Di tích chờ ... công nhận

Giác Ngộ: Chùa Thanh Tịnh ở thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) là nơi có cảnh quan rất hữu tình. Bên cạnh đó, ngôi chùa này còn có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử rất quý giá không chỉ của Quảng Nam nói riêng mà còn của quốc gia. Nằm trên tuyến đường nối 2 di sản văn hóa thế giới của tỉnh Quảng Nam là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, việc quan tâm, nâng cấp và bảo tồn những giá trị trong ngôi chùa Thanh Tịnh sẽ góp phần không nhỏ đến sự thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Hơn thế, đó sẽ là một việc làm thể hiện tấm lòng của người hôm nay với lớp lớp tiền nhân.
cß+òng v+áo ch+¦a Thanh tß+ïnh.JPG
Dân gian quen gọi chùa là chùa Trà Kiệu, bởi lịch sử ngôi chùa gắn liền với sự hình thành ngôi làng Trà Kiệu. Theo nhiều nguồn tư liệu, năm 1470, khi lập ra đạo thừa tuyên thứ 13 Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông ban hành chính sách di dân lập ấp. Giai đoạn 1470 - 1479, 13 vị thủy tổ các tộc Lê (dòng dõi hoàng triều), Lưu, Nguyễn, Đinh từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh đến lập làng. Qua việc khai hoang ruộng đất, phát triển sản xuất, các bậc tiền hiền nhanh chóng dựng xây làng Trà Kiệu thành một trong 3 làng xã lớn nhất của Quảng Nam (“Quảng Nam tam đại xã”) với câu nói lưu truyền trong dân gian: “Nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, thứ ba Tú Tràng”. Hiện nay, các vị bô lão trong làng còn kể lại rằng, thời xưa, các vua triều Nguyễn mỗi lần đi kinh lý viếng lăng mộ bà Đoàn quý phi, khi đến địa đầu làng Trà Kiệu (thuộc thôn Trung Đông, xã Duy Trung hiện nay), tất cả vua tôi đều quỳ xuống bái 3 bái rồi mới tiếp tục cuộc hành trình.     
ch+¡nh -æiß+çn ch+¦a Thanh Tß+ïnh.JPG

Ngôi chánh điện hiện tại

  Năm 1680, trong cùng một thời điểm, 3 thiết chế văn hóa làng xã gồm đình làng - chùa - nhà thờ tiền hiền được nhân dân trong làng xây dựng. Từ đó, những nét văn hóa đặc trưng này là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Trà Kiệu. Riêng đình làng Trà Kiệu, do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp (1946) đã bị phá hủy. Nhà thờ tiền hiền, qua bao thăng trầm lịch sử, đến năm 1997 được UBND tỉnh Quảng Nam cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh, tháng 11-2005 được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Còn ngôi chùa của làng chính là chùa Thanh Tịnh. Theo văn bia ghi ở chùa, từ khi khai tự (1680) đến năm 1956, các vị bô lão trong làng thay nhau trông coi ngôi chùa. Năm Bính Thân 1956, hình thức giám tự đặc trưng của chùa làng bị bãi bỏ, bởi Hội đồng Ngũ xã Trà Kiệu bàn giao ngôi chùa lại cho Khuôn hội Phật giáo Trà Kiệu. Tuy vậy do chiến tranh loạn lạc, nên từ 1956 - 1975, chùa không có thầy trụ trì. Năm 1976 có Đại đức Thích Hạnh Lương về trụ trì nhưng 1 năm sau sư viên tịch. Đến năm 1986 mới có Ni sư Thích nữ Hạnh Minh tại chùa Hương Sơn (Huế) về trụ trì cho đến hiện giờ.     

Nhà  văn hóa Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam có nhận định: “Cùng với mái đình, ngôi chùa trở thành công trình công cộng quan trọng thứ hai ở mỗi làng”. Rõ ràng, chỉ với giá trị lịch sử của ngôi làng Trà Kiệu cũng đủ khẳng định giá trị của chùa Thanh Tịnh.
cß+ò vߦ¡t Ch-âm ß+ƒ ch+¦a Thanh Tß+ïnh 1.JPG

Di vật hiện còn trong khuôn viên chùa

Còn theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, tại khoản 1, Điều 28, công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước thì đủ điều kiện để công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Chùa Thanh Tịnh đáp ứng đầy đủ tiêu chí này, bởi vậy, việc mong muốn ngành văn hóa công nhận chùa Thanh Tịnh là di tích đang là khắc khoải của những người có tâm huyết. Ông Nguyễn Trường Mười, Phó ban Hội đồng chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu, nói: “Những người trong hội đồng chư tộc chúng tôi luôn mong muốn ngôi chùa được nâng lên hàng di tích, cũng để phát huy thêm bản sắc văn hóa quê nhà, đồng thời để con cháu hiểu rõ về cội nguồn lịch sử cha ông”.      Qua 331 năm tồn tại, với nhiều lần trùng tu, ngôi chùa vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu; được xây dựng theo phong cách nhà ở truyền thống của Việt Nam - 3 gian 2 chái - với lối kiến trúc “tiền Phật, hậu Thần”. Đặc biệt, chánh điện chùa còn lưu giữ 4 cột đá, 6 trính đá của người Chăm, do những người xây dựng chùa lắp ghép vào. Hiện, chùa còn lưu giữ rất nhiều cổ vật Chăm, cùng những cổ vật từ thời các triều  đại phong kiến Việt Nam. Qua tìm hiểu của chúng tôi, chùa Thanh Tịnh là chùa lưu giữ được nhiều cổ vật nhất trong số các chùa ở Duy Xuyên. Trong đó, có 5 tượng đá Chăm, bao gồm 1 tượng hình tháp Chăm, 1 tượng thần voi Ganesa, 2 tượng vũ nữ Trà Kiệu, 1 tượng hộ pháp. Ngoài ra, còn rất nhiều cổ vật được phát hiện qua quá trình đào móng xây dựng thêm các hạng mục của chùa từ năm 1986 đến nay, như các tượng Phật Thích Ca, các trụ đá Chăm... Ni sư Thích nữ Hạnh Minh cho biết: “Địa giới của chùa nằm trong khu vực thành nội kinh đô Sư Tử của người Chăm xưa, đồng thời ngôi làng Trà Kiệu nhận được sự quan tâm của vua chúa triều Nguyễn, nên số cổ vật nằm sâu dưới lòng đất, cùng số cổ vật mà chùa lưu giữ có rất nhiều. Khi Ni sư về trụ trì năm 1986 đã có trên 50 pho tượng cổ được lưu giữ. Ngoài ra cứ mỗi lần xây dựng các hạng mục là mỗi lần phát hiện những cổ vật. Tuy vậy, số cổ vật này luôn bị đánh cắp hàng năm...”. 
cß+ò vߦ¡t Ch-âm ß+ƒ ch+¦a Thanh Tß+ïnh 2.JPG   
Tình trạng đánh cắp các cổ vật trong chùa
vẫn diễn ra khi chưa có biện pháp bảo vệ hiệu quả


Ông Nguyễn Quỳnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ Tuồng Duy Xuyên, người thực hiện việc lập hồ sơ để ngành văn hóa công nhận nhà thờ tiền hiền Ngũ xã là di tích, trăn trở: “Chùa Thanh Tịnh có giá trị lịch sử ngang với nhà thờ tiền hiền, việc không công nhận chùa là di tích sẽ là một sự lãng phí văn hóa”. Theo ông Quỳnh, việc chùa Thanh Tịnh chưa được công nhận di tích là do chưa có ai lập hồ sơ để đề trình lên các cấp ngành cả, trong khi đó các Ni sư trong chùa lại “không màng đến danh”. Và, điều này có một nguyên nhân sâu xa, đó chính là sự “lãng quên văn hóa” của nhiều người. Hiện rất nhiều người dân sống ở làng Trà Kiệu nhưng lại không biết chùa Thanh Tịnh là ngôi chùa làng của làng mình (mà tưởng ngôi chùa do một cá nhân nào đó lập nên). Thậm chí, một cán bộ của Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên lại nhầm ngôi chùa là chùa Bửu Châu, do Mạc Cảnh Huống xây dựng cũng ở làng Trà Kiệu vào năm 1638.      Cũng là một người có tâm huyết, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng, trong “Đặc san kỷ niệm 540 năm thành lập Ngũ xã Trà Kiệu (1470 – 2010) và 5 năm (2005 -2010) nhà thờ tiền hiền Ngũ xã được công nhận di tích lịch sử quốc gia” có dòng nhận định: “Ngôi chùa Trà Kiệu vẫn tồn tại từ ấy đến nay và đang tiếp tục phát huy vai trò đề cao văn hóa tâm linh dân tộc”. Trao đổi với chúng tôi, ông Hải cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ đề xuất với những người trong Hội đồng Ngũ xã tiến hành thu thập tư liệu, để lập hồ sơ xin công nhận di tích cho chùa Thanh Tịnh.      Thiết nghĩ với những giá trị mà mình sở hữu, chùa Thanh Tịnh xứng đáng được những người có trách nhiệm chung tay để sớm được công nhận là di tích văn hóa. Nếu không, đó là một sự lãng quên rất đáng trách nếu không muốn nói là có tội với tiền hiền đi trước, với truyền thống, văn hóa nước nhà.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày