Điểm tựa của người nghèo huyện Cần Giờ

GN - 19 năm trước, ở sâu trong tổ 20, ấp Bình Phước, xã Bình Khánh (H.Cần Giờ, TP.HCM), ĐĐ.Thích Thiện Long mua một mảnh đất nhỏ, cất cái thất với ý niệm ban đầu là để tiện cho việc đi học và tu tập của cá nhân. Thế nhưng, với sự tín tâm của cô bác Phật tử, thầy đã quyết định ở lại nơi đây, xây dựng cơ sở tu học cho bà con.

Suốt những năm thăng trầm, từ ngày cái thất cất bằng lá dừa, xung quanh là ao hồ, chỉ có mỗi tượng Phật năm tấc…, đến nay, ngôi tịnh thất ấy đã thành chùa Thiên Huệ, được xây dựng khang trang, chánh điện trang nghiêm… là nơi nương náu tâm linh của Phật tử, đồng bào trong vùng. 

Thầy về, chịu thương, chịu khó

Ngày mùng một Tết Mậu Tuất vừa rồi, đến chùa Thiên Huệ lễ Phật, một bác Phật tử lớn tuổi đã chia sẻ với người viết rằng: “Nhà tui ở bên kia sông, muốn qua chùa phải qua phà Bình Khánh. Tết, rằm lớn, mấy ngày sám hối của tháng là tui qua chùa lạy Phật. Chùa này tui đi từ lúc là cái nhà lá, đến giờ xây bằng tường kiên cố đó cô. Đi đâu thì đi, tui cũng về chùa này. Chùa trong con hẻm nhỏ.

Thầy trụ trì trẻ, mà dễ thương”. Hỏi ra mới biết, nhiều Phật tử nơi đây mến chùa, quý thầy Thiện Long bởi, để xây được ngôi chùa như ngày hôm nay là cả một quá trình dài, mà nếu như thầy không trẻ, không chịu thương, chịu khó và không dấn thân thì không thể nào làm được.

XH GN - 945 thienlong (2).JPG

ĐĐ.Thích Thiện Long và Phật tử ở chùa Thiên Huệ

TT.Thích Giác Huệ, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Cần Giờ cho biết: “Thuộc vùng sâu, vùng xa nên bất kỳ một vị Tăng hay Ni nào được bổ nhiệm hoặc về Cần Giờ lập thất, cất chùa (sinh hoạt Giáo hội) đều chấp nhận dấn thân để phục vụ, chúng tôi rất mừng. Đã 19 năm ĐĐ.Thích Thiện Long về đây, từ lúc mua đất, cất cái thất nhỏ là cái nhà lá, đến hôm nay xây dựng thành ngôi chùa khang trang để Phật tử về tụng kinh hàng ngày, tu tập hàng tháng, thầy Thiện Long đã cố gắng rất nhiều, mà không phải ai nỗ lực cũng làm được như thầy”.

Vốn tu học tại chùa Long Đức (H.Gò Công, Tiền Giang) bởi hữu duyên nên thầy đã đến vùng biển mặn Cần Giờ này từ gần 20 năm trước. Nhớ lại những ngày đầu tiên khi về nơi đây, thầy Thiện Long dí dỏm: “Mảnh đất này ngày xưa tôi mua với giá rẻ, đất đầm lầy, nằm lọt thỏm trong vùng hoang vu, nên sinh hoạt rất khó.

Cái thất được cất bằng lá dừa, ở xứ dừa nước mà vách lá cũng không lành lặn cho lắm, gió biển thổi rất lạnh. Hồi đó không nước uống, không điện, không có nhà vệ sinh, không gạo nấu cơm. Có những ngày không có dầu để đốt đèn tụng kinh, muỗi mòng nhiều vô kể. Muốn có nước uống và nước sinh hoạt, phải đi bộ thật xa, mới xin được nước. Tôi sợ nhất là trời mưa, con nước lên, ngập hết...

Vậy đó, mà ngày nào Phật tử cũng đến với mình, vô ra tụng kinh cùng”. Hỏi thầy khó khăn vậy, vì sao thầy gắn bó với nơi đây, thầy bảo: “Lúc khó khăn quá, nghe mấy cô, bác chân chất nói ‘thầy ơi, thầy cố gắng, đừng bỏ tụi con đi’, nghe thấy thương quá nên tôi mới ở được nơi đây, làm Phật sự đến bây giờ. Với lại, hồi xưa thấy Phật giáo huyện Cần Giờ không phát triển, bà con muốn đi chùa mà chùa thì ít, nhà lại xa nên tôi phát tâm lập thất, cất chùa, vừa giúp Phật tử có nơi nương tựa, vừa giúp hình ảnh Phật giáo, chùa chiền gần hơn với bà con”.

Từ ngày thầy về, các thời kinh luôn được diễn ra đều đặn, chỉ ngày nào bận Phật sự, hoặc lo công việc cho bà con thì thầy mới khất. Thầy Thiện Long bộc bạch thêm: “Nhưng dù mình bận, nơi đây chưa ngày nào vắng một thời kinh. Từ hồi nơi đây là thất, hay bây giờ là chùa cũng vậy, bà con Phật tử không có người này thì người khác cũng vào công phu.

Một ngày, chùa có 6 thời kinh, trong đó có 4 thời kinh lúc nào cũng có Phật tử tham gia. Đặc biệt là thời công phu khuya, có các cô bác tranh thủ thời gian đến chùa tụng kinh xong, rồi mới về lo việc nhà. Riêng thời kinh tối, có khi có mấy em công nhân, đi làm về sớm cũng tranh thủ đến chùa. Từ khi ngôi thất nhỏ được nâng lên thành ngôi chùa thì nhiều Phật tử đến tu học hơn”.

Để chùa có không gian thoáng mát, được xây bằng gạch như ngày hôm nay, bao nhiêu tiền cúng dường trong thùng phước sương, thầy đều dành dụm lại, để sửa chữa dần; rồi mua thêm đất, mở rộng thêm diện tích chùa để Phật tử có không gian tu học. Về đây từ lúc 20 tuổi, hôm nay tuổi đã 39, thầy Thiện Long bảo: “Nhiều lúc tôi cũng không dám nghĩ là mình làm được. Nhờ có Đức Phật gia hộ và có bà con Phật tử tín tâm, rồi thầy trò cùng nhau nỗ lực mới được như hôm nay”.

Điểm tựa của người nghèo khó

Ông Nguyễn Văn Nhánh, Chủ tịch UBMTTQ xã Bình Khánh cho biết: “Từ ngày thầy Thiện Long về đây đến giờ giúp rất nhiều cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống. Nơi này, lúc còn là thất, đến khi thành chùa, dù khó khăn thầy cũng nâng đỡ bà con. Có những gia đình có hoàn cảnh quá đặc biệt, thầy giúp xây nhà tình thương. Bây giờ, hàng tháng đều có hỗ trợ tiền cho các hộ nghèo khó”.

Có những hoàn cảnh khắc khổ, không có gạo ăn, không tiền cho con nhỏ đi học, thầy Thiện Long phải đến các tỉnh thành khác để nhờ huynh đệ giúp đỡ, xong một tay chở quà về cho bà con. Chương trình kết nối - giúp bà con nghèo ở xã Bình Khánh ra đời là từ đây.

Nhiều năm nay, tháng nào thầy cũng hỗ trợ định kỳ 300 nghìn/trường hợp cho gần 30 hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em không tiền đến lớp, trẻ mồ côi, người bệnh nan y nghèo. Tết đến, các hộ thuộc diện nghèo, các anh chị công nhân không về quê sum họp vì nghèo, thầy và các Phật tử đều đến tặng quà, sẻ chia. Bàn tay nắm lấy những bàn tay, nhờ sự kết nối này mà số lượng Phật tử, người tín tâm đến với chùa ngày một nhiều.

Thầy Thiện Long cho biết: “Phật tử đến chùa tăng dần qua từng năm. 10 năm trước, ngày rằm, Phật tử đến chùa tham gia lễ sám hối khoảng 20 người, bây giờ thì được khoảng từ 70 đến 100 người. Bà con dẫu còn nhiều gánh nặng mưu sinh nhưng về chùa là rất hoan hỷ”. 

Để gieo duyên và phần nào xoa dịu nỗi đau với những người có hoàn cảnh khó khăn, một tháng hai lần, thầy tổ chức khóa tu “một ngày an lạc” cho bà con về chùa niệm Phật, tụng kinh. Thầy ngỏ lời mời, khuyến khích mọi người cố gắng dành một ít thời gian về chùa tham gia tu học.

Một chú Phật tử, xin giấu tên, đã chia sẻ rằng: “Từ ngày thầy cho tui quà, tui đến chùa là tui bớt khổ nhiều rồi cô. Bây giờ cũng còn chật vật với cuộc sống lắm mà cái tâm đã bớt khổ rồi, tui mừng. Tui đi chùa, tui thấy lợi ích, tui cũng có nói, rủ hàng xóm cùng đi chùa. Có mấy ngày mệt mỏi quá, trước khi đi làm là tui qua chùa trước, lạy Phật xong rồi mới đi làm. Nói thiệt là, có chùa, có thầy, tui có thêm điểm tựa để thấy an ổn hơn”.

Ông Tám, nhà gần phà Bình Khánh cho biết: “Về chùa ăn chay, ăn rau là chính mà sao món nào tôi thấy cũng ngon. Ở nhà tôi, không tiền đi chợ, cũng ăn rau, làm cũng y vậy mà sao không ngon như ở chùa. Thấy ngộ, đến chùa tu học người nhẹ nhàng nên tháng nào tôi cũng ráng sắp xếp để đi, tôi bỏ việc làm thêm để đi chùa đó”. Như lời thầy Thiện Long nói, chùa ấm lên là nhờ có Phật tử và người tín tâm như thế. 

“Ở huyện Cần Giờ, để hoằng pháp được cho bà con là điều không dễ, không mấy thuận duyên vì người dân còn nhiều khó khăn. Ở đây, chiều tối mà người dân, Phật tử đến chùa tụng kinh là trụ trì mừng dữ lắm. Thầy Thiện Long giúp bà con đến chùa tu học ngày một đông, Phật tử đến chùa đều đặn, tham gia các khóa tu là điều chúng tôi thấy rất mừng. Thầy Thiện Long cũng tích cực thực hiện tốt các công tác từ thiện xã hội, chăm lo cuộc sống cho người nghèo, kết nối được Phật tử cùng chung tay. Thầy là gương điển hình, dấn thân về vùng sâu, vùng xa làm công tác Phật sự”, TT.Thích Giác Huệ, Trưởng BTS Phật giáo huyện Cần Giờ cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày