Duyên đến đâu làm đến đó...

Sáng sáng ra khỏi nhà từ rất sớm với chiếc xe máy cũ kỹ. Tối tối hiếm khi về nhà trước mười giờ đêm. Đã gần 10 năm nay, cô Bùi Thị Hải Yến, giảng viên khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tần tảo nuôi những đứa con không phải do mình rứt ruột đẻ ra. Cô giáo có tấm lòng Bồ Tát, hằng ngày vẫn âm thầm làm việc thiện, câu chuyện về cô giống như câu chuyện cổ tích giữa đời thường...

Mẹ của 30 trẻ mồ côi

Cô giáo Bùi Thị Hải Yến trao quà tặng các em học sinh ở Hòa Bình.
Cô giáo Bùi Thị Hải Yến trao quà tặng các em học sinh ở Hòa Bình.

Cơ duyên đưa Bùi Thị Hải Yến đến với những đứa trẻ mồ côi thật đặc biệt. Ngay từ lúc còn là sinh viên trường sư phạm, cô đã tâm niệm rằng, sau này có điều kiện sẽ làm từ thiện giúp ích cho đời. Ra trường, Hải Yến xin vào làm tại Trung tâm Tình thương ở xóm 8, Định Công thành lập theo dự án của I-ta-li-a tài trợ, giúp đỡ trẻ em mồ côi. Đến năm 2000, dự án kết thúc, trung tâm này giải tán, cô đã nhận nuôi tất cả các em trong trung tâm. Bởi: “Nếu mình không nuôi, các em bị đẩy ra đường không nơi nương tựa thì thương lắm”.

Gần 10 năm được cô nuôi dạy, những đứa trẻ ở nhiều lứa tuổi, ở nhiều miền quê khác nhau nhưng đều chung một hoàn cảnh: Mất cha, mất mẹ hay mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn nhỏ mà không có người thân chăm sóc – đều đã trưởng thành. Cô tự hào về các con cô không đứa nào hư hỏng, đứa nào cũng biết nghe lời và chịu khó học hành.

Các em hầu hết đều tốt nghiệp THPT. Em nào không có điều kiện học tiếp thì học nghề rồi đi làm, cô vẫn giúp đỡ các em tiền ăn, còn tiền lương thì các em gửi, nhờ cô gửi tiết kiệm hộ. Nhiều em đã tốt nghiệp đại học như Đỗ Hữu Duyên, Lâm Minh Châu, Nguyễn Thị Mẫn. Một số em còn đang học đại học: Vũ Thị Thủy, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Khắc Điền đều học khoa du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; Trần Văn Dũng sinh viên năm thứ 3 khoa công nghệ sinh học, Đại học Mở; Phạm Văn Tuấn sinh viên năm thứ 2, hệ tại chức của Học viện Bưu chính viễn thông... Trong số 30 em cô nuôi dạy đã có 4 em lập gia đình.

Thiện ở tại tâm

Người ta bảo rằng, chắc nhà cô giàu lắm, không có chỗ tiêu tiền nên mới nhận nuôi một đàn con như thế. Nhưng có ai biết rằng để nuôi được chừng ấy con người chỉ trông mong vào đồng lương giảng viên đại học thì không đủ. Cô còn phải tranh thủ dạy thêm ở các lớp tại chức buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Có người độc miệng nói cô “gàn dở”, thích đèo bòng nhưng họ đâu biết: “Trong cuộc sống, vật chất chỉ chiếm 20% quan trọng, còn tình cảm chiếm tới 80%. Mang đến cho mọi người tình yêu và nụ cười cũng là một cách làm giàu. Tôi tự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc với công việc tôi đang làm” – Bùi Thị Hải Yến tâm sự.

Cô theo đạo Phật. Cái cốt lõi của nhà Phật là sự từ bi, đức độ gói gọn trong một chữ “Thiện”. Nhưng thiện phải tại tâm. Phải làm việc thiện ở mọi lúc, mọi nơi, từ suy nghĩ đến hành động. Khi cô mang cho tôi xem hàng ngàn bức ảnh chụp những buổi cô đi làm từ thiện trên mọi nẻo biên cương của Tổ quốc, cả những bức ảnh đi làm từ thiện ở Nê-pan, Ấn Độ, tôi chợt nghĩ: Phải chăng Bùi Thị Hải Yến sinh ra để làm từ thiện?!

Năm nay đã 53 tuổi, cuộc đời Hải Yến là cuộc đời của những chuyến đi. Cô tâm sự: “Có đi nhiều nơi mới thấy cộng đồng còn nhiều người đáng thương lắm!”. Cô coi việc làm từ thiện của mình là “cái duyên”. Duyên đến đâu làm đến đó. Khi thì trực tiếp nhận các em về nuôi, khi thì đóng góp để xây dựng trường học bán trú cho trẻ em miền núi, rồi một năm cô cố gắng thu xếp công việc để lên thăm các em ít nhất là hai lần.

Nghĩ lại những ngày đầu nuôi dạy bọn trẻ gặp bao khó khăn gian khổ, cô giáo Hải Yến cảm thấy tự hào mãn nguyện khi các con đã trưởng thành như hôm nay. Cô kể: “Để xin nhận các cháu về nuôi, cô phải chạy vạy lo toan rất nhiều thủ tục, giấy tờ, gặp gỡ nhờ vả hết người này người khác mà toàn bị gây khó dễ. Rồi chuyện lo cho các em đi học, hầu hết các em đều thiếu giấy tờ nên để cho các em được đến lớp là một nỗ lực lớn”.

Ngoài việc hằng ngày tất bật chăm sóc các con, Bùi Thị Hải Yến vẫn cặm cụi nghiên cứu, viết sách. Hiện tại cô đã xuất bản 7 cuốn sách được giảng viên, sinh viên trong trường và bạn đọc khắp nơi mến mộ như: Quy hoạch du lịch, Tài nguyên du lịch, giáo trình địa lý kinh tế-xã hội thế giới... Với cô, dạy chữ, dạy người, làm cho sinh viên sống thiện, tạo ra những tập thể người có ích cho đất nước mới là việc làm thiện nhất.

Khi tôi hỏi về dự định trong tương lai của cô, vẫn bằng giọng khiêm tốn “Duyên đến đâu làm đến đó”, cô tâm sự đang cùng chung dự án với nhà sư Thích Đàm Lan ở chùa Bồ Đề mở trung tâm tư vấn giúp phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Cô vẫn sẽ tiếp tục đi đến những vùng sâu, vùng xa đem thực phẩm và quần áo ấm tặng người già neo đơn, trẻ em nghèo.

Theo cô Bùi Thị Hải Yến, chỉ khi mang đến những điều tốt lành cho người khác thì mình mới thực sự cảm nhận được hạnh phúc của cuộc sống. Cô khẳng định: “Nếu có kiếp sau vẫn muốn được làm việc thiện như kiếp này”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày