Đôi điều trăn trở…

Giác Ngộ - Trong tinh thần Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN (1981-2011), HT.Thích Nhật Quang - UV HĐTS GHPGVN, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS THPG TP.HCM đã có những chia sẻ chân thành, cũng là những trăn trở của một người làm việc nhiều năm trong Giáo hội, THPG qua việc tiếp xúc và lắng nghe nhiều nỗi niềm, mong ước của các Ban Đại diện cũng như của Tăng Ni, Phật tử…

htnhatquang.jpg

HT.Thích Nhật Quang - Ảnh: C.Th

Còn đó những ưu tư

Thành tựu đạt được, có lẽ những ai quan tâm tới Phật giáo thì đều thấy rõ nhiều sự đóng góp tích cực và mang tính xứng tầm của đạo Phật - tôn giáo luôn đồng hành với dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm. Nhất là kể từ khi thống nhất Phật giáo, các tổ chức, hệ phái cùng quy tụ trong ngôi nhà chung GHPGVN thì các công tác Phật sự như: Tăng sự, giáo dục, hoằng pháp đến công tác từ thiện xã hội… đã có nhiều kết quả khả quan nhờ sự phối kết với lãnh đạo, các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích. Có thể nói, THPG TP.HCM là một trong những đơn vị đi đầu trong mọi hoạt động Phật sự.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những “vấn đề trăn trở” mà Giáo hội nhận thấy rất rõ, biết nó tồn tại nhưng không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều. Chẳng hạn như việc quản lý Tăng Ni sinh còn lỏng lẻo, để xảy ra chuyện này, chuyện kia không hay lắm, đã được báo chí phản ánh, dư luận băn khoăn. 

Hay trong công tác phối hợp với chính quyền giải quyết những vấn đề nhạy cảm, mang tính cách phương hại đến hình ảnh Tăng đoàn như nạn sư giả; sử dụng hình ảnh của Đức Phật thiếu sự tôn nghiêm trong việc làm thương hiệu, đặt tên quán xá, kinh doanh… Sự quan tâm và chỉ đạo giải quyết vấn đề từ phía Giáo hội vẫn còn ở mức cầm chừng, mang tính khuyến cáo và chưa quyết liệt.

Nguyên nhân chính là còn vướng về mặt thủ tục pháp lý, giáo quyền của Phật giáo vẫn chưa định vị một cách thực thụ. Ví dụ như công tác quản lý Tăng Ni sinh không được phép cư trú ở nhà cư sĩ, nhà trọ. Khi làm việc với bên công an phụ trách an ninh thì họ nói sẽ hợp tác cùng làm, nhưng thực tế thì họ lại bảo “Quyền cư trú hợp pháp của Tăng Ni như công dân bình thường” nên Tăng Ni xin trọ ở ngoài thì công an cũng phải chấp nhận. Không có lý nào không cấp giấy tạm trú, tạm vắng cho Tăng Ni ở trọ bên ngoài vì họ không vi phạm pháp luật nhà nước hiện hành. 

Như vậy, so với quy chế của Ban Tăng sự đưa ra là “Tăng Ni không được phép trọ ở ngoài”, vô hình trung đã không thể thực thi rốt ráo trong trường hợp nêu trên. Song, nói đi thì cũng nói lại, nhiều vị thầy độ chúng với trách nhiệm dạy dỗ còn bỏ ngỏ, thiếu sự quan tâm, cứ cho đệ tử đi học rồi để họ tự xoay xở trong điều kiện quá khó khăn về nhiều mặt, đồng thời có quá nhiều “cám dỗ thế gian” nên tránh sao không khỏi có những hệ lụy tiêu cực tất yếu.

wsu1gia.jpg

Nạn sư giả giải quyết còn lúng túng!

Giải pháp tình thế cho vấn đề này, sắp tới đây THPG TP.HCM chỉ đạo Ban Tăng sự hợp tác với các cơ quan chức năng đồng loạt rà soát, thống kê và khuyến cáo Tăng Ni trẻ phải ý thức được sự tự giác trong việc nghiêm túc chấp hành việc cư trú hợp pháp tại các cơ sở tự viện trực thuộc Giáo hội.

Bên cạnh đó, mô hình sinh hoạt người trẻ đi chùa tu học Phật pháp cũng còn bỏ ngỏ. Có thể nói, đây là hình ảnh tuổi trẻ Phật giáo của thanh thiếu niên Phật tử hoạt động khá thành công ở miền Bắc. Tại TP.HCM, các câu lạc bộ Phật tử nơi các chùa cũng đã và đang hình thành theo nhu cầu tất yếu của Phật giáo trong 2 năm nay. 

Sắp tới đây, Thành hội Phật giáo sẽ chỉ đạo Ban Hướng dẫn Phật tử TP cần quan tâm và hỗ trợ cho các CLB Phật tử tu học với 3 cấp độ: Thanh, thiếu, nhi sinh hoạt ổn định và tùy thuận theo nhu cầu hợp pháp của từng đơn vị cơ sở. Vì là mô hình mới thử nghiệm sinh hoạt cho người trẻ tu học sẽ còn gặp nhiều điều vướng mắc từ danh xưng, đồng phục… nhưng cũng nên khuyến khích và tạo sự hài hòa hơn là áp dụng một cách máy móc những điều khoản theo quy chế làm mất đi sự đoàn kết.

Nhiều cái chưa nhất quán, lúng túng!

Như tôi nói ở trên, vai trò của các Ban Đại diện Phật giáo thật sự vẫn làm chưa hết trách nhiệm. Hoạt động Phật giáo trong từng địa phương cũng chưa đồng nhất, giữa nơi này, nơi kia mỗi nơi làm một kiểu nên dẫn đến nhiều hiểu nhầm và ngộ nhận. Không phải Thành hội Phật giáo không có hướng dẫn cụ thể, mà các ban chuyên ngành tại địa phương không có sự phối hợp chặt chẽ.

Nhiều vấn đề khi vào thực tế rồi mới thấy lạ, như chuyện cấp khuôn dấu tròn mà THPG TP.HCM đã làm trong thời gian qua. Theo quy định, để đổi khuôn dấu mới thì chùa đó phải có giấy bổ nhiệm trụ trì, bổn tự được địa phương xác nhận hợp pháp, không có sự tranh chấp. Song, có những chùa như chùa Vạn Đức (Thủ Đức), Việt Nam Quốc Tự (Q.10), chùa Xá Lợi (Q.3)… vẫn chưa có khuôn dấu vì lý do không có giấy bổ nhiệm trụ trì là điều khó tin. 

Lẽ ra, với những trường hợp như thế này thì phải tạo điều kiện ưu tiên để cấp khuôn dấu bởi những vị viện chủ, trụ trì tiền nhiệm và đương nhiệm ở những tự viện ấy là những người đã góp phần tích cực trong việc khai sinh ra Giáo hội đương đại. Họ đã quản lý tự viện ấy trước khi GHPGVN được thành lập hơn 30 năm thì làm gì có quyết định bổ nhiệm trụ trì theo Hiến chương Giáo hội hiện hành? Do đó, tôi mong thời gian tới đây mọi công tác Giáo hội được thẩm xét trên cả hai mặt tình và lý để có sự suôn sẻ và hài hòa.

“Đối với Giáo hội, tôi mong muốn rằng tương lai có nhiều tài năng trẻ sẽ ra sức đóng góp, phụng sự để Phật giáo Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời đại mới. Quý Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội rất sẵn lòng giao lại những trọng trách cho thế hệ trẻ, nhưng cũng đòi hỏi ở Tăng Ni thế hệ kế thừa có đủ đạo đức phẩm hạnh và nhiệt tâm tinh cần trong việc quản lý Giáo hội. Ngoài tinh thần phục vụ và năng lực làm việc, họ cần phải biết tôn kính bậc trưởng thượng, nghiêm túc thực hiện đúng chủ trương và đường lối của Giáo hội. Họ phải bắt đầu trải nghiệm từ những việc được Giáo hội giao phó trong các công tác: Giảng sư đoàn Ban Hoằng pháp, giảng dạy ở các trường Phật học, cơ cấu làm việc ở các ngành hướng dẫn Phật tử, văn hóa, nghi lễ, từ thiện xã hội trực thuộc Ban Đại diện… Quý vị Tăng Ni trẻ hãy thể hiện mình từ những môi trường đào tạo đó!” 
HT.Thích Nhật Quang

HT.Thích Nhật Quang

(Chúc Thiệu ghi)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.

Thông tin hàng ngày