Đem vui cho đời

GN - Thời gian gần đây, nhiều mô hình hỗ trợ cho người nghèo tại Mỹ Tho như: nhà ăn, shop quần áo, bánh mì, cắt tóc 0 đồng... được xã hội ủng hộ và đồng hành. Điều này đã làm cho thành phố bên dòng sông Tiền trở nên đáng yêu hơn và ấm áp nghĩa tình.

“Làm đẹp” cho người nghèo

Cứ khoảng từ 14 giờ đến 18 giờ, tại góc đường Hùng Vương, Ngô Quyền (đối diện với Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), một quầy cắt tóc miễn phí của một nhóm bạn trẻ mở ra thu hút khá nhiều người lang thang cơ nhỡ và cả cư dân quanh vùng.

“Cửa tiệm” này khá đơn giản: vài chiếc ghế nhựa, tấm khăn choàng, túi đồ nghề cùng tấm băng-rôn “cắt tóc miễn phí” được căng ra ở một góc đường để mọi người có thể trông thấy. Nhóm các bạn trẻ trong trang phục màu đen có in logo của một cửa hiệu. Tất cả đều là những người thợ, học viên của cửa hiệu cắt tóc nam QC Barber.

hinh xh gn 1061 (1).jpg

Nhóm cắt tóc miễn phí của các bạn trẻ

Đối tượng phục vụ của nhóm là những người bán vé số, vô gia cư, học sinh, sinh viên, lao động phổ thông… Trò chuyện với trưởng nhóm - thợ cắt tóc trẻ Nguyễn Văn Hào, 23 tuổi, quê ở Châu Đốc (An Giang), anh cho biết nhóm gồm 5 bạn trẻ tuổi đời chỉ ngoài đôi mươi, là những thợ cắt tóc, học viên đang theo học nghề.

Việc cắt tóc miễn phí vừa là cơ hội để các bạn thực hành nghề, cũng vừa nhằm góp một chút công sức “làm đẹp” cho người nghèo. Buổi sáng, nhóm làm việc tại cửa hiệu; buổi chiều từ 14 giờ đến 18 giờ, nhóm ra vỉa hè để phục vụ bà con lao động nghèo.

Theo quan sát của người viết, khi có khách đến, thành viên của nhóm nhanh nhẹn trao đổi với khách và bắt đầu làm việc. Chỉ khoảng 20 phút là cắt xong một mái tóc gọn gàng. Tùy theo yêu cầu của khách mà nhóm cắt nhiều kiểu khác nhau, phù hợp cho từng độ tuổi, tùy già hay trẻ. 

Anh Hào cho biết, cắt tóc miễn phí là một trong những hoạt động thiện nguyện thường xuyên của cửa hiệu QC. Với chi nhánh ở TP.Hồ Chí Minh, hoạt động này được thực hiện cách đây đã hơn 3 năm. Nhóm thợ và học viên của QC đã theo chân các đoàn từ thiện đi các tỉnh thành để cắt tóc cho người nghèo. Nơi làm việc của nhóm chỉ là vỉa hè, hành lang bệnh viện, hay một khoảng đất trống có bóng mát…

Những địa điểm tuy dã chiến này lại giúp thành viên nhóm “tác nghiệp” được nhanh chóng, đơn giản, giúp hàng ngàn người có được những mái tóc gọn gàng, sạch sẽ, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi chuyến đi thiện nguyện, người thợ trẻ cũng “thu hoạch” được những tình cảm ấm áp, sự động viên từ người dân và vững lòng hơn với nghề mà các bạn đã chọn.

Hào cho biết, ngay từ khi ông chủ QC khởi xướng việc cắt tóc thiện nguyện, anh đã tình nguyện tham gia ngay. Hào tâm niệm rằng mình không có của thì góp công để giúp người nghèo vơi đi gánh nặng.

Giá một lần cắt tóc bình dân là từ 40-50 ngàn đồng, chi phí này không hề nhỏ với người nghèo, bớt một phần chi phí, người nghèo có thể có thêm bữa ăn khá hơn hay để dành tiền cho con học hành...

Hào kể nhiều lần cắt tóc cho những người vô gia cư ở Sài Gòn, vì họ chưa gội đầu mấy ngày nên tóc cứng lại, khó cắt hơn. Dù đôi khi khá vất vả trong những đợt cắt tóc như vậy, nhưng những người thợ đều cố gắng để cắt cho người nghèo những mái tóc đẹp và tươm tất nhất có thể.

Mong ai cũng phát tâm lành


Trên một số tuyến đường ở TP.Mỹ Tho như: Rạch Gầm, Học Lạc, Yersin…, những tủ bánh mì thiện nguyện “mỗi người một ổ” đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Trong số đó, quầy bánh mì từ thiện nằm đối diện với khu khám bệnh chất lượng cao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang là một trong những chỗ khá đặc biệt vì đã ra đời và tồn tại hơn 3 năm nay.

Hàng tuần, vào sáng thứ Tư và thứ Sáu, nhóm “Phát Tâm” do chị Nguyễn Thị Bông làm trưởng nhóm tổ chức tặng hơn 300 ổ bánh mì cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các chị có mặt tại địa điểm quen thuộc tại số 31 Thủ Khoa Huân, từ 4 giờ 30 sáng.

Ở đó, chỉ có mấy cái bàn nhựa và những chiếc ghế con con được dọn ra cùng với nguyên liệu chuẩn bị để dồn ruột bánh mì. Chỉ vài phút sau, những ổ bánh mì nóng hổi được lò giao tới. Mỗi người một công đoạn, các chị bắt tay vào việc tạo nên những chiếc bánh mì kẹp thịt, hoặc bánh mì chay ngon lành để tặng đến người nghèo.

hinh xh gn 1061 (2).jpg

Những ổ bánh mì được chuẩn bị tặng đến người nghèo

Hơn 5 giờ sáng, người nhận bánh mì đã tập trung, xếp hàng khá dài. Từng ổ bánh mì nóng được các chị trao tận tay mỗi người. Trong buổi sớm của ngày mới, những ánh mắt vui vui của anh bảo vệ, chú chạy xe ôm, người mẹ nuôi con trong bệnh viện, người bà tay xách nách mang những phích nước chuẩn bị phần ăn sáng cho người thân đang nằm viện… làm cả nhóm thiện nguyện thấy rất ấm lòng.

Cầm trên tay ổ bánh mì còn nóng hổi, chị Nguyễn Thị Trúc Phương (47 tuổi) cho biết, chị thường xuyên ăn bánh mì ở đây trong hơn nửa tháng chăm sóc mẹ nằm bệnh viện. Đó là những ổ bánh mì rất ngon, phần nào giúp cho chị bớt đi gánh nặng về chi phí sinh hoạt trong những ngày nuôi bệnh.

Hôm nay là ngày mẹ chị Phương xuất viện, chị đến đây ngoài việc nhận bánh mì như mọi khi, còn gởi tặng cho nhóm 500 ngàn với mong muốn hoạt động này được duy trì lâu hơn.

Cũng chăm sóc mẹ ở bệnh viện bị tai biến, chị Nguyễn Thị Dự ở ấp Long Hòa A, xã Đạo Thạnh chia sẻ rằng mẹ chị thích ăn bánh mì chay nhưng gần đây không thấy ai bán. Khi đang loay hoay tìm chỗ mua thì chị tình cờ biết được nhóm “Phát Tâm” có tổ chức tặng bánh mì chay, nên chị tới đây xếp hàng để nhận bánh mì đem về cho mẹ.

Tuy ở tuổi ngoài 60 nhưng trông chị Nguyễn Thị Bông, nhóm trưởng của nhóm “Phát Tâm” vẫn còn khá trẻ. Chị cho biết thành viên nhóm dao động từ 5-10 người, mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau nhưng đều có chung cái tâm thiện nguyện phục vụ cho người kém may mắn, người nghèo.

Không chỉ tặng bánh mì ở khu vực này, nhóm “Phát Tâm” còn tổ chức các buổi trao bánh mì ở các trại xã hội, các bệnh viện tâm thần trong và ngoài tỉnh. Mỗi thành viên trong nhóm đều tâm niệm cùng đóng góp chút ít công sức, chia sẻ với người kém may mắn hơn để công việc thiện nguyện này có thể lan tỏa rộng ra.

Và hơn thế nữa, nhóm “Phát Tâm” còn có mong muốn bằng những hành động nhỏ của mình sẽ góp phần nhân rộng tình người, để ai cũng có thể phát tâm… giúp cho nhiều cảnh đời khốn khó trong xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày