GN - Nguyễn Thị Minh Phương H’Rêu!
Cái tên làm bối rối tất cả những ai mới nghe.
Lần đầu tiên tôi gặp Minh Phương là ở lớp học tiếng Anh, luyện nói. Thầy giáo hỏi “What’s your name?”, câu trả lời của Minh Phương khiến thầy giáo phải hỏi lại thêm lần nữa, và rồi thì thầy nheo hàng lông mày mời học viên lên bục viết rõ tên của mình ra bảng trắng mực xanh.
Đâu dễ gì có học viên của lớp luyện nói cấp độ một mà khiến thầy giáo phải bối rối, tôi trêu chọc Minh Phương vậy. Còn Minh Phương thì cười vui vẻ, đã quen rồi, học cấp một cấp hai trường trong buôn thì không sao nhưng từ năm lớp mười chuyển ra phố đã thấy cái tên của mình luôn khiến cô thầy giáo bối rối trong những ngày đầu, tới khi đi làm cũng vậy. Câu hỏi đầu tiên của người phỏng vấn thường là “Vậy tôi gọi bạn là gì thì đúng nhất?”
Đúng nhất, nghĩa là còn có… đúng nhì! Và đúng ba nữa! Gọi là Minh Phương hoặc H'Rêu đều đúng, ai cẩn thận sợ sơ sót thì cứ gọi đầy đủ từng chữ cái là Minh Phương H'Rêu lại càng đúng!
Đồng bào hướng Phật
Cô giáo người Kinh về dạy học ở thôn buôn gặp chàng trai Ê Đê nhiệt tình sẵn lòng đến giúp sửa sang lớp học. Mà lớp học bằng tre nứa của vùng ven nhiều thiếu thốn thì thường hay xảy chuyện cần sửa sang, cửa nẻo bị bung hoặc bàn ghế lung lay là chuyện vặt, có lúc cơn gió thổi tốc mái tranh luôn. Cho đến khi có đoàn từ thiện của chùa trên phố về tặng số tiền đủ để xây mới ngôi trường có năm phòng học thì chàng trai Ê Đê xung phong làm thợ xây. Suốt mùa hè, cô giáo trở thành đầu bếp nấu cơm cho nhóm thợ. Rồi họ thành vợ chồng. Con gái đầu lòng ra đời. Chế độ mẫu hệ thì con cái theo họ mẹ. Nhưng một cái tên hoàn toàn Kinh khiến người vợ áy náy, cô sợ chồng và gia đình bên chồng buồn, vậy nên có thêm H'Rêu, bởi vì khi ốm nghén cô rất thích ăn món canh rêu, chồng phải đi ngược lên đầu nguồn con suối để lấy được những mẻ rêu sạch thơm ngon.
Minh Phương kể tôi biết vậy, để giải thích cho cái tên lạ tai của mình, nghe như sự tích một mối tình đẹp. Còn tôi thì tò mò về món rêu. Minh Phương trêu chọc tôi có tâm hồn ăn uống. Tôi đáp lại là đâu phải bỗng nhiên mà người ta nâng chuyện ăn uống lên thành văn hóa ẩm thực!
Tôi thử tra Google, chà, còn được coi là đặc sản của vùng Tây Bắc, không chỉ canh rêu, còn có rêu xào và nộm rêu và trứ danh hơn là rêu nướng.
- Không cần làm một chuyến du lịch tận Tây Bắc - Minh Phương nói - Cuối tuần theo mình về thăm nhà là tha hồ ăn.
*
Tôi đến khi đang diễn ra hội thi tạc tượng gỗ, Minh Phương đưa tôi tới trường tiểu học vì muốn gặp mẹ đang họp ở đó.
Ban Tổ chức mượn sân trường làm nơi cho mọi người trổ tài. Khắp nơi đầy những khúc gỗ dở dang hình tượng và la liệt rìu đục dao rựa búa…
Không bản vẽ cũng không phác thảo, ý nghĩ từ trong đầu chạy thẳng ra bàn tay cầm rìu cầm đục.
Tôi biết thêm một cách xưng hô, ở đây, người ta gọi cha mẹ theo tên của đứa con đầu lòng, a ma là cha, nên cha của Minh Phương H'Rêu được gọi là a ma Rêu.
Nghe Minh Phương nói tôi về đây vì món canh, a ma Rêu cười vang:
- Hồi đó vì nghèo quá nên vợ bác nói thèm canh rêu cho bác đỡ buồn, nào ngờ giờ đây người ta chuộng rau cỏ thiên nhiên nâng lên thành đặc sản. Hẹn cháu khi khác, hôm nay bác bận tay mất rồi. “Ăn bằng mắt” đi, có duyên lắm mới được nhìn ngắm khúc gỗ vô hồn này dần dần chuyển mình sống động cháu à.
Là Phật tử, khi đi chùa tôi vẫn thường nghe mọi người nói với nhau về chữ duyên, nhưng tiếng “duyên” thoát ra từ miệng của người đàn ông dân tộc đang ngậm điếu thuốc lá cuốn khiến tôi ngạc nhiên và xúc động.
- Trong buôn mình có chùa không? - Tôi hỏi Minh Phương.
- Không. Chỉ có hội từ thiện của chùa ngoài thị trấn năm học mới nào cũng vô đây tặng gạo với sách vở áo quần cho học trò, rằm Phật đản thì họ đón các em ra chùa ăn tiệc chay và coi văn nghệ. Còn hỏi đứa nào biết múa hát để mời lên sân khấu nữa, bọn nhỏ thích chí lắm. Vậy nên không có chùa nhưng mà nhiều người cũng biết niệm Phật.
- Ờ, nghe con nhắc mới nhớ - A ma Rêu ngừng đục đẽo và bấm đốt tay - Sắp tới tháng Tư rồi. Mấy đứa nhỏ năm nào cũng được sư cô đón ra phố chơi rất vui mà cha là trưởng thôn chẳng biết làm gì để đáp đền, xấu hổ quá.
- Bác đang tạc tượng gì vậy? - Tôi hỏi.
- Cháu đoán thử đi.
Tôi nhìn khúc gỗ còn thô sơ, cái đầu người có mắt mũi miệng thì đã rõ, phần còn lại của khúc gỗ là một khối u phía sau và một khối u phía trước, những nhát rìu còn để lại dăm lỉa chỉa. Tôi nhớ tới tấm poster quảng cáo của công ty du lịch vẽ chàng trai đeo ba-lô sau lưng và trước ngực ôm quả địa cầu.
- Có phải bác định tạc tượng người đeo ba-lô và ôm quả địa cầu? - Tôi nói.
Minh Phương bật cười:
- Mơ tưởng xa vời quá đi. Nên nhớ là khi tổ chức cuộc thi nào đó ở thôn buôn thì yêu cầu thường là miêu tả hoạt động của người dân trong lao động sản xuất cũng như sinh hoạt thường ngày của cộng đồng. Cho đoán lại đó.
- Cậu đoán coi - Tôi thách thức. Ừ, Minh Phương sinh ra ở đây nhưng với kiểu tạc tượng thẳng từ ý nghĩ tới bàn tay cầm rìu này, chắc gì Minh Phương đã biết cha mình đang tạc gì chứ.
Đúng như tôi nghĩ, vừa mới cười nhạo tôi mà Minh Phương cũng rơi vào ú ớ.
- Ừm… sau lưng là cái gùi. Còn đằng trước là… - Minh Phương ngập ngừng.
- Địu em bé - A ma Rêu lắc đầu - Ra phố học hành làm việc xa nhà lâu quá nên quên mất cái địu rồi hả con? Đây là tượng người đàn bà địu con gùi măng xuống chợ.
*
Chủ nhật, tôi lại về nhà với Minh Phương, lần này không phải vì tâm hồn ăn uống. Là a ma Rêu muốn tôi nhìn ngắm pho tượng ông mới tạc xong. “Nhìn ngắm giùm” ông nhấn mạnh trong khi tôi cứ tưởng mình nghe lầm. Qua điện thoại, ông nói là tôi nhìn người đàn bà địu con gùi măng xuống chợ mà ra một người đeo ba-lô ôm quả địa cầu, rất đẹp và ý nghĩa bay bổng. Vậy nên lần này, với pho tượng này, ông muốn biết tâm trí tôi... bay đến đâu!
Thật tình là tôi không hiểu ý a ma Rêu muốn gì, nhưng được dịp đi chơi thì tôi cứ đi thôi. Lần trước tôi đến, tượng nào cũng đang tạc dở dang nham nhở. Chắc tới hôm nay đã xong xuôi rồi. Tôi sẽ được ngắm tác phẩm hoàn chỉnh của những nghệ nhân bước ra từ nương rẫy, còn mùi gỗ mới, mấy khi.
Nhưng sau hội thi, Ban Tổ chức đã đưa hết tượng về nhà văn hóa của thành phố để triển lãm. Chỉ duy nhất một tượng a ma Rêu vừa tạc xong, kích cỡ khá nhỏ so với những tượng lần trước tôi thấy. A ma Rêu còn cẩn thận phủ một tấm khăn thổ cẩm để che bụi cho tượng.
Tôi đợi ông giở tấm khăn thổ cẩm ra.
Ồ, Đức Phật sơ sinh.
Không sơn màu cũng không tỷ lệ cân đối hài hòa như những tượng Phật sơ sinh dễ thương ở chùa mà tôi vẫn thấy trong các buổi lễ tắm Phật. Và cũng không có hoa sen, tượng đứng trên đôi chân trần và chung quanh còn đầy dăm gỗ. Tôi chạm tay vào bàn chân nham nhám xù xì, nhớ lại hồi còn nhỏ dắt đi chùa mẹ hay xoa chân Phật rồi vuốt lên đầu tôi với lòng tin con của mình sẽ được thông minh.
- Cháu thấy sao? - A ma Rêu nhìn tôi với nỗi hồi hộp khiến ngực ông phập phồng - Bác định tặng sư cô mà sợ là không giống Phật. Cháu thấy có giống Phật chút nào không?
*
Rằm tháng Tư, tôi hòa trong dòng người đợi ngắm xe hoa diễu hành.
Xe hoa này là voi trắng uy nghi. Xe hoa kia là bánh xe luân hồi trên quả địa cầu. Xe hoa nọ được kết thành từ những chiếc lá bồ-đề cách điệu. Và xe hoa kế tiếp là chữ Vạn tỏa hào quang...
Dòng xe nối nhau thành một dải ánh sáng lộng lẫy. Bỗng giữa rực rỡ lấp lánh, tôi nhìn thấy sắc màu thổ cẩm. Tôi dụi mắt. Đúng là Phật sơ sinh của a ma Rêu, cái khăn thổ cẩm choàng qua vai Phật bay bay trong gió.
- Có Phật của buôn làng nữa kìa bà con ơi...
Ai đó reo lên...