Chùa Nổi được xây dựng cách đây hơn 200 năm, trên một gò cao thuộc ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, thuộc vùng sâu của Đồng Tháp Mười. Nơi đây, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Mùa nước nổi ở Tuyên Bình thường bắt đầu vào khoảng tháng 6 và kéo dài đến tháng 11 âm lịch. Khi ấy bốn bề trắng xóa nước, còn chùa Nổi thì bật lên giữa những tán cây cổ thụ cao ngất, xanh rì. Muốn qua chùa, chỉ còn cách bắt xuồng, ngồi ghe...
Chùa Nổi thu hút đông đảo khách thập phương
Chùa Nổi không lớn, kiến trúc đơn giản nhưng luôn đông khách thập phương vì nơi đây được xem là chốn thuần khiết cho đời sống tín ngưỡng, tâm linh và mang đậm nét văn hóa cổ xưa. Theo Mộng Xuân, cùng với chùa Gò Ô ở Hưng Điền A, chùa Nổi là một trong những di tích tại Long An mang đậm nét "Văn hóa Rạch Núi" của cộng đồng cư dân nông nghiệp lâu niên ở Nam bộ. Tại đây, năm 2002, những nhà khảo cổ đã thu nhặt được nhiều di vật liên quan đến kiến trúc cổ thuộc văn hóa Óc Eo như gạch xây dựng, diềm ngói, đầu ngói búp sen và nhiều mảnh gốm. Trong đó, có phần đế của một tượng Phật tham thiền bằng sa thạch, hình tròn, màu xanh lục, được phủ một lớp patine mỏng màu xám nâu, vốn rất quen thuộc trong nhiều di tích thuộc văn hóa Óc Eo.
Ngồi trên chuyến phà lộng gió băng ngang sông Vàm Cỏ Tây qua chùa Nổi mùa nước nổi, nhìn bông điên điển lốm đốm vàng dọc bờ sông, ai đó nghêu ngao câu hát quen thuộc: "Gió Tháp Mười đã thổi rất sâu... Bầu trời thì cao mà cánh đồng thì rộng. Mà anh đi đâu... về đâu...?". Câu hát cứ như lời trách móc giữa "bến và bờ". Bởi chùa Nổi không chỉ là nơi đến cầu nguyện ơn trên mà còn là địa điểm để thề nguyền răng long đầu bạc.
Chùa Nổi xa xôi cách trở nhưng chưa bao giờ vắng khách phương xa. Người ta đến chùa Nổi không phải để muốn "nổi" như cách nói vừa đùa vừa thật mà còn là muốn chiêm ngưỡng một Cổ Sơn Tự (tên khác của chùa Nổi), uy nghiêm trên gò đất nhỏ ở vùng giáp ranh với đất bạn Campuchia; muốn hiểu thêm vì sao ở vùng rốn lũ của Tháp Mười, 300 năm trước, những người khai phá đã chọn nơi này để xây một ngôi chùa mà qua bao mùa lũ đỉnh cao, chùa vẫn không hề chìm chân dưới nước.
Qua bao mùa lũ đỉnh cao, chùa Nổi chưa hề ngập nước
Có thể đến chùa Nổi bằng xe gắn máy, nhưng phải đi vào mùa khô, tức từ khoảng tháng chạp đến tháng năm âm lịch. Khi đó, từ bến xe Mộc Hóa, chọn hướng kênh 12 đi thẳng tới chùa. Tuy nhiên, chùa Nổi vào mùa nước nổi bao giờ cũng hấp dẫn hơn. Lúc đó, từ bến xe miền Tây, người ta mua vé thẳng về Mộc Hóa. Sau đó, bắt xe ôm đi đến bến phà chùa Nổi (giá xe ôm ban ngày 15.000đ, ban đêm 20.000đ). Ngồi trên phà qua sông Vàm Cỏ Tây, bạn có thể cảm nhận không khí hào hùng từ thời Nguyễn Trung Trực vọng về. Nếu đến đúng dịp lễ chùa, bạn sẽ được "hậu liêu" Cổ Sơn Tự chiêu đãi miễn phí những món kèo nèo, rau hẹ nước, bông súng, bông điên điển chấm mắm tương kho, sau khi được đại sư trụ trì bốc cho một quẻ âm dương thường lành nhiều dữ ít.