Đền Bayon

NSGN - Đền Bayon (hay Prasat Bayon), tọa lạc ở trung tâm hoàng thành cổ Angkor Thom, nằm về phía Bắc của thị trấn Siem Reap thuộc tỉnh Siem Reap, là một ngôi đền cổ nổi tiếng ở Campuchia. Đây cũng là ngôi đền bằng đá sau cùng được xây dựng dưới triều đại Khmer, một đế chế hùng mạnh trong lịch sử Campuchia tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII.

bayon 1.jpg
Bayon nhìn từ bên ngoài

Ngôi đền này do vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII (1181-1220). Vua Jayavarman II là một Phật tử theo Phật giáo Đại thừa. Sau khi vua Jayavarman II băng hà, những vị vua tiếp theo đã không còn theo Phật giáo Đại thừa nên họ đã có một số thêm thắt và thay đổi ngôi đền theo niềm tin tôn giáo của họ. Vào thời vua Jayavarman VIII (giữa TK XIII), vương triều Khmer chuyển sang theo Hindu giáo, do đó ngôi đền này cũng được sửa đổi cho phù hợp với tín ngưỡng mới. Những thế kỷ sau đó, khi Phật giáo Theravada trở thành tôn giáo phổ biến ở đây, ngôi đền này không còn người quan tâm đến và rồi dần bị suy tàn.

Đền Bayon bị quên lãng trong rừng qua nhiều thế kỷ và sau đó được một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện. Vào đầu thế kỷ XX, Viện École Française d’Extrême Orient (Viện Viễn Đông Bác cổ) đã tiên phong trong việc bảo vệ, phục hồi và trùng tu tôn tạo nó. Từ 1995, những người Nhật là nhóm chính yếu trong việc bảo quản ngôi đền.

Khi đền Bayon được khai quang, những nhà khảo cổ nghĩ rằng đây là một ngôi đền của Bà-la-môn giáo được xây dựng vào thế kỷ IX để thờ Phạm Thiên (Brahma). Họ đoán định đây là ngôi đền thuộc Bà-la-môn giáo vì cho rằng những khuôn mặt được khắc tạc trên bốn mặt mỗi ngôi tháp là khuôn mặt Phạm Thiên. Nhưng vào năm 1933, khi ngôi tháp ở giữa quần thể này được khai quật, người ta mới biết rằng đây là một ngôi chùa Phật giáo và nó được xây dựng vào thế kỷ XII. Khi đào sâu xuống 14 mét, người ta phát hiện một bức tượng Phật lớn bị vỡ (bực tượng này sau đó được phục dựng lại vào năm 1935), một bản chữ Sanskrit mà nó ghi rõ chức năng và biểu tượng của ngôi đền, cũng như ngày tháng và vương triều của người đứng ra kiến tạo.

Bên cạnh đó, người Pháp cũng phát hiện một tượng Bồ-tát Quán Thế Âm ở đây, và điều này là một chứng cớ nữa để khẳng định Bayon vốn là một ngôi chùa Phật giáo thuộc truyền thống Đại thừa.

Bayon được xây dựng chính yếu để thờ Phật, nhưng bên cạnh đó những vị thần địa phương cũng được thờ ở đó. Điểm đặc biệt ở Bayon là 216 khuôn mặt lớn được tạc trên 54 ngôi tháp. Và bởi vì không có ghi chú về những khuôn mặt tượng này, nên người ta không biết nhân vật được tạc là ai. Tuy nhiên, vì những khuôn mặt này có hình dạng tương đồng với khuôn mặt của tượng vua Jayavarman II được tạc ở những nơi khác nên khiến một số học giả cho rằng những khuôn mặt này là của vua Jayavarman II.

Tuy nhiên, một số học giả khác lại cho rằng khuôn mặt được tạc trên các ngôi tháp là Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara), vì vua Jayavarman II vốn theo Phật giáo Đại thừa. Bên cạnh một số học giả khác thì cho rằng những khuôn mặt được tạc đó vừa là Bồ-tát Quán Thế Âm nhưng cũng vừa của vua Jayavarman II, bởi vì vị vua này (cũng như nhiều vị vua ở những xứ sở khác) vốn đồng nhất mình với Phật hay Bồ-tát.

Đền Bayon được xây dựng gần 100 năm sau Angkor Wat, và được xây dựng qua ba thời kỳ. Kiến trúc đầu tiên của ngôi đền này hiện vẫn chưa được biết rõ. Do vì ngôi đền tọa lạc chính giữa hoàng thành, nên người ta cho rằng có khả năng nó được xây dựng như một biểu tượng của núi Meru. Phần giữa của ngôi đền được mở rộng trong suốt giai đoạn thứ hai. Và kiến trúc, hình dạng mà ngày nay ta nhìn thấy là thuộc giai đoạn thứ ba và là giai đoạn cuối của công trình này.

Ngôi đền Bayon không có tường thành. Tuy nhiên nó lại nằm bên trong hai dãy tường thành bao quanh hoàng thành Angkor Thom với những bức phù điêu miêu tả những cảnh tượng huyền bí và những sự kiện lịch sử. Dãy bên trong là những bức phù điêu miêu tả những nghi lễ truyền thống trong hoàng cung, các cuộc hành hương, những thần thoại của người Khmer, đời sống của các vị ẩn sĩ và những câu chuyện huyền thoại liên quan đến Phật giáo và Ấn giáo.

Những phù điêu ở dãy tường thành bên ngoài là một sao chép từ những thứ ở Angkor Wat, với có đến hơn 11.000 hình ảnh được khắc chạm với một chiều dài khoảng 1.200 mét, bao gồm những sinh hoạt đời thường của dân chúng như cảnh chợ búa, câu cá, lễ hội, cảnh chọi gà, xiếc…, cũng như những cảnh về đời sống của vua chúa và giới quý tộc, cảnh thương mại đường biển của các thương nhân Trung Quốc với người Khmer, và những cảnh miêu tả cuộc chiến giữa Khmer và Champa. Dãy tường bao quanh này giống như một thành lũy bảo vệ kinh thành. Có năm cổng đi vào và trên mỗi cổng là đầu tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cũng như tranh tượng khuấy biển sữa.

bayon 2.jpg


54 cột cao thể hiện 54 tỉnh của Campuchia lúc bấy giờ - và chỉ còn 24 tỉnh ngày nay.
Điêu khắc mỗi cột là tượng Bồ-tát 4 mặt, như vậy có đến 214 khuôn mặt tất cả trong đền Bayon

54 ngọn tháp ở Bayon được xem là con số may mắn theo quan niệm chiêm tinh. 54 ngôi tháp ở đây cũng tượng trưng cho 54 tỉnh của vương quốc Khmer dưới thời vua Jayavarman VII. Cũng chính vì lý do này nên những ngôi tháp ở đây có kích cỡ không đều nhau, tượng trưng cho diện tích lớn nhỏ khác nhau giữa các tỉnh.

Nằm ở bên trong quần thể Angkor Thom, Bayon hiện là một địa điểm chiêm bái và tham quan không thể bỏ qua đối với du khách khi đến Siem Reap, Campuchia. Và cùng với Angkor Wat, di tích này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1992.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày