Đưa Phật pháp đến buôn làng

GN - Nằm giữa lưng chừng núi nhìn ra cánh đồng làng, chùa Quảng Trạch (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) hiền hòa đượm thắm tình đạo trong các sinh hoạt đời thường và tâm linh của bà con nơi đây.

Di cư từ tỉnh Quảng Ngãi vào xây dựng kinh tế, những người con miền Trung mang theo nét văn hóa tâm linh lâu đời, đã lập nên một ngôi chùa đơn sơ làm điểm tựa trong cuộc sống nơi vùng đất mới. Và rồi, theo thời gian, cùng với sự phát triển của thiện tâm, ngôi chùa được trùng tu, xây dựng mới. Thể theo nguyện vọng được tu học sâu hơn, quý Phật tử thỉnh ĐĐ.Thích Nhuận Độ về trụ trì năm 2007, để tiếp nối hạt giống thiện lành nơi mảnh đất này.

Phatphapbuonlang (2).jpg

ĐĐ.Thích Nhuận Độ hướng dẫn bà con ngồi thiền, tụng kinh buổi tối tại điểm sinh hoạt buôn Bàng

Và từ nền tảng của những Phật tử mở đất, thầy đã tiếp nối, dành dụm tình thương đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số với những đạo tràng tu học đầy vững chãi, niềm tin trong sáng, thương yêu, lan tỏa đến nhiều người.

Bà con đồng bào xem thầy như cha mẹ

Khi nói về ĐĐ.Thích Nhuận Độ, trụ trì chùa Quảng Trạch, Trưởng BTS GHPGVN huyện Lắk, cô H’Hương, pháp danh Nguyệt Thuận, chúng trưởng buôn Bàng, xã Đắk Liêng, chia sẻ: “Ở đây bà con đồng bào xem thầy như người cha, người mẹ, người thầy”.

Cô bày tỏ: “Bà con đồng bào rất chân tình, khi tu học, lúc làm việc công quả, từ tận đáy lòng, thương thầy không hết, không phải vì quà mà đi chùa, mà đi chùa bằng tâm tình rất sâu. Vì thầy thương đồng bào tỉ mỉ từng chi tiết một”.

Cô cho biết: “Dẫn dắt Phật tử đồng bào rất khó, vì phải kêu từng nhà, phải động viên nhà này, nhà kia. Nhưng vì thương đời sống đồng bào còn khó khăn nên tôi cũng phải chịu khó phụ với thầy động viên bà con đi chùa, làm phước để có phước”.

Hiện tại, buôn Ranh, buôn Yuc, Buôn Cam, buôn Bàng, buôn Tría, buôn Cam… của xã Đắk Liêng đều có đạo tràng, có chúng trưởng là người đồng bào, mỗi tuần đều có đọc tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Còn những ngày lễ lớn thì đạo tràng sẽ về chùa Quảng Trạch cùng tụng kinh với đại chúng.

Chị H’Nó (buôn Cam) đi chùa, công quả thường xuyên tại chùa Quảng Trạch chia sẻ: “Có thầy về đây, mọi người quý lắm, nhờ có thầy nên cuộc sống đỡ hơn”.

Từ ngày được thầy dạy “tôi thấy khỏe ra, hồi xưa ở nhà một thời gian đau miết, rồi từ khi đi chùa làm công quả, tự nhiên thấy khỏe, hết đau. Vừa rồi thầy còn cho xe đạp để đi, làm nhà tình thương nữa, mừng lắm”, chị H.Vưng, pháp danh Đức Vàng (buôn Bàng)

hoan hỷ cho biết.

Phatphapbuonlang (1).jpg

Bà con Phật tử dân tộc dự lễ Phật đản

“Vì thương mà thầy đến”

Từ chương trình “hiếu dưỡng người già”, tặng nhu yếu phẩm hàng tháng cho bà con đồng bào nghèo, rồi đến chương trình xây nhà tình thương, tặng xe đạp, tặng hòm khi nhà có tang…, thầy Nhuận Độ bắt đầu gieo duyên Phật pháp đến với bà con đồng bào hơn 8 năm nay.

Thầy bày tỏ duyên hoằng pháp ở đây là “vì thương mà tới, chứ không phải vì mục đích truyền đạo”. Từ tình thương đó, thầy hướng bà con thấy được nguyên nhân của sự nghèo khó, nói về nhân quả, chỉ phương thức làm ăn, biết chắt chiu chi phí hợp lý, biết chia sẻ cho người nghèo khó.

Vì hiểu bà con đồng bào tiếp nhận Phật pháp khó khăn, nên kiên trì hàng tháng, mỗi khi tặng quà thầy đều nói “mình xài thì hết, mà mình nhận là nợ ân tình của những người theo đạo Phật, càng nhận thì nợ hoài, nên khi nhận mình phải sống tốt hơn thì mới trả được nợ ân tình này”.

Khi xây nhà tình thương, mỗi ngôi nhà thầy đều đến và làm lễ an vị Phật và ân cần dặn dò: “Mạnh thường quân tặng nhà cho mình, họ cũng phải làm lụng vất vả, nhưng vì thương mà họ chia sẻ cho mình; do đó, khi nhận, mong rằng bà con nhớ ân tình này, bằng cách uống ít rượu, không đánh vợ con, sống làm ăn tiết kiệm có tiền mang về cho vợ con; thường xuyên lạy Phật mỗi sáng sớm để mình sáng ra, nhà sáng ra”.

Cũng bởi vì tình thương mà tới, không phân biệt tôn giáo, ai khó khăn là chia sẻ, do đó ảnh hưởng của thầy đến cộng đồng lớn dần. Từ thiện cảm đó, thầy mở khóa tu để bà con có sự hiểu biết, thực tập sâu hơn lời Phật dạy. Ngoài những khóa tu Bát quan trai hàng tháng cho người lớn, tháng 8-2017, chùa mở khóa tu đầu tiên dành riêng cho trẻ em đồng bào, với 300 em tham gia, khóa cuối năm 2017 có đến 500 em. Mỗi khóa tu, Ban tổ chức thuê xe chở các em về chùa, thời khóa tu học chủ yếu là tập các kỹ năng sống, tập ngồi thiền, đố vui Phật pháp, đặc biệt các em được Ban tổ chức lo ăn uống rất chu đáo. Chỉ “mong các em trưởng thành trong môi trường giáo dục tình thương, có các kỹ năng sống, sống chân thật”, thầy Nhuận Độ chia sẻ.

Để tổ chức được khóa tu, phần lớn đều nhờ mạnh thường quân, đặc biệt là nhóm Tam Nương hỗ trợ nên “khai khóa đầu tiên tôi cung thỉnh chư tôn đức BTS tỉnh về tham dự, để chứng minh cho tấm lòng và cũng mong nhờ đó, quý thầy Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh sẽ có những hỗ trợ hoằng pháp ở vùng sâu…”.

Từ thành công khóa tu năm 2017, với trách nhiệm là Trưởng BTS huyện, thầy Nhuận Độ có kế hoạch mở rộng khóa tu cho các chùa trong huyện năm 2018, tạo điều kiện cho trẻ em đồng bào tu học nhằm “Phật hóa gia đình trong con em Phật tử đồng bào dân tộc, có lớp kế thừa giữ gìn văn hóa dân tộc tại huyện Lắk, để tình thương trí tuệ Phật được tỏa sáng khắp buôn làng”.

Hiện chùa vẫn duy trì tặng 150 phần quà cho bà con khó khăn tại các buôn; nấu cơm, cháo từ thiện tại bệnh viện huyện; phóng sanh hàng tháng…; kinh phí hoạt động do tất cả mọi người cùng hùn phước, đặc biệt những mạnh thường quân trên Facebook hỗ trợ.

Phatphapbuonlang (3).jpg

ĐĐ.Thích Nhuận Độ tặng quà cho bà con nghèo trong các buôn huyện Lắk

… niềm tin vững chãi

Chia sẻ với PV Giác Ngộ, thầy Nhuận Độ xúc động khi nói về tấm lòng của bà con với đạo: “Bà con đồng bào khi đã tin là tin rất sâu sắc, vững chãi, hết lòng. Có lần tôi hỏi nếu thầy không cho tiền, không chở các vị, thì các vị có về chùa tu không. Bà con đều nói, không cho tiền thì vẫn đi tu, vì nếu đi tu mà để thầy chở thì công đức là của thầy hết rồi”.

Khi về chùa công quả, bà con thường tự đùm cơm theo để… không làm phiền chùa. Bà con cũng hay nhắc lại, “mình đi công quả ở chùa thì mình được mạnh khỏe, mình tự tạo công đức cho mình, chứ không phải làm cho thầy, vì làm cho thầy rồi thì chết có mang theo được đâu. Nên mình làm phước là làm cho mình”.

Thầy bày tỏ sự cảm phục khi mùa Vu lan vừa rồi (năm 2017) bà con cùng góp lại hơn 1 triệu cúng dường tự tứ cho quý thầy. Khi tổ chức khóa tu cho đồng bào trẻ tuổi, họ cũng góp lại mỗi người 500 đồng cho khóa tu, “điều đó khiến tôi thấy thương lắm. Vì họ nghèo mà biết cúng dường nên rất quý”.

Do đó, hễ bà con cần gì là thầy tới, dù đêm hôm có tang sự mà điện thoại thầy cũng đi ngay. “Vì nhờ họ trợ duyên tôi mới làm công tác Phật sự được. Nhờ năng lượng của bà con và mình tạo nên năng lượng hoàn thành Phật sự. Tôi không tài giỏi, mà nhờ oai lực của chư tôn đức giáo thọ sư nhiều thế hệ, oai lực Tam bảo, long thần hộ pháp, chứ cá nhân không làm được gì hết. Tôi chỉ làm bổn phận của Tăng sai”, thầy Nhuận Độ bộc bạch.

Nhiều Phật tử thắc mắc sao thầy tu mà làm nhiều thế, thầy chỉ cười và tiếp tục làm, bởi với thầy: “Chùa là do cư sĩ Phật tử làm nên, chư Tăng về hướng dẫn Phật tử tu học, nhưng về đây chùa còn nghèo nên tôi phải làm. Nếu Phật tử ở đây có tu, có an lạc, hỗ trợ tôi làm thì tôi sẽ lùi về bớt, ngồi thiền tụng kinh để có thêm an lạc chia sẻ cùng bà con. Nhưng việc đó không thể một hai ngày mà là từng bước, chuyển mê thành ngộ, để cùng nhau hòa điệu tu học”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO -  Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày