"Mình là con nhà nghèo"
Đó là câu nói thường trực của Châu Cao Minh, nói để nhắc nhớ quá khứ buồn và cũng là để mở lòng chia sẻ với những phận đời khó khổ quanh mình. Nhắc về tuổi thơ và hoàn cảnh Minh không e ngại, không giấu giếm bởi "mình không chọn được hoàn cảnh, cha mẹ", và do "mình sinh ra vì cái nghiệp" nên dù giàu hay nghèo mình cũng phải vui vẻ, chấp nhận mà sống.
Nhưng, nếu nói không nghĩ gì thì không đúng, bởi "Minh cũng là con người mà". Đó là những tháng ngày không vui vì cơ cực, mẹ bệnh, ba bị mù, Minh phải đi xa nhà từ năm lớp 8, gia nhập CLB Trẻ em đường phố tỉnh Bến Tre (theo chương trình của một tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ). Lớn lên ở mái ấm, thấy những phận đời khác càng đáng thương hơn mình nên "Minh quên hết những buồn tủi của riêng mình". Và thế là phải làm một cái gì đó!
Vốn siêng học, lại có một chút thông minh nên Minh nghĩ ra cách dạy lại cho trẻ đường phố con chữ, dạy cả cách sống sao cho đàng hoàng tử tế, đừng để người ta nghĩ rằng những đứa trẻ đường phố là trẻ hư, bụi đời. Do Minh cũng "cùng hội cùng thuyền" nên nói dễ lọt tai mấy bạn nhỏ ở đó. Rồi tấm gương của Minh nổi lên khi bạn thi đậu hệ cao đẳng của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Rời xa quê, mang theo hình ảnh cha bị mù, anh chị mình không ai được học để… học thay cho người thân và nhiều người khác không có cơ hội tiếp xúc với cái chữ, với trường nghề. Bươn chải tự học và tự sống nơi phố thị Sài Gòn với một chàng trai tỉnh lẻ không dễ, gầy nhom, nhưng được cái ý chí kiên cường. Minh bảo: "Đó là nhờ "thần chú" "Mình là con nhà nghèo". Mình càng nghèo thì càng phải giữ cho sạch, cái nếp của tổ tiên đã dạy làm sao quên được, "nghèo cho sạch, rách cho thơm".
Từ "Bữa cơm tiếp sức" đến "Giúp nhau sinh kế"
Không chỉ giữ cho mình "thơm" bằng cách không làm những chuyện xấu mà Minh còn tìm cách sẻ chia ngay khi còn là cậu sinh viên nghèo. Điểm đầu tiên Minh nghĩ tới chính là những người lang thang, trẻ đường phố giống mình ngày xưa ở Bến Tre. Thế là lên một dự án, xác định thời điểm thực hiện vào ngay dịp Vu lan, dự án ấy Minh đặt tên là "Bữa cơm tiếp sức". Người lang thang và trẻ đường phố thường ăn bờ, ngủ bụi, nên khao khát về một bữa cơm ấm áp tình người, có không khí gia đình. Hiểu được điều đó nên Minh truyền thông với mọi người, đều là sinh viên giống mình, huy động số tiền nho nhỏ rồi đón xe về quê, tổ chức nấu bữa cơm ngon, xin tập hợp những người lang thang, cơ nhỡ, trẻ em, người già bán vé số dạo lại và tặng cho họ bữa ăn ấy. Đến nay, sau bốn lần thực hiện "Bữa cơm tiếp sức", Minh đã kịp truyền đến những người nghèo thông điệp về tình người rằng vẫn còn có những người nghĩ đến quý vị, thông qua một bữa ăn đạm bạc.
Sau khi ra trường, Minh không yên phận với việc tìm kiếm một công ty nào đó để làm, rồi lập thân cho riêng mình, lại lo chuyện bao đồng khi một lần Minh thấy những người mù có nghề massage nhưng khó kiếm việc. Minh bắt đầu nghĩ đến dự án "Giúp nhau sinh kế", hiện thực hóa nó thành cơ sở massage do người mù phục vụ tại Q.Gò Vấp, cơ sở ấy mang tên Đôi tay người mù. Minh chia sẻ: "Thấy người mù làm việc tốt, lại đàng hoàng nên được nhiều vị khách tử tế tới ủng hộ. Cơ sở giờ đã có được gần 10 lao động là người mù tham gia, công việc khá ổn định…". Nói đến đó Minh lại mỉm cười, rạng rỡ nhưng không mãn nguyện bởi "Minh còn tham lắm". Không phải là tham cho mình mà là tham cho người nghèo, mới đây, Minh khoe với người viết rằng: Quán phục vụ gạo lứt muối mè dành cho người ăn dưỡng sinh mới mở ra cũng đông khách lắm. Cũng giúp được một số lao động và đặc biệt là sinh viên nghèo cần chỗ ở, cần việc làm thì đến với chương trình.
Nghe xong, tôi cũng vui, hỏi thêm rằng Minh có làm thêm gì nữa không? Minh lại hồ hởi khoe là dự án "Giúp nhau sinh kế" của Minh còn nhiều "gạch đầu dòng" lắm, làm dần dần, đi từng bước một, từ nhỏ cho đến lớn. Những nhân viên của cơ sở massage và của quán tạp hóa - dưỡng sinh ai cũng có chung một nhận xét về người "anh cả", về "ân nhân" của mình là: Minh hiền, thẳng tính nhưng thương và lo cho anh em lắm. Với Minh, việc đối đãi với mọi người phải "lấy đức phục chúng", nhất là khi Minh còn hướng những nhân viên của mình đến với đời sống tâm linh. Mỗi tối, mỗi sáng phải công phu, niệm Phật hoặc lễ bái. Minh bảo, đó chính là phương pháp để cải thiện nghiệp xấu của mình, và cũng là phương pháp tặng cho cuộc đời niềm vui, sự bình an…