Để cờ Phật giáo bay rợp ngày Phật đản

Giác Ngộ - Trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản những năm sau đổi mới, vấn đề treo cờ Phật giáo tại tư gia là một hạn chế, mà đến nay, vẫn chưa giải quyết được.

Đã được phép treo cờ, số lượng Phật tử thì đông, nhà Phật tử thì nhiều, nhưng đến ngày lễ Phật đản thì số lượng tư gia treo cờ Phật giáo rất ít, nếu không muốn nói chỉ là hiện tượng cá biệt ở nhiều nơi.

Ở TP.HCM trên một con phố dài hàng 3 - 5km có thể chỉ một vài nhà treo cờ Phật giáo. Trong những chung cư hàng trăm hộ may lắm mới có được một nhà treo cờ Phật giáo nhân lễ Phật đản.

PK (6).JPG
Cờ Phật giáo trung bay giữa phố biển Nha Trang
nhân Tuần văn hóa Phật giáo 2009 - Ảnh: Bảo Thiên

Tuy nhiên, ở một vài khu vực chung quanh một số không nhiều chùa, có những chùa không lớn, nhờ sự vận động của thầy trụ trì chùa tại địa phương, số lượng tư gia Phật tử treo cờ có nhiều hơn, nhưng tỷ lệ chắc chắn vẫn còn kém xa số lượng tư gia Phật tử trong thực tế.

Nhưng vẫn đáng tiếc, là ở những khu vực dân cư tại TP.HCM gần các cơ sở trung tâm hành chính Phật giáo, như thiền viện Quảng Đức, trụ sở Văn phòng II Giáo hội, hay chùa Ấn Quang trụ sở Thành hội Phật giáo TP.HCM…, việc treo cờ Phật giáo ở tư gia quanh chùa vẫn chưa tương xứng với tầm vóc ảnh hưởng trong khu vực lẽ ra phải có đối với những tự viện Phật giáo đặc biệt như vậy.

TP.HCM, trước đây là Sài Gòn, nơi mà cờ Phật giáo đã từng bay rợp trời mỗi mùa Phật đản còn như thế, thì ở các tỉnh, tình trạng hẳn là không khá hơn (có lẽ trừ TP. Huế, nơi vẫn được mệnh danh là "Kinh đô Phật giáo").

Tại sao?

Vì quý thầy không nhắc nhở, đôn đốc Phật tử treo cờ Phật giáo?

Vì quý Phật tử chưa có đủ nhiệt thành đạo tâm cần thiết để treo cờ mừng Phật đản định kỳ hàng năm?

Hay vì số lượng Phật tử thuần thành còn quá ít ỏi, nên số cờ Phật giáo treo ở tư gia vì đó mà ít theo?

Lời đáp cho những câu hỏi trên đều là không hẳn. Như thế thì việc Phật tử lơ là với việc treo cờ Phật giáo hoàn toàn không phù hợp với thực trạng Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Vì vậy, chúng ta phải coi đây là vấn đề, phải tìm nguyên nhân và phương cách giải quyết vấn đề.

Không phải là vấn đề ở sự nhiệt thành và đạo tâm ở người Phật tử.

Cũng không phải vì số lượng Phật tử đã xuống đến mức quá thấp.

Và cũng không phải do quý thầy không quan tâm đến việc Phật tử treo cờ Phật giáo.

Mà có lẽ vì hoàn cảnh khách quan chưa tạo môi trường thuận lợi cho việc treo cờ.

Hoàn cảnh khách quan nói đến ở đây không phải là việc không cho phép, mà dường như nếu có, chỉ là việc hết sức cá biệt.

Mà là do chính tâm lý ngần ngại của người Phật tử Việt Nam.

Sau gần 20 năm, tập quán treo cờ Phật giáo mừng Phật đản đã không còn ở người Phật tử miền Nam.

Nhiều Phật tử vẫn muốn phục hồi tập quán này và rất sẵn sàng hưởng ứng.

Nhưng, điều trở ngại rất lớn là mọi người đều ngại. Người này chờ người kia và cuối cùng thì… thôi.

Ngại là vì treo cờ Phật giáo không phải là một hành vi tôn giáo có gốc rễ sâu xa ở phần lớn tỉnh thành Việt Nam. Khác với việc thờ cúng, lễ bái có từ hàng ngàn năm trước, việc treo cờ Phật giáo mừng Phật đản chỉ có khoảng hơn 50 năm nay.

Treo cờ Phật giáo tại tư gia là một hành vi có tính biểu trưng rất mạnh, rất "nổi", vì vậy, một số đông Phật tử thuần thành rất muốn nhưng vẫn có tâm lý e ngại.

Tôi biết khu phố tôi ở, tỷ lệ tín đồ Phật giáo tin đạo ở các mức khác nhau có thể đến 90%, khác với nơi ở trước đây, chiều Chủ nhật vẫn thấy từng nhóm người hàng xóm đi lễ nhà thờ.

Ở khu phố mới chư Tăng thường xuyên tới lui thăm viếng và tụng kinh cầu an trong những dịp tân gia, cầu chóng khỏi tật bệnh…

Từ nhiều nhà vẫn nghe tiếng thỉnh chuông, dâng hương mỗi chiều. Ngày 14, 30 vẫn nghe tiếng gõ mõ tụng kinh.

Riêng tôi, tôi rất muốn treo cờ Phật giáo, và trong một bối cảnh như thế, thì không phải là điều gì khó khăn.

Nhưng ngặt nỗi, chờ những gia đình hàng xóm là Phật tử thuần thành kia treo cờ mừng Phật đản để mình treo theo, nhưng chờ mãi không thấy ai treo cả. Nỗi thất vọng cũng dài theo tiếng gõ mõ đánh chuông hàng đêm từ nhà hàng xóm.

Không ai treo, dù họ tụng kinh lạy Phật mỗi đêm, tất nhiên, một mình không dám làm "nổi" bằng một biểu hiện rất hình thức là treo cờ.

Chắc nhiều người cũng ở vào hoàn cảnh như tôi. Cũng có bạn đạo tâm sự cả khu chung cư chỉ có mình treo cờ lẻ loi, trong khi giọng hạ xuống trong nỗi bùi ngùi…

Giải pháp

Nếu Phật tử không tự mình treo được cờ, thì đành phải xin nhà chùa giúp vậy. Giúp không phải là giúp tặng cho lá cờ, mà giúp làm cái việc treo cờ Phật giáo hết cho mọi người trong xóm, để tạo thành một cái đà, không ai phải chờ ai, không ai cảm thấy mình làm "nổi", hay lẻ loi…

Nhà chùa có thể tổ chức các đội thanh niên Phật tử tình nguyện treo tặng cờ Phật giáo mừng Phật đản đến từng nhà Phật tử, đề nghị được treo tặng (tức là tặng và treo lên, không phải chỉ tặng không, vì thực ra vấn đề khó là ở chỗ treo, còn việc mua cờ không thành vấn đề).

Dưới cờ có ghi dòng chữ "Chùa treo… tặng", chẳng hạn "Chùa Phước Hải treo tặng", "Chùa Pháp Hoa treo tặng"...

Vậy, là chùa treo tặng, treo cho chứ không phải tự mình đứng ra treo và treo cả nhiều nhà trong khu phố, từ nhà Phật tử thuần thành đến nhà những người yêu đạo Phật. Có đà, đây là điều quan trọng nhất, năm sau cũng khó mà không tự treo, nếu nhà chùa lại đến treo tặng.

Việc treo cờ Phật giáo không khó mà cũng không dễ. Không khó vì đã được phép và cũng có rất nhiều người muốn treo. Nhưng không dễ vì có trở ngại như đã phân tích.

Trở ngại không lớn, nhưng khó vượt qua vì nó ở trong lòng người. Treo cờ Phật giáo khó hơn dán những "tứ tự", hay lập bàn "thiên", vì ấn tượng mà lá cờ tôn giáo tạo ra sẽ rất mạnh. Trở ngại là ở chỗ đó. Và nếu có ai treo thay, mà gia chủ đứng ở thế không thể từ chối nhà chùa, thì cái trở ngại đó sẽ nhờ "tha lực" mà vượt qua.

Các đoàn Phật tử tình nguyện treo tặng cờ có thể xuất phát vào sáng mùng 8 tháng 4, ngày bắt đầu Tuần lễ Phật đản, và dặn chủ nhà là treo đến hết ngày rằm. Nếu ngại thì đã có dòng chữ "Chùa… treo tặng" hóa giải. Và đã như thế, thì đã là Phật tử, không ai muốn phụ lòng nhà chùa.

Mong rằng vài suy nghĩ trình bày trên đây được quý Tăng Ni Phật tử chia sẻ, để ngày Phật đản trở thành ngày hội Phật toàn dân, với cờ Phật giáo bay rợp phố phường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày