GN - Khi tuổi còn nhỏ, bản thân đã trải qua nhiều vất vả trong cuộc sống cùng với gia đình, vậy nên khi chứng kiến những thiếu thốn, bất hạnh của bệnh nhân, SC.Thích nữ Chúc Phúc có sự đồng cảm sâu sắc. Từ hiểu đến thương, suốt 8 năm qua, sư cô cùng các Phật tử luôn đồng hành với những người khốn khổ…
Từ những suất cơm ấm lòng
8 năm qua, cứ đúng 8g sáng ngày thứ Tư hàng tuần, Niệm Phật đường Phước Huệ (tọa lạc trên con hẻm nhỏ 207/12 đường Trần Bình Trọng, phường 3, quận 5, TP.HCM) lại rộn ràng tiếng nói cười của bà con, Phật tử. SC.Chúc Phúc cùng với tình nguyện viên chuẩn bị thức ăn để ngày hôm sau chia sẻ với người nhà bệnh nhân khó khăn. Để hoàn tất 1.200 phần cơm chay đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân và thân nhân của họ, trong một ngày, khoảng 10 người cùng nhau thực hiện các công đoạn sơ chế nguyên liệu. Khi việc đã đâu vào đó, mọi người về nhà thì cũng là lúc trời chập choạng tối.
Ngoài tặng cơm chay, SC.Chúc Phúc còn hỗ trợ tiền mặt cho những hoàn cảnh ngặt nghèo
Vậy đó, mà ngày hôm sau, 4g sáng họ lại có mặt để hoàn tất các khâu còn lại. Cô Lan cho biết: “Hai vợ chồng tôi ở trọ tại quận 7, đến ngày nấu cơm là chồng xin nghỉ làm hồ, tôi xin nghỉ giúp việc nhà một bữa để đến chùa phụ sư cô. Chúng tôi làm có đổ mồ hôi nhưng mà vui lắm, mình hạnh phúc vì mình nghèo nhưng cũng có thể làm được việc thiện”.
Đúng 10g30, những suất cơm nóng hổi có mặt tại hai trong số các Bệnh viện Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, 115, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Chấn Thương Chỉnh Hình để tặng cho bà con. Mặc dù phiếu phát cơm ghi 10g30 phút nhưng khoảng 10g15 đã có người ra trước cổng bệnh viện đứng chờ.
Cầm phần cơm trên tay, một bác nuôi người nhà ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Cơm sư cô nấu rất ngon, nhận phần cơm thế này vào buổi trưa quý lắm, đỡ cữ cơm mua tiệm là tiết kiệm được chút tiền cho cháu. Có khi muốn xin hai phần để chiều ăn nhưng không dám vì còn nhiều người khó như mình cũng muốn có cơm ăn”. Chưa đầy 45 phút, các phần được tặng hết. Vài người không có phiếu, đến sau hết cơm, sư cô lì xì tiền để họ mua cơm, như sự chia sẻ ấm tình người trong lúc khó khăn.
Chính vì một phần cơm có giá trị về dinh dưỡng cũng như tinh thần nên đi chợ đầu mối ai cho gì sư cô cũng nhận. Dù chỉ là một bó rau, một ký cà chua, đó cũng là lý do vì sao tuần nào sư cô cũng tặng cơm, số lượng chỉ có thể tăng chứ không giảm. Đặc biệt là trong những ngày Tết suốt 8 năm liền, cơm được trao tặng đều ở 6 bệnh viện. “Tôi tặng thêm được một phần cơm nghĩa là thêm một người được ấm bụng. Mỗi một nơi, sư cô tặng trung bình 600 phần, có khi phát nhiều hơn. Hễ được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ thì chùa nấu nhiều hơn. Cứ mỗi lần thấy bà con hối hả chạy ra nhận cơm, rồi nghe bà con nói phải chi ngày nào cũng có cơm của sư cô đỡ cho tụi con biết mấy. Lúc đó, chúng tôi chỉ ước làm sao có thêm kinh phí để nấu cơm tặng mỗi ngày, có nấu cực mấy cũng chịu...”.
Mặc dù mỗi tuần, sư cô tặng cơm một lần và xoay đều ở các bệnh viện nên số lần người nhận cơm lặp lại không nhiều. Thế nhưng, có những trường hợp người nhà điều trị bệnh thời gian dài, họ ăn cơm rồi trở nên thân quen, gắn bó với công việc của sư cô. Sáng thứ Năm tặng cơm là thứ Tư có người điện hỏi có tặng phiếu không, để họ phát dùm. Rồi khi cơm đến, họ nhín thời gian chạy xuống sân bệnh viện cùng mọi người tặng suất cơm cho thân nhân người bệnh, xong việc, họ mới nhận phần cơm của họ. Anh Trực, nuôi con ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Lúc con bệnh, hai vợ chồng không có tiền, tinh thần suy sụp. May mắn là tôi gặp được sư cô trong lúc sư cô tặng cơm từ thiện, nhờ đó mà con tôi có tiền cứu chữa. Không biết làm sao để cảm ơn, những ngày sư cô tặng cơm là em đều chạy xuống phụ”.
… đến những chuyến xe nghĩa tình xuyên đêm
Ở các bệnh viện trên, người nghèo khó không chỉ nhận được những phiếu tặng cơm của sư cô mà còn nhận được những chiếc card ghi số điện thoại của xe cứu thương miễn phí. “Chuyến xe này ra đời sau một lần đi tặng cơm cho bệnh nhân, chứng kiến hoàn cảnh một gia đình khó khăn không tiền chuyển thi thể về quê an táng. Đúng vào dịp Tết năm 2015, nhà xe hét giá đến cả chục triệu, lúc đó cô trò nói với nhau phải chi có chiếc xe cứu thương thì đỡ cho người nghèo biết bao. Về đến chùa, sau mỗi thời kinh, tôi đều hồi hướng, nguyện chư Phật gia hộ. Rồi như ước nguyện, vài tháng sau, chúng tôi đã mua được chiếc xe giá rẻ phục vụ cho bà con”, SC.Chúc Phúc chia sẻ.
Mỗi ngày, xe từ thiện di chuyển trung bình 18 tiếng. Mặc dù nơi đến là các tỉnh gần như: Đồng Nai, Tiền Giang hay xa tận Cà Mau, Bạc Liêu, Tây Nguyên, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, chỉ cần xe trống là sư cô nhận lời người nhà bệnh nhân, dù ngày hay đêm. Trên tinh thần giúp bệnh nhân như giúp chính người thân của mình, nghe sư cô nói có bệnh nhân cần chở về quê là anh Cường - tài xế vui vẻ đi liền. Gia đình anh Cường cũng khó khăn, với số tiền sư cô hỗ trợ mỗi tháng 7 triệu, phải gói ghém lắm mới xoay xở đủ nhưng chưa bao giờ anh phàn nàn.
Hỏi anh vì sao gắn bó với sư cô, trong khi đó nếu đi làm bên ngoài, số tiền nhiều hơn? Nhoẻn miệng cười, anh bảo: “Vì thấy thương, khi mình chở một bệnh nhân nghèo về nhà, họ mừng lắm. Cảm giác giúp được một người thật sự cần mình, mình thấy ấm lòng. Có đi mới biết nhiều hoàn cảnh rất khổ, đôi khi thấy cầm lòng không đặng, rớt nước mắt. Chứng kiến những cảnh đó rồi thì tiền bạc đôi khi không còn quan trọng nữa, miễn sao đủ để trang trải cuộc sống là được”.
Mỗi tháng, số tiền dành cho nấu cơm từ thiện khoảng 30 triệu đồng, tiền dành cho xe cứu thương cũng tương đương. Để có số tiền đó, SC.TN Chúc Phúc cùng huynh đệ mỗi người một tay, mạnh thường quân cùng chung tay đóng góp vào quỹ. Có những tháng, xe cứu thương chạy liên tục, không thể nào từ chối với người nghèo khổ, sư cô phải nhờ thêm bác tài bên ngoài chở bệnh nhân giúp. Chi phí độn lên, âm vào quỹ, những lúc đó, người dân sống trong khu phố mở rộng lòng từ, ứng giúp tiền để bác tài đổ xăng. Nhiều khi chật vật vậy đó nhưng chưa bao giờ mọi người từ chối bệnh nhân nghèo. Từ thầy đến trò đều quan niệm rằng: “Nhìn thấy bà con với ánh mắt vui mừng khi được giúp đỡ là tự nhủ bản thân cố lên”.
Tiếp xúc với SC.Chúc Phúc và những người chung việc thiện nguyện, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng. Nhưng dù bản thân có khó khăn, họ vẫn góp một phần công sức có thể, để san sẻ với người kém may mắn hơn.
Việc làm xuất phát từ tình thương chân thành của mọi người đã đem đến biết bao niềm vui cho người khốn khó nhưng họ khiêm tốn bảo rằng: “Chúng tôi đang bòn phước, chẳng dám nghĩ mình đang làm chuyện gì lớn lao”. Trong thời buổi nhiều người còn chạy theo vật chất thì những người biết nghĩ, biết chia sẻ, sống vì người khác với tất cả tấm lòng như thế này rất xứng đáng được tôn vinh, trân trọng.