Dưới mái ấm cô nhi: Gập ghềnh lối vào đời

Các cô nhi ngày nào giờ đã rời xa mái ấm để vào đời tự lập. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, họ lại ghé thăm mái nhà chung ngày nào. Nhiều em về cứ than thở sao đường đời lại lắm nỗi gian truân, bao điều bất ý, phũ phàng khiến họ cứ mãi va vấp trên đường tự lập

Ngày Nguyễn Thanh Đức đậu vào Trường ĐH Giao thông vận tải, nhà tình thương chùa Diệu Giác – TPHCM vui như ngày hội. Gần 20 năm sống phận mồ côi trong mái ấm cô nhi, cuộc đời Tuấn đã sang trang mới. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp đại học, Đức lại quyết định đi tu.

Không ít người đã cho rằng Đức ngán ngại lối vào đời gập ghềnh quá nên đành từ bỏ. Đức tâm sự với các cô ở nhà tình thương rằng sẽ gầy dựng một ngôi trường để cưu mang cô nhi.


Muốn quẩn quanh mái ấm


Kể chuyện về các cô nhi đã trưởng thành, ni sư Như Trí, người quản lý nhà tình thương Diệu Giác, không khỏi tự hào khi cho biết ngoài Đức đỗ đại học; Thanh, Thủy vào được trường cao đẳng..., năm rồi lại có thêm 2 em ở mái ấm này đậu trung cấp ngành du lịch... “Các em lớn thường trở về đây chỉ dạy các em nhỏ hơn học hành. Nhiều em muốn quay về luôn để chăm sóc các em nhưng chúng tôi khuyên chúng cần tạo lập cuộc sống riêng, việc ở đây có các sư lo rồi” - ni sư Như Trí kể.


Tuy tự hào nhưng các sư ở nhà tình thương Diệu Giác không giấu được nỗi lo lắng khi các cô nhi ngày nào giờ đã rời xa mái ấm để vào đời tự lập. Hơn 20 em ở nhà tình thương Diệu Giác được cho đi học nghề thợ bạc, sửa xe máy, thợ kính... và hiện đang làm việc ở TPHCM.

Một nhà hảo tâm người nước ngoài chăm sóc cô nhi tại chùa Kỳ Quang


Thỉnh thoảng rảnh rỗi, họ lại tạt về thăm sư và các em nhỏ. Nhiều em về cứ than thở sao đường đời lại lắm nỗi gian truân, bao điều bất ý, phũ phàng khiến họ cứ va vấp trên đường tự lập. Các sư lại khuyên nhủ, động viên và cần thiết thì hỗ trợ các em để có cuộc sống tốt hơn.


Em Nguyễn Thị Kim, lớn lên từ nhà tình thương Diệu Giác, năm ngoái đã lập gia đình nhưng lại trở về đây phục vụ, chăm sóc các cô nhi. Kim cho biết: “Giúp việc ở đây toàn là các anh chị cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Từ trước giờ, chúng tôi đã xem nơi đây là nhà của mình nên không muốn đi đâu cả”.


Cuối tuần qua, một cô nhi trước đây của nhà tình thương đang sống ở Đà Lạt viết thư về thăm thầy, cô và các em. Em xin lỗi vì năm nay không về thăm nhà tình thương được. Em tâm sự: “Chúng con mỗi đứa một nơi, lối vào đời gặp nhiều chuyện khó khăn và lúc nào cũng muốn về thăm thầy, cô và các em”.


Tạo dựng tính tự lập, tự tin


Cách đây hơn 10 năm, một đứa trẻ mù cõng một đứa trẻ khuyết tật đói lả dừng chân trước cổng chùa Kỳ Quang (quận Gò Vấp - TPHCM). Sư trụ trì, thượng tọa Thích Thiện Chiếu, cảm thương đưa hai em vào chùa nuôi. Rồi những phận đời cơ nhỡ khác từ khắp nơi dần dần trôi dạt về chùa.

Đến nay, chùa lập cơ sở nuôi dưỡng 250 cô nhi. Trong đó, chỉ khoảng 50 em bình thường, còn lại đều bị mù, khuyết tật tay - chân, bại não, bệnh thần kinh...


Thiếu thốn tình thương từ bé, các em đều xem thầy Thiện Chiếu như cha mình. Khi chúng tôi cùng thầy vào thăm khu trẻ em khuyết tật, hàng chục em cứ vây lấy ông, gọi: “Cha cả! Cha cả”. Nhiều em cứ níu lấy áo cà sa đòi được ẵm đi chơi. Thầy Thiện Chiếu cười trừ: “Cha già rồi, ẵm từng đứa sao nổi”. Thế nhưng cầm lòng không được, thầy lại ẵm hai em đi dạo quanh chùa.


Nhìn các em khuyết tật hồn nhiên, vô tư, nhiều người không khỏi thương cảm. Sáng nào cũng vậy, từng nhóm – cứ một em khuyết tật tay, chân dẫn 5-7 em mù - đi học, trưa lại dắt díu nhau về, chuyện trò rôm rả. Thầy Thiện Chiếu trăn trở: “Thầy nay đã hơn 60 tuổi rồi. Chỉ mong sau này có người kế tục chăm sóc được cho các con, rồi lo cho chúng vào đời nữa...”. Quả vậy, những cô nhi bình thường khi trưởng thành vào đời đã rất khó, huống hồ các em khuyết tật!


Thời gian qua, Hội Người mù Nhật Bản tình nguyện sang chùa Kỳ Quang dạy cho các em mù nghề massage. Chùa hiện đang tổ chức các lớp học mẫu giáo cho các em nhỏ. Khi lên lớp 1, các em được cho ra học ở trường bên ngoài. Chùa cũng đã tổ chức cho các em sản xuất hàng mỹ nghệ bằng gáo dừa, lá dừa, làm nhang... Thầy phụ trách ở chùa Kỳ Quang cho biết: “Chúng tôi muốn tạo dựng cho các em tính tự lập, tự tin vào bản thân khi vào đời”.


Các cô nhi tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (quận Thủ Đức - TPHCM) được chuẩn bị lối vào đời căn cơ hơn. Các em được lo học hành đến nơi đến chốn, kể cả đại học. Em nào không học lên cao được thì học nghề. Khi ra đời tự lập, các em được một sổ tiết kiệm khoảng 20 triệu đồng - số tiền tích cóp do các nhà hảo tâm đóng góp.

Thiếu thốn nhiều bề

Cứ mỗi mùa tựu trường, ni sư Như Trí ở nhà tình thương chùa Diệu Giác lại lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Nào là tiền mua sách vở, tiền trường lớp, sắm quần áo đồng phục... cho các em.

Chỉ học phí đầu năm, mỗi tháng một học sinh cấp 1, 2 phải đóng gần 300.000 đồng. Có trường miễn giảm đôi chút nhưng cũng rất hạn chế. “Mùa tựu trường, chi phí chung của các em lên đến gần 100 triệu đồng, trong khi hoạt động của nhà tình thương chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của bá tánh” - ni sư Như Trí băn khoăn.

Việc chạy gạo từng bữa cho 120 cô nhi ở đây cũng đã vắt kiệt sức của các sư. Gạo, muối, dầu ăn... thường được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Tiền chợ của mỗi em chỉ có 3.000 đồng/ngày, hẳn sẽ rất đạm bạc.


Tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, tiền ăn mỗi tháng được ngân sách cấp cho trẻ sơ sinh là 300.000 đồng/em; trẻ trên 18 tháng được 240.000 đồng.

Số tiền này sẽ rất khó lo nổi cho các em. Từ đóng góp của các nhà hảo tâm, mỗi tháng các em được thêm 200.000-250.000 đồng. Số tiền tuy ít nhưng lại còn “gánh” luôn cả tiền khám, chữa bệnh thường niên của các em. Đôi khi các em cần chữa trị gấp, trung tâm phải ứng cả tiền ăn ra lo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày