi khi ngắm chúng, tôi thường nghĩ: “Rau ở đây mọc tốt vậy mà không ai ăn, thiệt uổng”... Bởi, mùi vị chúng rất ngon.
Trừ việc đi hốt phân, hái rau ra, tôi cũng giúp song thân gieo trồng theo mùa. Mùa đông trồng lúa, mùa xuân trồng đậu và rau v.v...
Trong ký ức, tôi nhận ra bất kể là mùa nào, dù chúng tôi có nỗ lực trồng trọt, cấy cày đến mấy; thu hoạch chẳng bao giờ đủ ăn. Có lẽ là do muối, đường, dầu... đều quá mắc. Thời đó chính phủ kiểm soát và khống chế thị trường nghiêm nhặt. Có lúc, một trăm cân lúa chỉ đổi được hai cân muối. Đa số muối và đường đều được dành để cung cấp cho quân đội. Chính phủ cho phép phân phối một cân đường cho phụ nữ mới sinh con. (Nếu như người mẹ không có sữa cho con bú thì có thể dùng nước đường thay thế).
Cuối năm mười tuổi, tôi gặp thầy giáo thứ ba. Ông là láng giềng chúng tôi. Một vị y sĩ ngoài hai mươi tuổi. Ông ta có rất nhiều bịnh nhân, lại mở một lớp riêng để dạy học sinh. Vợ ông cũng phụ giúp, thành ra chúng tôi có tới hai giáo viên.
Cuối cùng, tôi cũng bước vào lớp với cảm giác vui vẻ, thoải mái, và học rất ra trò! - Bởi hai giáo viên trẻ này rất có lòng, biết quan tâm lo cho học sinh - nên tôi học được nửa năm là đã trở thành trò giỏi, tôi tốt nghiệp và vượt lên hai lớp.
Vào lúc này, xảy ra một việc đặc biệt. Ngồi kế chỗ tôi là một chị lớn hơn tôi một tuổi. Nhà chị là tiệm bán đường, ngày nào đến lớp, chị cũng mang theo một tán và len lén dúi cho tôi. Chị không chơi với đứa trẻ nào, chỉ theo chơi với tôi. Sau đó chị bị bịnh, không thấy đến lớp nữa. Chẳng biết tôi nhớ chị hay nhớ tán đường, mà ngày nào cũng dài cổ ngóng trông. Nhưng rồi chị lại đến lớp với một con mắt bị hư. Do chị biến đổi, khuyết tật như thế nên tôi cảm thấy khó chịu, nhất định không cho chị ngồi gần chỗ mình. Điều này khiến chị tổn thương và không đi học nữa. Đây là lỗi lầm tệ hại nhất mà tôi cưu mang và ăn năn suốt đời, (dù có sám hối, cũng không thể nào bù đắp, chuộc lại những lỗi đã qua).
Tôi học với thầy giáo y sĩ được một năm. Sau đó trong nước nội chiến bùng nổ, xảy ra đánh nhau liên miên. Trẻ con đi học trên đường cũng là xông lướt hiểm nguy. Cuối cùng, trường học cũng đóng cửa.