Cách Hà Nội gần 30km, nằm ấp mình bên bờ đê phía nam của dòng sông Đuống hiền hoà, nghiêng trôi một “dòng lấp lánh”, làng tranh Đông Hồ đã trải qua biết bao thăng trầm để cố giữ cho “hồn dân tộc” mãi được “sáng bừng trên giấy điệp”.
Một trong 2 phòng tranh còn lại ở làng tranh Đông Hồ
Những bức tranh vang bóng một thời
Trong những ngày đầu Xuân giá rét, ghé về làng nghề, chúng tôi không khởi đượm buồn khi giờ đây tranh Đông Hồ không còn mang tính “thuần Việt” như thời xưa mà đang dần bị thương mại hoá. Đến với chợ tranh Đông Hồ bây giờ, người ta không còn được thấy cảnh tấp nập bán mua, cũng không còn cảnh người người, nhà nhà ưa chuộng tranh Đông Hồ như ngày xưa nữa.
Các bảng khắc in tranh
Các thế hệ sau cũng ít muốn học và theo nghề tranh truyền thống của cha ông vì quá vất vả mà lại ít lợi nhuận. Du khách đến làng tranh bây giờ vẫn thấy cảnh phơi giấy nhưng đó lại là giấy để làm hàng mã chứ không phải giấy dó in tranh...Điều đáng nói hơn, tuy còn gọi là làng tranh nhưng hiện nay chỉ còn lại 2 nghệ nhân với 2 phòng tranh chưa xứng tầm ngay giữa vùng quê rộng rãi.