Đom đóm và ngôi sao

GN - Trong di huấn mà Trưởng lão Hòa thượng Trí Quang để lại, Thầy chúng ta dặn tụng một trong sáu kinh sám ở mỗi buổi lễ sau khi Thầy mất, trong đó có "Thủy sám". Tôi chưa hề mở "Thủy sám" vì nghĩ mình sức vóc đâu mà đọc, nhưng thoắt nghĩ ngay đến "Thủy sám" khi thấy hình chiếc sọ trắng của Thầy sau khi thiêu.

tTQ 45x60.jpg
Trưởng lão HT.Thích Trí Quang

Trái tim của ngài Quảng Đức, chiếc sọ trắng của Thầy chúng ta... cái gì làm lửa không thiêu cháy được? Tôi không thể cắt nghĩa bằng khoa học, cũng chẳng có ai dám cho là ngẫu nhiên; tôi chỉ có thể tự cắt nghĩa hiện tượng linh thiêng ấy bằng cái gì cụ thể mà tôi biết nơi Thầy: đó là đức tin cao ngất và giới hạnh trong suốt của một bậc cao tăng hiếm có trong lịch sử hiện đại. Ai ở gần Thầy đều biết đức tin vững như núi của Thầy. Thầy “đội Đức Phật trên đầu mà đi”. Thầy đã đem đức tin ấy sống với đời, Thầy đã đem đức tin ấy chết với lửa: hóa ra lửa biết rõ Thầy hơn người đời. Lửa dường như muốn chứng tỏ với người đời rằng chỉ với đức tin mà thôi Thầy đã đem tay không để chống lại bạo lực, đã không ngại đi vào chỗ chết để bảo vệ sự sống. Đức tin ấy, lửa không đốt cháy là để chứng thực.

Nhưng lửa không đốt cháy còn vì một giải thích nữa mà tôi cảm thấy - thấy như cảm ứng - trong “Thủy sám”. Sám, như ai cũng biết, là sám hối. Nhưng “Thủy sám” thì ít ai biết. Tại sao lại có nước ở đây? Bây giờ tôi mới vỡ lẽ: nước ở đây là nước từ bi. Hóa ra những gì Thầy viết về từ bi từ lúc mới tu và đem lòng dạ dặn dò từ bi và vô úy như hai đức tính phải kiên trì trong mùa pháp nạn, không phải chỉ nằm trong kinh mà còn sáng chói trong sám. Xét lại mình mỗi ngày và rửa sạch tâm ý mỗi ngày với nước từ bi, ôi, lửa nào thiêu được nước ấy trong đầu? “Thủy sám” mở đầu bằng một bài tựa kể lại một chuyện đạo mà chỉ cần đọc là thấy bóng dáng của Thầy và hiểu tại sao lại có nước ở đây. Xin trích bài tựa với văn dịch của Thầy:

“Xưa kia, đời Đường, triều vua Ý Tông, có ngài Ngộ Đạt quốc sư. Khi chưa là quốc sư, tại kinh đô, tình cờ ngài gặp một Tăng nhân, nhưng quên hỏi chỗ ở của vị này. Vị này bị bịnh ca ma la. Ai cũng gớm, chỉ ngài Ngộ Đạt gần gũi, luôn luôn thăm hỏi săn sóc, chưa bao giờ có một vẻ ghê chán. Vì vậy, khi chia tay, vị ấy cảm cái nghĩa và tác phong của ngài, dặn rằng, sau này ngài sẽ bị nạn, lúc đó hãy tìm nhau tại núi Trà Lũng ở Bành Thành, thuộc Tây Thục, chỗ có hai cây tùng làm dấu.

Sau đó, ngài Ngộ Đạt đến chùa An Quốc, đạo đức rực rỡ. Ý Tông thân hành đến pháp tịch của ngài, ban pháp tọa bằng gỗ trầm hương và cung phụng rất hậu. Nhưng cũng từ đó, đầu gối của ngài tự nhiên mọc cái mụt “mặt người”, mắt mày răng miệng đủ cả, thỉnh thoảng đút cho đồ ăn thức uống thì cũng há miệng nuốt như người vậy. Danh y mời đủ cả mà ai cũng bó tay.

Ngài nhớ lại lời dặn của vị Tăng nhân ở chung ngày trước, nên vào núi tìm. Nhằm lúc trời đã chiều tối, ngài bàng hoàng nhìn khắp bốn phía, thấy hai cây tùng ở trong chỗ mây khói. Tin lời ước hẹn là đúng, ngài bước ngay đến chỗ ấy. Thì là lầu cao, điện lớn, ánh sáng vàng và ngọc giao xen với nhau. Vị Tăng nhân đã đứng đầu cửa, đón tiếp niềm nở, và mời ngài ngủ lại. Ngài đem cái khổ của mình nói với Tăng nhân thì vị này bảo không hại gì, dưới núi này có một con suối, sáng ngày xuống rửa là khỏi.

Sáng sớm, đạo đồng dẫn ngài xuống suối, mới vốc nước, mụt ghẻ mặt người đã kêu lớn lên, khoan rửa đã, ngài là kẻ biết nhiều, hiểu rộng, đọc hết cổ kim, vậy mà ngài đã đọc cái chuyện Viên Án với Triệu Thố trong Tây Hán thư chưa? Đọc rồi, ngài Ngộ Đạt trả lời. Cái mụt lại bảo, đọc rồi mà ngài không biết Viên Án đã giết Triệu Thố sao? Ngài là Viên Án, còn Triệu Thố là tôi đây. Triệu Thố bị chém ngang lưng ở chợ phía Đông, oan khốc đến mức nào. Nên bao đời tôi đã tìm cách báo ngài. Nhưng ngài mười đời đều làm cao tăng, giới luật nghiêm tịnh, sự báo oán của tôi không có cơ hội. Nay ngài hưởng sự đãi ngộ của vua chúa quá xa xỉ, lòng danh lợi mống lên, cái đức có phần thương tổn, tôi mới hại ngài được. Ngày nay, mong ơn Tôn giả Ca-nặc rửa cho tôi bằng nước “từ bi tam muội”, từ nay sắp đi, tôi không còn là kẻ oan gia của ngài nữa.

Ngộ Đạt quốc sư nghe mà cơ hồ hồn phách thoát khỏi cơ thể, luôn tay vốc nước mà rửa, đau thấu xương tủy, ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Coi lại thì mụt ghẻ mặt người đã không còn nữa. Ngộ Đạt quốc sư mới biết các vị hiền thánh xen lẫn dấu vết trong dân gian là điều mà người phàm khó lường biết nổi. Muốn trở lại chiêm bái, nhưng ngoái nhìn thì tự viện đã không còn. Vì vậy, Ngộ Đạt quốc sư mới dựng thảo am ngay nơi chỗ ấy, và sau này thành một tự viện.

Tống triều ta đây, niên hiệu Chí Đạo, sắc tứ là Chí Đức thiền tự, có vị cao tăng tên Tín, húy Cổ, viết bài ký sự ghi lại việc này rất rõ... Đem nước từ bi tam muội rửa sạch oan nghiệp nhiều kiếp, lấy ý nghĩa đó để mệnh danh Thủy sám”.

“Thủy sám” dài ba cuốn, tụng nguyên cả buổi. Sám hối cho đến tận cùng, rốt ráo, từ sám hối phiền não, ác nghiệp cho đến khổ báo, kể ra không hết. Cũng như kể ra không hết những ác nghiệp mà người thường chúng ta mắc phải hàng ngày, ngạo mạn, tự thị, tàn nhẫn, buôn lường, phóng túng, mê tín, giận dữ, tham lẫn, ngu tối... mười thứ ác nghiệp, tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. Phải rửa bằng nước và rửa cho sạch. Rửa như thế, trời đất, một ông thầy tu làm sao đi vào mê hồn trận của chính trị mưu xảo được! Làm chiến lược gia là bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng trước pháp nạn, trước nạn chiến tranh, trước sự thúc bách của tình thế, trước bàn tay chắp lại nguyện cầu của lòng người, Thầy của chúng ta không làm chính trị, Thầy chỉ tự vấn lòng mình. Và tất nhiên, trong hành động, bao nhiêu là phiền não, ông thầy tu lãnh hết, vì chỉ có “Thủy sám” là hiểu lòng ông.

Tụng “Thủy sám”, vì vậy, thấy rợn người, vì làm một ông thầy tu là quá khó, là cao tột, là người vượt trên người. Tụng để nhớ vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông: các ngài có hề nghĩ làm vua là cao tột đâu, chí nguyện của các ngài là làm ông thầy tu!

Trở về với nước trong bài tựa. Ngộ Đạt quốc sư là một bậc cao tăng, giới luật nghiêm tịnh, đạo hạnh rực rỡ, không phải chỉ trong đời này mà cả mười đời trước. Thầy của chúng ta cũng vậy, biết đâu mười đời trước Thầy đã là Thầy như ngày nay. Nhưng đừng tưởng đời này mình sạch trơn bụi trần, không oan nghiệp nào báo nổi. Thầy của chúng tôi tin ở nghiệp, tin như hòn đá tin vào núi, đến mức có lần Thầy dạy tôi: đạo Phật không duy tâm, cũng không duy vật, đạo Phật là duy nghiệp. Cho nên hãy học bài học của Ngộ Đạt, chỉ vì một chút ân sủng của vua là đủ dính bụi trần để oan nghiệp mười đời trước bám vào đó mà báo. Cho nên chỗ triều đình là chỗ đáng sợ nhất, Thầy tránh như tránh hủi, cửa đóng then gài, giang sơn một giường, một bàn, một tượng Phật, xe ngựa có đến cũng đứng ngoài ngõ. Cái gương Ngộ Đạt còn đó, Thầy tụng “Thủy sám” không phải chỉ cho đời này mà cho cả mười đời trước, cho cả mười đời sau: nhân quả đâu phải chỉ dừng ở kiếp này.

Nhưng đừng tưởng nghiệp chỉ có ác. Đừng nghĩ như thế mà sợ. Nghiệp cho ta dũng mãnh. Nghiệp cho ta vô úy. Với tâm từ bi, hãy vô úy mà tạo thiện nghiệp. Thiện nghiệp là nước. Nước ấy rửa sạch ác nghiệp. Cho nên, nghĩ đến trăm ngày sắp đến của Thầy, chắc chắn không gì làm Thầy bằng lòng hơn là chúng ta cùng tụng mấy câu hồi hướng của “Thủy sám”: 

Bao nhiêu thiện căn
do chúng con làm
bao gồm pháp hạnh
sám hối hôm nay
đều đem hồi hướng
hết thảy chúng sinh
nguyện cầu pháp giới
hết thảy chúng sinh
cùng được vãng sinh

thế giới Cực lạc.

Hết thảy, thân cũng như thù, “Thủy sám” dạy thế. Hết thảy, không phân biệt, bình đẳng trước nước từ bi.

HT Tri Quang.jpg

Thủ bút của Trưởng lão HT.Thích Trí Quang

*

Tôi tuân thủ lời Thầy dặn, đáng lẽ không viết gì thêm nữa về Thầy. Chỉ vì một bài báo trong Washington Post (14-11-2019) viết về Thầy sau khi Thầy mất vài hôm mà tôi có vài lời này để cám ơn và để nói lên một chút tiếc. Cám ơn, vì tôi biết tác giả viết với thiện ý, muốn nhắc nhở một nhân vật mà báo Time đã có thời đưa ảnh lên bìa, xem Thầy như một nhân vật làm rúng động nước Mỹ. Một chút tiếc, tiếc như một người bạn nói với một người bạn, khi đọc câu kết luận về Thầy mà tác giả lấy lại từ báo Time: “He rose with the sun, spending a third of his waking day in prayer, a third in activity, a third in contemplation of his mistakes”. (“Ông thức dậy với mặt trời, dùng một phần ba ngày để cầu nguyện, một phần ba ngày để làm việc, một phần ba ngày để chiêm nghiệm về những lỗi lầm”).

Tiếc quá, ý của các bạn Mỹ là ám chỉ những lỗi lầm chính trị mà người Mỹ gán cho Thầy. Tôi miễn bàn về lỗi phải, chỉ muốn nói rằng các bạn không hiểu chữ “sám”. Từ “mistakes” đến “sám”, ôi, cách xa nhau ngàn vạn dặm! “Sám” là hành động của một ông thầy tu vươn đến Phật. “Mistakes” là chuyện của người đời, một bên ở dưới đất, một bên ở tít tầng mây. Không hiểu văn hóa của nhau, làm sao hiểu được “ông Trí Quang muốn gì?” như dấu hỏi to tướng mà báo Mỹ từng đưa ra?

Tửu phùng tri kỷ tam bôi thiểu

Thoại bất đầu cơ bán cú đa.

Uống rượu mà gặp tri kỷ thì ba chén còn ít. Nói chuyện mà không trúng ý thì nửa chữ cũng nhiều. Nửa chữ “sám” mà đã trật đường rầy rớt xuống “mistakes” rồi, thì “chiến tranh”, “chủ nghĩa”, “cộng sản”, “cộng hòa” vân vân, thôi thôi, nói thêm làm chi cho nặng thêm phiền não.

Chỉ có chuyện im lặng của Thầy là đáng nói nhân đọc “Thủy sám” và chỉ cần đọc “Thủy sám” là hiểu. Sám là rửa sạch phiền não. Mà làm chính trị là rước phiền não vào mình, dù làm tốt hay làm xấu. Đã làm ông thầy tu thì phải lựa chọn: giải thoát hay phiền não. Nhưng ông thầy tu mang cái hạnh Bồ-tát thì phải gánh phiền não của xã hội trên vai. Thầy đã gánh cái khổ của Phật giáo khi bị bức hại. Ai dám nói Thầy không gánh cái khổ của Phật giáo hiện nay khi đóng cửa dịch kinh? Nhưng mỗi thời có một cái khổ khác nhau, ông thầy tu này không đưa cái vai ra để gánh thế cho người khác cái khổ chính trị vốn không phải là lĩnh vực của ông. Ông gánh cái khổ hiện nay bằng cách đem cái thân ông ra, nửa đời của ông ra, để thể hiện một chữ trong kinh, một chữ trong sám, một chữ thôi, nhưng là tinh túy của sám, nhưng là linh dược của thời đại hỗn tạp bát nháo này: chữ “không”. Tận cùng của sám là “không”. “Tội tiêu, tâm sám, thảy đều không”. Hãy chiêm nghiệm chữ “không” với xá-lợi và trong di huấn của Thầy để hiểu Thầy.

Ôi chao, người bạn Mỹ của tôi đã lầm rồi: từ “mistakes” đến “sám”, cách xa nhau nào khác gì giữa con đom đóm với ngôi sao!

Tụng "Thủy sám", vì vậy, thấy rợn người, vì làm một ông thầy tu là quá khó, là cao tột, là người vượt trên người. Tụng để nhớ vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông: các ngài có hề nghĩ làm vua là cao tột đâu, chí nguyện của các ngài là làm ông thầy tu!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có sự hộ niệm của chư Tăng Ni và Phật tử để trợ duyên cho hương linh là rất tốt

Khi người thân mất có cần mời ban hộ niệm?

GNO - Khi người thân mất, có cần mời ban hộ niệm không? Có vị nói người chết trong vòng ba ngày thì không được thiêu (hỏa táng) có đúng không? Tôi có một khoảnh đất nhỏ trong nghĩa trang dòng họ, tôi định xây một nhà mồ, thiêu xong thì tro cốt đều thờ chung trong nhà ấy được không? Có cần coi ngày không?

Thông tin hàng ngày