GN - Theo số liệu cập nhật gần đây nhất của Giáo hội (7-2019), cả nước có 53.941 Tăng Ni, 18.466 tự viện và 50 triệu tín đồ. Ngoại trừ con số về tín đồ hiện chưa có sự thống nhất giữa thống kê của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số cách đây 9 năm (6.802.318 người), số lượng Tăng Ni trong các báo cáo của Giáo hội những năm gần đây không có sự dao động đáng kể.
Thông tin có sự tác động sâu sắc làm ảnh hưởng, thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có tôn giáo
So với các tỉnh, thành phố khác, TP.HCM là nơi có số lượng Tăng Ni đông nhất:11.810 Tăng Ni và 1.446 tự viện, theo báo cáo năm 2017. Với số lượng Tăng Ni như thế đã đặt ra nhiều vấn đề cho việc quản lý, đặc biệt là đối với những Tăng Ni trẻ từ các tỉnh, thành khác về đây theo học tại các trường Phật học cũng như thế học.
Trong năm nay, dư luận dậy sóng hết đợt này đến đợt khác với vấn đề liên quan tới đạo đức, hành vi và oai nghi của tu sĩ Phật giáo, không chỉ trên mạng xã hội mà cả báo chí chính thống - cơ quan ngôn luận của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Dù là cá thể, chỉ vài người so với con số hơn 5 vạn Tăng Ni, nhưng nhìn sự lây lan thông tin trong dư luận ảo và thực cũng có thể hình dung sự tổn thất về uy tín đối với Giáo hội là không hề nhỏ.
Trong truyền thống ở nước ta, chưa bao giờ hình ảnh Đức Phật và tu sĩ Phật giáo trở thành chủ đề biếm họa trên một tờ báo có ảnh hưởng đối với dư luận xã hội là Tuổi Trẻ - trong ấn phẩm Tuổi Trẻ Cười, không phải một mà nhiều trang, không chỉ một số mà vài số liền.
Sự vụ mới đây nhất về vị tu sĩ trẻ không kiểm soát cảm xúc và hành vi, đã làm hư hỏng một phần phương tiện của người đi đường ở TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Dẫu vị giáo phẩm trách nhiệm chùa nơi vị đó ở đã giải thích và xin lỗi, sau đó bác sĩ chuyên môn thăm khám và xác định vị đó mắc bệnh tâm thần phân liệt phải nhập viện điều trị, nhưng thông tin các báo và mạng xã hội vẫn nhắm vào khái niệm “thầy chùa” với hàm ý chỉ trích, vẽ cả biếm họa khiến người có tín ngưỡng Phật giáo bị tổn thương.
Người viết sẽ trở lại vấn đề cách mà chúng ta đã xử lý những thông tin đó vào một dịp khác, ở đây chỉ đề cập tới nguy cơ của những vụ việc như thế, chắc chắn chúng có tác động làm thay đổi thái độ và nhận thức của số đông về Phật giáo, nhất là đối với lớp trẻ, thế hệ tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội nhanh và nhạy nhất, họ sẽ là chủ nhân ông của đất nước trong tương lai.
Sự rò rỉ là nguy hiểm. Chỗ rò rỉ dù nhỏ nhưng với thời gian, nó có thể làm ngọn núi hay bờ đê kiên cố sụp đổ. Do đó, trong nhiều bản kinh, đặc biệt là trong Pháp cú, Đức Phật đã dạy cần cảnh giác, phòng hộ, không được chủ quan, coi thường, tiêu biểu qua ảnh dụ như giọt nước tuy không đáng kể, nhưng nhỏ hoài sẽ khiến tràn bình...
Đó cũng là lý do mà gần đây, vấn đề Tăng sự đã được đặc biệt quan tâm, đặt ra tại các phiên họp, ngay cả trong khóa cấm túc 10 ngày dành cho chư Tăng Ni chủ chốt thuộc hệ thống Giáo hội TP.HCM, ý chí chung được đúc kết trong thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định về việc xuất gia, tu học và quản lý tự viện mới vừa phổ biến.