Đừng để uổng phí kiếp người...

GNO - Đại thi hào Lý Bạch có một bài tự nổi tiếng, tên là Xuân dạ yến đào lý viên tự (được cảm tác trong đêm xuân dự tiệc trong vườn đào lý), là xúc cảm mùa xuân và quan niệm về nhân sinh của ông.

Đại ý bài tự nói rằng, thời gian qua mau, cuộc đời như giấc mộng, kiếp sống con người chỉ là tạm bợ, phù du. Vì thế phải tận dụng thời gian vui chơi, hưởng lạc: “Trời đất là quán trọ của vạn vật; thời gian là khách đi qua của trăm đời. Cuộc đời như giấc mộng, tìm hoan lạc được bao lâu? Người xưa cầm đuốc đi chơi đêm ắt có nguyên do”.


Người xưa cho rằng đời người ngắn ngủi, nên tranh thủ thời gian tận hưởng, ban đêm còn đốt đuốc đi chơi, tụ họp ăn uống, đàn ca múa hát, xướng họa thi thơ: Mở tiệc ngọc, ngồi trong khóm hoa; nâng chén vũ, say sưa với trăng.

Về sau, một nhà thơ nào đó đã thể hiện sự cuồng nhiệt quá khích qua những vần thơ của mình trước cảm nhận ngắn ngủi của kiếp nhân sinh: Đã đứng trong vòng vũ trụ, quyết ăn chơi cho đủ mùi đời...

Rất nhiều người có quan niệm như thế. Chủ nghĩa thực dụng cũng cho rằng đời sống con người qua mau, chết rồi là không còn gì cả, con người trở về cùng cát bụi. Vì thế phải biết tận dụng thời gian lúc còn sống vui vẻ hưởng thụ mọi thứ trên đời, đừng bỏ qua lạc thú nào - để không phí uổng kiếp người ngắn ngủi, nhất là khi còn trẻ, ở độ tuổi thanh xuân càng phải biết tận hưởng những lạc thú trên đời.


Bởi thế, khi vào chùa thấy các thầy các cô trẻ tuổi, nhiều người tắc lưỡi tỏ ra tiếc rẻ, bảo rằng: “Còn trẻ đi tu uổng quá!” Họ thấy các thầy, các cô trẻ trung, xinh đẹp mà lại đi tu thì cho là đáng tiếc. Có người nói sao không để đến lúc già rồi hãy đi tu? Các thầy các cô chỉ cười: “Vô thường mau chóng, niệm niệm chẳng dừng, mạng không thể kéo dài thêm, thời gian không chờ đợi” hoặc là: “Đừng đợi đến già mới niệm Phật, mồ hoang thấy lắm kẻ thiếu niên”.

Quan niệm sống thực dụng đưa người ta đến chỗ sống buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng xã hội; sống thờ ơ, lãnh đạm với người khác, chỉ biết có mình cùng những nhu cầu, tham muốn hưởng thụ của bản thân. Lối sống như vậy có thể làm cho người ta hạnh phúc, thỏa mãn trong một lúc nhưng sau đó là nỗi thất vọng, nuối tiếc, khổ đau vì trên đời không có niềm vui, không có lạc thú nào tồn tại mãi.

hoa sen no.jpg

Sống có ích, không lãng phí đời sống mới thật sự là sống trọn vẹn - Ảnh internet

Có nhiều quan niệm tích cực hơn thế, cũng đồng tình rằng thời gian qua mau, đời người ngắn ngủi, nhưng thay vì chỉ lo hưởng thụ thì nỗ lực cống hiến cho đời, làm hết sức mình, tận dụng cuộc đời làm lợi ích cho xã hội, để sự nghiệp, tiếng thơm lưu truyền làm tấm gương sáng ngời cho hậu thế: “Con người ta từ xưa tới nay ai mà không chết, giữ lại tấm lòng son mà soi sáng sử xanh” (Văn Thiên Tường), “Chỉ có tiếng thơm đời để mãi, giàu sang giả dối vốn phù vân” (Lê Hữu Trác) hay như J.J.Rút-xô đã nói: “Người sống nhiều hơn không phải là người cao tuổi hơn, mà là người biết sử dụng cuộc sống của mình tốt hơn”.

Còn những ai tin rằng chết không phải hết mà là sự chuyển tiếp từ đời sống này sang đời sống khác lại càng nỗ lực phấn đấu cho đời sống hiện tại và cả những kiếp lai sinh. Càng nhận thấy đời người mong manh, ngắn ngủi thì càng nỗ lực tu tập, hướng đến đời sống tâm linh, rèn luyện bản thân, càng cố gắng đóng góp thật nhiều cho tha nhân để không lãng phí một kiếp người; đồng thời cũng là tạo nhân lành cho đời sau.

Chính vì tin rằng con người không vĩnh viễn mất đi sau khi chết và những việc làm trong hiện tại là nền móng xây dựng kiếp sống tương lai mà người ta sống có lý tưởng, có trách nhiệm đối với bản thân và xã hội, cho nên cuộc sống càng có giá trị và ý nghĩa.

Sống có ích, không lãng phí đời sống mới thật sự là sống trọn vẹn, mới thật sự là bắt kịp thời gian, không để thời gian vụt mất cho dù tuổi đời qua mau và mạng sống con người mong manh, hạn hữu.

Cổ đức có dạy: “Phú quý trăm năm khôn giữ mãi, luân hồi sáu nẻo dễ xoay vần. Khuyên ai sớm tính đường tu tiến, kẻo mất thân này khó gặp thân”.

Phan Minh Đức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày