GN - Vừa qua, đoàn đại diện GHPGVN cùng với đại diện Phật giáo của 40 quốc gia khắp năm châu lục đã cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI, do Niệm Phật tông (Nhật Bản) tổ chức tại Đại Vương điện Phật giáo Thế giới, tỉnh Hyogo, từ ngày 8 đến 11-12-2014.
Tại sự kiện quốc tế này có một nội dung quan trọng, đó là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp của đại biểu đến từ các nước.
Có sự sinh động trong hình thức biểu hiện, nhưng cùng thống nhất về những căn bản
trong Phật pháp - Ảnh: Hoàng Độ (chụp tại hội nghị bàn tròn Thượng đỉnh PG Thế giới)
Xuất phát từ Ấn Độ, ngày nay đạo Phật đã được truyền bá khắp nơi trên thế giới; từ châu Á, sang Âu, Úc, Mỹ và cả châu Phi. Điểm chú ý hầu hết đối với các đại biểu là những chia sẻ từ các đại diện Phật giáo ở các quốc gia như Ý, Argentina, Brazil…
Phật giáo là tôn giáo mới ở các quốc gia này. Xin dẫn một vài con số đã được nêu ra tại diễn đàn: ở Ý hiện có khoảng 100 trung tâm Phật giáo các truyền thống, với hơn 100.000 Phật tử; Argentina có hơn 80 trung tâm hướng dẫn thiền với khoảng 25.000 Phật tử; Brazil có khoảng 200.000 người đến thực tập ở các trung tâm Phật giáo…
Qua trao đổi với đại diện Phật giáo ở các quốc gia trên, số lượng người tìm đến với đạo Phật, thực tập thiền định, trở thành Phật tử tăng trưởng theo thời gian ở các quốc gia này. Một điểm đặc thù, khác với chúng ta cũng như các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời khác, hình thức hoằng pháp ở những nơi này rất linh hoạt. Điểm sinh hoạt tập trung là các trung tâm Phật giáo, chứ không phải là chùa chiền. Người ta đến với đạo Phật để tìm một lối sống cân bằng về tinh thần, giải phóng tri thức, thiết thực hiện tại chứ không phải một hứa hẹn bảo đảm về một đời sống hạnh phúc tương lai sau cái chết, ở thế giới bên kia. Họ học Phật, thực hành Phật pháp, sống trong tinh thần người Phật tử trên nền tảng tín ngưỡng truyền thống của gia đình mà họ được sinh ra, bối cảnh văn hóa mà họ sống.
Điều đáng nói là những chia sẻ về phương thức hoằng pháp của chư Tăng, các vị cư sĩ dấn thân hành đạo nơi này. Có thể họ là người bản xứ có thiện duyên gặp Phật pháp, xuất gia, trở thành tu sĩ hay sống trong hình thức cư sĩ; cũng có thể họ là người nhập cư, đến từ một môi trường văn hóa, xã hội khác. Nhưng điểm gặp nhau là những nỗ lực tìm ra các phương thức hoằng pháp linh hoạt, vận dụng tinh thần khế cơ khế lý một cách hiệu quả, không quá cố chấp và câu nệ hình thức cũng như truyền thống.
TT.Losan Gompo, Liên đoàn Phật giáo Ý cho biết, vấn đề hoằng pháp trong bối cảnh một xứ sở như nước Ý chẳng hạn, vấn đề không phải ở nội dung lời dạy của Đức Phật có phù hợp hay không mà quan trọng là Phật pháp được giới thiệu và giải thích như thế nào.
Tưởng đó là điều đơn giản, ai cũng biết, nhưng nỗ lực để có một cách giải thích Phật pháp phù hợp với bối cảnh văn hóa mới, với tình hình xã hội và tâm lý của con người ở mỗi giai đoạn, vùng miền khác nhau thì không phải ai cũng làm được. Sự cũ kỹ và bảo thủ sẽ đi ngược với thời đại, không phù hợp với tinh thần đạo Phật.
Phật giáo là một tôn giáo, điều đó không thể phủ nhận. Nhưng Phật pháp không phải là giáo điều, những nguyên tắc cứng nhắc, mà là một lối sống để những ai thực hành sẽ kiến tạo được sự an lạc, hạnh phúc cho tự thân, cho gia đình, cộng đồng xã hội một cách thiết thực, bây giờ và ở đây. Đó là điều cảm nhận của chính người viết mỗi khi tham dự các sự kiện Phật giáo quốc tế, hoàn toàn khác với nhiều tôn giáo, chứng kiến sự sinh động trong hình thức biểu hiện, nhưng cùng thống nhất về những căn bản trong Phật pháp, như nước biển cùng chung một vị mặn.