GNO - Trưởng lão Hòa thượng Suddhananda, Tăng thống Phật giáo Bangladesh, nhà hoạt động xã hội và hòa bình vừa viên tịch ngày 3-3, tại thủ đô Dhaka, trụ thế 87 năm.
Chân dung Trưởng lão Hòa thượng Suddhananda Mahathero, Tăng thống Bangladesh
Trong một phát biểu của Chính phủ Bangladesh, Tổng thống Mohammad Abdul Hamid ghi nhận vai trò của ngài Tăng thống trong thúc đẩy hòa bình, sự hòa hợp của người dân cũng như chia sẻ và lan tỏa lời dạy của Đức Phật tại nước này.
“Sự viên tịch ngài Tăng thống là mất mát lớn của đất nước và cộng đồng Phật giáo Bangladesh bởi những cống hiến to lớn của ngài trong việc tạo ra tình hữu nghị bền chắc cùng sự hòa hợp trong cộng đồng người dân Bangladesh thuộc các sắc tộc, tôn giáo khác nhau” - bày tỏ của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina Wazed hôm thứ Ba vừa qua.
Trưởng lão Hòa thượng là người tiên phong trong các hoạt động phi bạo lực, mang thông điệp hòa bình, nhân văn đến người dân Bangladesh với những hoạt động không mệt mỏi cho sự ổn định xã hội, tôn giáo ở nước này.
Được biết, Trưởng lão Hòa thượng Suddhananda sinh năm 1933. Năm 2012, ngài được Bộ Văn hóa Bangladesh trao tặng Giải thưởng Ekushey Padak - giải thưởng cao quý có từ năm 1952, ghi nhận đóng góp quan trọng của công dân nước này trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, báo chí và kinh tế.
Ngoài ra, ngài còn vận hành nhiều trung tâm từ thiện xã hội dành cho người nghèo và hoạt động tích cực trong việc duy trì, thúc đẩy quan hệ hòa bình, tốt đẹp giữa cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy và cộng đồng người Hồi giáo ở Bangladesh.
Dù bị công kích bởi đa số người Hồi giáo và sự đe dọa từ các phần tử cực đoan, ngài vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ với hòa hợp liên tôn giáo.
Theo đó, thông điệp xuyên suốt của ngài Tăng thống là: “Tại sao lại phải có xung đột? Tất cả chúng ta đều là người Bangladesh. Mảnh đất này là dành cho tất cả chúng ta. Giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta có thể làm cho đất nước phát triển. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi phục vụ mọi người”.
Ngài cũng thường nhấn mạnh quan điểm “phục vụ chúng sanh là tôn giáo tối thượng”.
Trần Trọng Hiếu
(theo Bangladesh Post, The Buddhist Door)