Dự án âm nhạc gây quỹ mang “tinh thần aloha”

GNO - Những lời dạy của Đức Dalai Lama được lồng ghép trong một sản phẩm âm nhạc có tên là Himalayan Sessions (tạm dịch là Những mảng ghép Hy Mã Lạp Sơn) để gây quỹ, giúp đỡ trẻ em nghèo ở các quốc gia đang phát triển - thông tin từ The Buddhist Door.

Album nhạc này gồm những tác phẩm của các nhạc sĩ ở Bhutan, Nepal và Tây Tạng cùng các phát biểu trí tuệ của Đức Dalai Lama được ghi lại tại Dharamsala, bắc Ấn Độ.

tang dan ukulele cho tre em ngheo.png

Các em nhỏ hoan hỷ với món quà tinh thần thú vị và ý nghĩa từ dự án

Trong album có tất cả 10 bản thu âm, được thực hiện bởi nhà làm phim nổi tiếng Tom Vendetti. Đây sự kết hợp những sáng tác đương đại của các biểu tượng âm nhạc thế giới như tác phẩm của người chơi sáo Paul Horn (1930 - 2014), cựu thành viên ban nhạc New Age; người sáng tác nhạc Christopher Hedge từng đoạt giải thưởng âm nhạc danh giá Emmy và nhạc công truyền thống Haiwaii Keola Beamer.

Các đóng góp bằng lời của Đức Dalai Lama tập trung trong 4 bản thu có tên là “Quán chiếu” (Reflections), “Lời cầu nguyện sớm mai” (Morning Prayer), “Hộ pháp” (Preserving Dharma) và “Hòa hợp tự trị” (Autonomous Harmony).

Tất cả tiền thu được từ việc phát hành album này sẽ dùng để gây quỹ cho nhóm Aloha Music Camp, trao tặng nhạc cụ là đàn ukulele đến trẻ em ở các quốc gia đang phát triển.

Ý tưởng của dự án này bắt đầu từ cuộc đối thoại với Beamer vài năm trước đây và tinh thần của dự án chính là lan tỏa ý niệm “aloha” đến khắp thế giới này. Dự án cũng sẽ trao tặng đàn ukulele cho các trẻ có hoàn cảnh khó khăn. 100% số tiền thu được từ album sẽ dành cho chương trình này - chia sẻ của Vendetti trong thông báo về album, theo Rock Paper Scissors.

Trong văn hóa Haiwaii - quê hương của Vendetti,“aloha” không có sự biểu đạt tương ứng trong tiếng Anh nhưng có thể được diễn đạt tốt nhất bằng từ “yêu thương”.

Nét tương đồng giữa Phật giáo và “tinh thần aloha” của người Hawaii

Với người dân bản địa Hawaii, aloha không thiên về ý niệm mang tính triết lý nhưng gần gũi hơn - đó là lối sống, người mong muốn được sống cuộc đời trong yêu thương, lan tỏa yêu thương, gắn kết với cộng đồng, làm điều tốt đẹp và xây dựng cuộc sống trong tình thương nhân loại.

Album này là sự nhóm tập các tác phẩm âm nhạc đã được thu trước đây, từ năm 1991 và các bản soundtrack trong các phim tài liệu của Vendetti như: Hành trình Tây Tạng (Journey Inside Tibet), Đỉnh Kailash - Trở lại Tây Tạng (Mount Kailash - Return to Tibet), Kẻ tàn phá ảo tưởng Tây Tạng (Tibetan Illusion Destroyer), Tiếng gọi của non cao: Nepal, Tây Tạng & Bhutan (When the Mountain Calls: Nepal, Tibet & Bhutan) và bộ phim đoạt giải thưởng Emmy - Bhutan: Hạnh phúc trên con đường Trung đạo (Bhutan: Taking The Middle Path To Happiness) cùng nhiều bản nhạc được gợi cảm hứng từ tâm linh, sự đấu tranh và tình yêu thương của con người, văn hóa Tây Tạng.


Các nhà sản xuất dự án này nhìn thấy sự tương đồng trong những lời dạy của Đức Phật và lối sống của người Hawaii được biểu đạt qua “tinh thần aloha”.

“Trong các gia đình của người Hawaii, ý niệm aloha được truyền qua các thế hệ. Gia đình tôi có nguồn gốc từ thế kỷ 13 ở Hawaii. Và tinh thần aloha tiềm tàng bên trong gia đình tôi và cũng hiện diện trên toàn thế giới này.

Có lẽ điều này xuất phát từ nhận thức rằng Hawaii là vùng đất xa xôi; tổ tiên chúng tôi nhận thấy đây là vùng đất xinh đẹp và quý báu. Chúng tôi có tinh thần aloha - sự yêu thương dành cho môi trường và nỗ lực bảo vệ môi trường bằng tất cả khả năng của mình.

Tuy vậy, vẫn có nhiều thách thức khi Haiwaii chịu không ít ảnh hưởng của phương Tây, dù phát triển hơn nhưng người dân bản địa cũng chịu nhiều căng thẳng hơn.
Và thật khó để tất cả mọi người sống với nhau trong tinh thần aloha trước thách thức trong từng phương diện của cuộc sống như hiện nay - Vendetti nói với Rock Paper Scissors.

Từ một ký ức tuổi thơ nghèo khó nhưng tươi đẹp, đầy yêu thương...

Ý tưởng cho dự án âm nhạc này nảy nở khi Beamer đến thăm các cộng đồng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên đất nước Campuchia và chứng kiến sự khốn khó của cuộc sống các em. “Các em thật sự rất rụt rè và bao trùm là một không khí buồn tẻ. Bọn trẻ hầu như chẳng có gì và cuộc sống giống như một trận chiến” - Beamer nói, theo The Maui News.

“Tôi nhớ khi mình và em trai còn bé, nhà chúng tôi không có tiền nhưng mẹ mua cho anh em tôi cây đàn ukulele và cây đàn ukulele mang lại niềm vui cho chúng tôi - vui vẻ tới nỗi tôi quên mất mình đang rất nghèo khó.

Tôi nghĩ nếu chúng tôi nhân rộng trải nghiệm này ra ở Campuchia với bọn trẻ thì có thể sẽ giúp ích được. Vì thế, một năm sau chúng tôi đã mang 40 cây đàn ukulele đến Campuchia cùng với 5 giáo viên dạy đàn ở Haiwaii cùng đến để dạy hợp âm cơ bản và dạy bọn trẻ cách chơi đàn - Beamer chia sẻ vì sao chọn đàn ukulele để tặng cho các trẻ em khó khăn tại Campuchia, The Maui News ghi.

“Sáu tháng sau, chúng tôi bắt đầu nhận được các video từ Campuchia quay cảnh bọn trẻ chơi đàn ukulele vui vẻ tại quảng trường thành phố, trong tiếng vỗ tay của gia đình. Đây thật sự là điều chúng tôi mong muốn” - Beamer vui mừng kể.

Các thành viên của chương trình nhìn thấy sự kết nối nền tảng giữa âm nhạc, sự chữa lành và chuyển hóa tinh thần mà dự án đem lại; mong muốn album này là sự lan tỏa tinh thần yêu thương và thúc đẩy một thế giới hợp nhất, không có sự phân biệt và nỗ lực không ngừng trong khuyến khích đối thoại, nuôi dưỡng sự tôn trọng và dấn thân thông qua các dự án giáo dục, giải trí.

Trần Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày