Đến để mà thấy

GN - Khi nghe bạn bè kể về đời sống sinh hoạt ở một môi trường nào đó rất là bình yên, sung sướng và tốt đẹp, thì ta ước ao muốn được đến tiếp xúc với hoàn cảnh sống ấy và luôn luôn có cái nhìn tích cực về nó.

phat hoc thay Tanh.jpg
Dù bất cứ ở đâu, làm việc gì chúng ta chỉ cần trở về với thực tại,
nhận diện thân-tâm-cảnh một cách khách quan và trung thực như chính nó

Thông qua hình ảnh, tin tức báo chí và từ những người khác diễn tả, khiến cho trí tưởng tượng của ta về môi trường ấy càng trở nên phong phú, tuyệt hảo và đáng quan tâm hướng đến! Thế nhưng, khi ta bước chân tới đó và sống chung với con người ở đó, thì thực tế lại khác xa so với những gì mà trước kia ta đã từng nghe ngóng, tìm hiểu và hết mực lý tưởng. Có thế ta mới nghiệm ra được rằng, cái thấy của lý tưởng bao giờ cũng bị hạn chế, lệch lạc so với cái thấy trong thực tế.

Và để thấy đúng như thực, bạn cần phải đến với mảnh đất của thực tại hiện tiền và tiếp xúc trọn vẹn với những gì đang diễn ra.

Có không ít người khi lý tưởng hóa đến một nhân vật nổi tiếng hoặc một tổ chức đoàn thể nào đó, thì vô tình họ đánh mất cái thấy khách quan, trung thực và tính tự nhiên vốn có. Có lẽ, vì thói quen so sánh, đối chiếu, phân tích đã được bản ngã lập trình sẵn nên cái thấy hiện thực chỉ giới hạn ở phạm vi bề mặt bên ngoài. Thậm chí đến nỗi, trong tâm họ chỉ thuần túy hiện lên những hình ảnh đẹp về đoàn thể, về con người mà họ đang theo đuổi, dù biết nơi đó có xảy ra một vài tiêu cực thì cũng chẳng sao!

Từ cái nhìn cực đoan, hạn hẹp ấy khiến họ không có cơ hội để tiếp xúc, cảm nhận và học ra được nhiều bài học quý giá thiết thực từ các đoàn thể, cũng như hiểu sâu sắc hơn về tổ chức mà họ đang quan tâm, lý tưởng.

Vả lại, khi trong tâm đã hình thành quan điểm, chủ trương theo một mẫu lý tưởng nhất định nào đó, thì dĩ nhiên họ sẽ đánh mất quyền tự do và giải thoát. Bởi, lộ trình đi đến giác ngộ giải thoát là không vướng kẹt vào bất kỳ một ý niệm nào cả, cho dù đó chỉ là ý niệm muốn thành Phật.

Mặt khác, khi chúng ta tìm hiểu đời sống con người chỉ qua hình ảnh, ngôn ngữ, truyền thông báo chí, bạn bè giới thiệu, v.v… thì vẫn không thể hiểu hết hành vi và lối sống của họ. Đã có không ít người cả tin vào ngôn từ diễn đạt của kẻ khác, đến khi giáp mặt với hiện thực thì trở nên thất vọng và chán chường! Giá như chúng ta nhận thức được rằng, bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào và con người nào cũng có hai mặt xấu lẫn tốt, thì khi đối diện với sự thật ta chẳng phải ngỡ ngàng hay thất vọng gì cả.

Thực chất, bạn không thể tìm ra một môi trường nào đó mà không có tiêu cực, trừ khi những con người sống nơi đó đã hoàn toàn đoạn tận tham sân si. Thực tế cho thấy, điểm yếu của con người là dễ bị sợi dây tham ái trói buộc và nhận chìm; dù chỉ mới phát sinh trong tâm tưởng nhưng ta không như thật rõ biết về chúng thì sẽ hình thành các tư tưởng chủ quan, phiến diện và kết quả là làm khổ mình và hại người.

Chính vì lẽ đó, cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng: “Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, vị ấy không như thật rõ biết lợi ích của mình, không như thật rõ biết lợi ích của người, không như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Tham ái được đoạn trừ, vị ấy như thật rõ biết lợi ích của mình, như thật rõ biết lợi ích của người, như thật rõ biết lợi ích của cả hai. Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” (Kinh Tăng chi bộ I).

Cho dù tâm tham ái sinh khởi, xâm chiếm không đưa đến lợi ích hoặc tâm tham ái được đoạn trừ đem lại hạnh phúc an vui, thì bạn chỉ cần như thật rõ biết về các trạng thái sinh-diệt ấy, cũng giống như bạn đang lặng lẽ quan sát những con chim bay nhảy trước sân nhà trong nắng sớm. Cố nhiên, bạn chỉ được phép ghi nhận sự đổi thay, đến và đi mà không khởi tâm xen vào chiếm hữu, loại trừ hay mong đợi điều gì cả. Vì nếu có ý niệm thêm bớt, chọn lựa phải như thế này hoặc sẽ được như thế kia, tức là đã có thời gian và không gian ấn định thì đương nhiên sẽ kết thành chuỗi dài sầu bi khổ ưu não.

Do đó, đoạn kinh trên chỉ rõ rằng, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy. Có nhiều khi ta tới với con người đó cùng có mặt trong hoàn cảnh đó, nhưng vẫn không thấy ra lẽ thật của cuộc sống. Vậy, đến là đến ở đâu? Nếu đến mà có vị trí trong không gian, thời gian thì ắt sẽ có điểm bắt đầu và nơi kết thúc.

Nhưng sự thực không phải như thế, vạn vật vốn “vô thủy vô chung”, vị trí nơi chốn là do chúng ta quy ước đặt để, còn các pháp vốn bình đẳng chẳng hơn, chẳng kém. Do đó, đến để mà thấy tức là trở lại với chính mình, đến với thực tại bây giờ và ở đây để thấy rõ hiện pháp đang là - vạn vật đang trôi chảy như một dòng nước, nó biểu hiện như thế nào thì nhận biết như thế đó, trong thấy chỉ có thấy không thêm thắt gì cả. Khi thực tánh pháp được biểu hiện, bạn sẽ thấy ra tánh tướng thể dụng của vạn hữu.

Thấy ra mối liên hệ tương giao tất yếu trong cuộc sống, thấy rõ bản thân mình và sự sống này để từ đó không còn đặt để, đòi hỏi hoặc tham vọng sở hữu bất cứ điều gì, nên có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

 Sự thật là như thế, nhưng đa phần chúng ta sống trong ảo mộng, trong trí tưởng tượng nhiều hơn so với sống trong hiện thực. Ví dụ, bạn có thói quen mỗi lần trông thấy con rắn bò ngang qua trước mặt là hoảng hốt bỏ chạy và nỗi sợ hãi ấy lâu dần bám chặt vào trong chiều sâu tâm thức, cho đến khi bạn nhìn thấy sợi dây nhưng lại lầm tưởng đó là con rắn, có phải thế không? Như vậy, cái thấy của ta luôn luôn bị quá khứ can dự vào cân đo, đong đếm theo một công thức sẵn có. Không khác gì mỗi người tự đeo cho mình một cặp kính màu, và nhìn cuộc đời qua đôi mắt kính ấy.

Đơn giản, chỉ cần bạn bỏ đôi kính màu ấy xuống thì thực tại chân lý hiển bày. Và, nếu bạn nhìn đời mà không kèm theo một tư tưởng hay nhận định nào cả, thì bạn mới tiếp xúc được với sự sống đích thực. Vì sự sống luôn luôn mới mẻ và sinh động, chúng biến đổi trong từng giây từng phút, nếu bạn không đủ sự sáng suốt và bén nhạy để sống cùng với thực tại sinh động ấy, thì kể như bạn khô cứng như một tế bào bị tách rời khỏi cơ thể.

Ở thời đại ngày nay, hầu hết con người đều quá bận rộn với trăm công ngàn việc, chính sự gò ép của công việc, học hành đã tác động mạnh mẽ khiến tâm trí của con người trở nên rối ren căng thẳng và dễ dàng dẫn đến các triệu chứng trầm cảm, stress nặng nề. Và một khi tâm hồn bệnh hoạn khô cứng như thế, thì dù của cải vật chất lớn mấy chăng nữa cũng không đem lại lợi ích an vui cho đời sống con người. Do đó, ngoài việc làm kinh tế ra, chúng ta cần phải biết dành thì giờ đầu tư vào việc tu niệm để ổn định tâm trí, vì tâm định tĩnh thì trí tuệ mới phát sinh.

Hiện nay, không những ở tại Việt Nam mà kể cả ở các nước tân tiến giàu có ở châu Âu, Mỹ, Úc… người ta đã tập trung nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày, nhằm khai mở sự hiểu biết trở nên sâu sắc và lớn rộng. Bởi lời Phật dạy rất thiết thực, phù hợp với khoa học hiện đại nên các công ty nổi tiếng như Google, Facebook, Apple cũng biết ứng dụng thực tập thiền định cho các nhân viên của họ, nhằm hóa giải những lo âu, căng thẳng, thiết lập đời sống cân bằng để mang đến hiệu suất lao động cao nhất.

Thiết nghĩ, để đem lại niềm an lạc hạnh phúc đích thực và góp phần xây dựng một nếp sống văn minh phồn thịnh cho quốc gia xã hội, chúng ta cần phải thực hành lời Phật dạy.

Dù bất cứ ở đâu, làm việc gì chúng ta chỉ cần trở về với thực tại, nhận diện thân-tâm-cảnh một cách khách quan và trung thực như chính nó. Trong lúc uống nước, ăn cơm, soi gương, chải tóc… đều rõ biết mọi hoạt dụng đang diễn ra một cách tự nhiên. Khi thân tâm nhất như trọn vẹn thì dù có đến hay đi, cái thấy của bạn sẽ không còn lệ thuộc bởi thời gian và không gian nữa, mà trong cái nghe chỉ là nghe, trong cái thấy chỉ là thấy, thế thôi! 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày