GNO - Những ngày gần đây, tại Hoa Kỳ cũng như Việt Nam xôn xao dư luận về một nữ sinh gốc Việt tên là Diane Trần học lớp 11 Trường trung học Wills ở gần Houston, đã bị thẩm phán Lanny Moriarty bỏ tù 24 giờ và phạt 100 USD. Lý do cô bé đã vi phạm luật của tiểu bang.
Theo quy định của bang Texas: “Nếu một học sinh vắng mặt 10 buổi trở lên trong sáu tháng, sẽ bị yêu cầu trường học gửi khiếu nại đến tòa án hoặc đưa học sinh ra tòa án vị thành niên”, thế nhưng chưa đến sáu tháng Diane Trần đã nghỉ tới 18 ngày! Nguyên do của những ngày nghỉ học này là “cô bé phải làm hai công việc một lúc để kiếm tiền phụ gia đình”.
Hoàn cảnh của Diane Trần thật sự đáng thương! Cha mẹ ly dị và bỏ thành phố Willis ra đi, để lại 3 người con. Người anh của cô bé đang học đại học. Người em nhỏ của cô bé đang phải gửi tạm ở nhà một người thân tại thành phố Houston (bang Texas), và Diane Trần đã phải vừa đi học vừa đi làm hai việc một lúc (một việc toàn thời gian và một việc bán thời gian, hơn nữa khoảng cách giữa hai nơi lại khá xa nhau) để kiếm tiền nuôi bản thân mình và nuôi anh cũng như nuôi em ăn học. Bản thân cô bé thì phải ở lại nhà của người chủ.
Nhiều lúc, sau giờ làm, cô bé phải thức đến 7 giờ sáng để làm bài tập và vì vậy nhiều lúc cô ngủ dậy trễ học hay vào lớp khi thầy cô giáo đã điểm danh rồi. Thường cô phải nghỉ 3 ngày/tháng vì thiếu ngủ trầm trọng, thân thể rã rời mỏi mệt. Tuy vậy, “pháp bất vị thân” luật của bang đã quy định thì cô phải chịu hình phạt không là ngoại lệ.
Devin Hill bạn của Diane Trần cho biết: “Trần là một học sinh giỏi, luôn đạt điểm A, xếp hạng cao trong các kỳ thi học kỳ”. Dẫu trong điều kiện khó khăn như thế, nhưng Diane Trần dù mới học lớp 11, cũng đã là học sinh danh dự của Trường Trung học Willis và hơn thế nữa cô còn lấy những lớp Advanced Placements mà những lớp này được tính vào tín chỉ đại học sau này…
Theo Fox New, rất đông người dân Mỹ tỏ thái độ không đồng tình với thẩm phán Moriarty, thậm chí họ còn lên án cách xử “khô cứng”, thấu lý nhưng chưa đạt tình. Cũng có người còn cho rằng chính quyền bang cần khen thưởng xứng đáng cho cô bé Trần, một nữ nhi dưới tuổi vị thành niên (17 tuổi) đã có ý thức và trách nhiệm cao với anh em, với gia đình, chịu khó chịu khổ có nghị lực vươn lên là học sinh giỏi, học sinh danh dự của trường!… Hàng trăm ngàn con tim của người Mỹ đã xúc động trước ý chí vươn lên, vượt khó của cô giái trẻ gốc Việt Diane Trần, và họ đã ủng hộ mạnh mẽ bằng cách ký vào thỉnh nguyện thư yêu cầu thẩm phán rút lại phán quyết và án phạt. Hơn thế nữa một tổ chức từ thiện mang tên Louisiana Children’s Education Alliance (LCEA) đã mở trang web kêu gọi mọi người giúp đỡ Diane Trần, và cũng trong thời gian ngắn kỷ lục số tiền quyên góp đã lên tới 100.000 USD từ 50 bang của nước Mỹ và 18 quốc gia trên thế giới…
Với sự phản đối mạnh mẽ, với sự thương cảm rộng khắp và sự giúp đỡ ngập tràn, tòa án Texas đã xem xét hoàn cảnh của cô bé và đồng thời cũng đã lắng nghe dư luận. Diane Trần đã được chánh án đồng ý xóa đi hồ sơ tội phạm trong hồ sơ lý lịch, để khỏi ảnh hưởng tới tương lai của cô sau này.
Mặc dù bị án phạt như vậy, nhưng cô bé vẫn âm thầm chịu đựng không hề thổ lộ cho thẩm phán biết về hoàn cảnh “đáng thương tâm” của mình trong hai lần bị trát tòa gọi. Sau khi bị dư luận xã hội lên án và qua tìm hiểu nhân thân của Diane Trần thì thẩm phán Moriarty đã ký lệnh xóa án cho nữ sinh Diane Trần.
Sau khi xóa án, lập tức cô bé được nhiều trường đại học đưa ra lời mời cô đăng ký vào trường đại học của mình. Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh đang gặp khốn khó về tài chính, nhưng theo Hãng tin ABC New, cô bé đã từ chối nhận 100.000 USD số tiền do tổ chức LCEA vận động quyên góp mà có được, với lý do: “Còn nhiều đứa trẻ khác còn khó khăn hơn!”. Vừa đi học, vừa lo cuộc mưu sinh thấm đẫm mồ hôi nước mắt, với cường độ học tập, làm việc vất vả và căng thẳng đến như vậy mà Diane Trần vẫn thản nhiên từ chối một khoản tiền khá lớn đó. Có thể nói cô bé đã biết áp dụng lời dạy của Đức Phật “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”, một ánh đuốc của tuệ giác, của bản lĩnh đạo đức, nhân cách sáng ngời. Một tấm gương ngời sáng nhân văn, thật hồn nhiên trong trắng đã đánh thức lương tri con người giữa một xã hội vật chất, thực dụng ấy!