Dạy con từ thuở con thơ

Dạy con từ thuở con thơ

Nhân có việc, tôi đến nhà  người em họ chơi. Em họ tôi có 2 cháu, đứa lớn   học lớp 2 còn đứa bé mới 3 tuổi. Mặc dù, các cháu đều trông thấy tôi đến nhưng đứa lớn thì lẳng lặng đi vào trong còn đứa bé cũng chẳng chịu cất tiếng chào. Thấy vậy, tôi chủ động: “Bác chào cháu nhé!” nhưng con bé vẫn lặng thinh. Đưa quà cho cháu, bé vội cầm lấy mà vẫn không cảm ơn tôi. Có vẻ “quê” với tôi, vợ chồng cậu em họ liền trách mắng cháu: con hư quá! Khi cháu bé đã đi chơi với anh, vợ chồng em họ tôi mới thanh minh: “tại vì nó học theo mấy đứa trẻ trong xóm này, chúng nó hỗn lắm!”. Nghe nói vậy, tôi buồn cho các cháu thì ít mà buồn vì vợ chồng cậu em họ thì nhiều. Lẽ ra, bố mẹ cháu phải uốn nắn, răn dạy, định hướng cho con mà lại đi đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Câu chuyện kể trên là một trong những trường hợp thường gặp ở lứa tuổi tiền mẫu giáo. Có thể thấy rằng, tuổi chập chững biết đi, bắt đầu “học ăn, học nói…” là lứa tuổi rất khó dạy bảo. Chính vì vậy, cha mẹ vừa nuôi dưỡng, vừa giáo dục cho trẻ học hỏi những kỹ năng giao tiếp, thích ứng với những chuẩn mực xã hội như: không nói dối, không lấy đồ chơi và những vật dụng của người khác hay con phải làm thế này mới đúng, con làm như vậy là sai... Do đó, quá trình này chủ yếu các cháu học hỏi kinh nghiệm sống từ bố mẹ, những người xung quanh và dần dần chuyển từ trạng thái bắt chước sang học hỏi có tính chất chọn lọc. Giáo dục gia đình có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Lứa tuổi lên 3 là giai đoạn các cháu thích khám phá môi trường xung quanh. Ở giai đoạn này, trẻ thường nhõng nhẽo, quậy phá và phần lớn đều chưa ý thức được những nguy hiểm có thể gặp phải trong quá trình chơi. Chính vì vậy, cha mẹ vừa là điểm tựa, vừa là người thầy, vừa đóng vai trò như những người bạn của con để cùng vui chơi, khám phá và dạy bảo, định hướng cho con mình hướng đến cái đúng, cái tốt đồng thời phê phán, lên án những trò chơi, việc làm không tốt, không có lợi cho mình và mọi người. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy là tấm gương để trẻ học hỏi cũng như cần khuyến khích kịp thời những việc tốt của trẻ để trẻ có thể hình thành thói quen, phản xạ tốt đối với các giá trị của cuộc sống.

Có nhiều phụ huynh quan niệm “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Chính vì vậy, họ cho rằng “lớn thêm chúng sẽ hiểu, sẽ ngoan” nên họ thờ ơ với các hiện tượng như: hỗn láo với người lớn, không lễ phép, nói năng thì huyên thuyên, không tiếp nhận sự giáo dục của người lớn… với lý do “chúng còn nhỏ, chúng chưa hiểu…”. Đây chính là một trong những nguyên nhân của hiện tượng trơ lỳ tâm lý ở trẻ em nói chung và trẻ em lứa tuổi tiền mẫu giáo nói riêng. Khi phát hiện các biểu hiện như trên, nếu cha mẹ không giáo dục, chấn chỉnh trẻ kịp thời sẽ hình thành nên những thói quen rất khó sửa và dần dần có những khiếm khuyết trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách.

Các nhà xã hội học cho rằng: quá trình xã hội hóa - quá trình chuyển hóa từ con người động vật trở thành con người xã hội được bắt đầu ngay khi đứa trẻ sinh ra và chỉ kết thúc con người không còn tồn tại trong xã hội. Do vậy, vai trò của giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Nó là nền tảng và có tác động hình thành nhân cách cho trẻ.

Ngày nay, trước những biến đổi của nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường thì môi trường giáo dục gia đình đang đứng trước các cơ hội để giao lưu, học hỏi có chọn lọc những tinh hoa của nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Song nó cũng có những ảnh hưởng đáng kể đến văn hóa gia đình như: con người chú trọng vật chất, nhạt nhẽo, xuống cấp về phương diện tình cảm, xung đột giữa các thành viên trong gia đình… làm cho các giá trị của gia đình bị lung lay. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú trọng giáo dục con trẻ trong gia đình như người xưa đã dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày