GN - Bên cạnh bài học dạy trẻ biết cách cho đi thì chúng ta càng nên giúp trẻ biết cách nhận sao cho đúng.
Bé Bin nhà chị bạn tôi rất kháu khỉnh, dù còn bé nhưng cháu rất giỏi trong việc nhận biết thái độ của người khác. Một lần đi chơi chung, tôi từng chứng kiến cháu rất biết cách ứng xử. Đó là buổi liên hoan nhỏ được tổ chức tại nhà riêng của chị trưởng phòng. Những ai có gia đình, con cái đều dẫn đi chung.
Buổi liên hoan diễn ra rất vui, người lớn bàn chuyện của mình, trẻ con cũng được dịp gặp gỡ vui đùa. Con của chị trưởng phòng rất yêu quý các bạn nên lúc mọi người ra về bé có mang chia cho mỗi bạn một món đồ chơi khá đắt tiền. Đứa trẻ nào cũng vui vẻ nhận, chỉ riêng Bin thì lắc đầu từ chối. Trên đường về tôi trò chuyện hỏi Bin tại sao bạn cho đồ chơi mà không nhận? Bé trả lời rằng: “Tại cháu thấy mẹ của bạn ấy tỏ ra khó chịu. Có lẽ bác ấy không đồng ý việc cho đồ chơi. Mẹ cháu từng dặn không nên nhận thứ gì khi thấy người cho tỏ ý không vui”.
Chị bạn tôi nói rằng không nên nuông chiều trẻ con để chúng quen thói thích gì của người khác cũng đòi bằng được mà không cần chú ý đến thái độ người cho có thoải mái hay không. Nhiều bố mẹ khi đưa con đến nhà người khác chơi để con tự do chạy nhảy, lục lọi đồ đạc của gia chủ. Rồi thích thứ gì là khư khư giữ cho mình, nếu không được thì ầm ĩ khóc. Như thế là ép buộc người khác phải cho mình, dù chỉ là một món đồ chơi nhỏ nhưng có khi mối quan hệ giữa khách và chủ cũng mất vui. Vì có những món đồ bản thân gia chủ rất quý nó nên người ta không muốn cho đi.
Lần khác tôi lại được chứng kiến một tình huống khác cho thấy cách dạy con của chị bạn rất đáng suy ngẫm. Hôm đó tôi qua nhà chị chơi rồi dẫn bé Bin đi chợ mua ít đồ cúng rằm. Chợ ngay gần nhà chị bạn nên có rất nhiều người quen biết và quý mến Bin. Lúc dừng lại ở hàng rau, bà cụ bán hàng cứ nhất định dúi cho Bin một chiếc bánh gai. Bin vui vẻ nhận và cảm ơn bà cụ rất lễ phép. Đi được một đoạn Bin hỏi tôi: “Cô có thích ăn bánh gai không cháu cho cô. Cháu không biết ăn bánh gai, nhà cháu cũng không ai thích”.
Tôi ngạc nhiên hỏi Bin: “Nếu không thích ăn sao cháu còn nhận bánh”. Cháu nhoẻn cười bảo: “Cháu nhận cho cụ vui, nếu cháu từ chối cụ ấy sẽ buồn”. Tôi ngộ ra cái sự cho-nhận trong đầu óc của một đứa trẻ được dạy dỗ tử tế còn hơn khối nhiều người lớn chúng mình. Cái sự “nhận” đâu chỉ để cho mình, vì mình mà đôi khi “nhận” là vì muốn “cho” người khác một niềm vui. Bài học để nhận sao cho đúng không đơn thuần chỉ là cách giao tiếp, ứng xử mà còn góp phần bồi đắp nên một trái tim nhân hậu biết lắng nghe, thấu hiểu. Biết gạt cái tôi cá nhân của mình vì người khác.
Trẻ không chỉ cần được dạy bảo cách nhận một món quà vật chất từ người khác mà còn cần được chỉ bảo cách nhận một món quà tinh thần sao cho đúng. Ví dụ như nhận một lời khen. Xem mình có xứng đáng để nhận lời khen đó hay không? Khi lớn lên trẻ sẽ nhận biết được một lời khen có những dụng ý gì? Lời khen có thể giúp người trưởng thành cũng có thể khiến người ta tự cao tự đại mà tự hại mình.
Lúc bé, chỉ đơn giản là học cách nhận một lời khen, một món đồ nhưng sẽ giúp bé đủ tinh tế phán đoán để lớn lên biết cách nhận những thứ lớn lao hơn, có tác động đến cả cuộc đời. Như nhận một công việc sao cho phù hợp, nhận một hạnh phúc sao cho vừa vặn, nhận một tình yêu sao cho ấm áp. Bài học để “nhận” sao cho đúng, trẻ còn phải học suốt đời. Một bài học không hề khô khan, không hề gò bó. Hãy cho trẻ có cơ hội được cảm nhận những bài học dần dần qua mỗi ngày. Một bài học nhỏ cho một hành trang lớn…