Gánh lá dong chợ Tết

GNO - Nhưng ngày cuối tháng Chạp, đã nghe xuân về trong rộn ràng những bước chân, có bước thấp bước cao của các bà các mẹ, có bước chân sáo của những đứa trẻ con xúng xính quần áo mới đi chợ Tết.

chotet.jpg


Chợ Tết ở quê - Ảnh minh họa

Những ngày giáp Tết đêm dài lêu nghêu. Năm giờ sáng, hai mẹ con tôi thức dậy khoảnh sân con con vẫn sóng sánh bóng tối. Tôi xách chiếc đèn bão theo chân mẹ ra mảnh vườn đằng sau nhà. Tôi soi đèn cho mẹ chọn cắt những chiếc lá dong to, đẹp, lành lặn. Mẹ cũng không quên chừa lại một khóm tươi tốt để dành nhà mình gói bánh chưng.

Muỗi vo ve lượn vòng vòng như những chiếc tàu điện trước đèn. Tôi cứ run lên từng chập đưa tay kéo cổ áo khoác để ngăn lưỡi gió lạnh buốt cứa vào cơ thể. Ôm đầy một vòng ôm lá dong lọ mọ ra bờ giếng, mẹ múc mấy gầu nước trong leo lẻo đổ vào chiếc chậu nhôm to chảng.

Tôi đặt chiếc đèn bão trên gờ gạch chạy vuông quanh bờ giếng rồi xắn tay áo cùng mẹ rửa lá dong. Đưa tay mơn man trên phiến lá mướt mát, mịn màng như làn da phính phính đôi má trẻ con. Rồi mẹ buộc lại thành từng bó từ chín đến mười lá bằng sợi rơm nếp gác ở chái bếp từ sau vụ gặt. Sắp những bó lá dong vào quang gánh.

Khi vài tia nắng sơ sinh hồng hào chào đời, mẹ quẩy đôi quang gánh lá dong, một tay mẹ bấu vào đòn gánh một tay nắm chặt lấy mấy ngón tay ngắn lũn chũn của tôi. Đi bộ chừng hơn một cây số, vừa đi tôi vừa luôn miệng hát véo von:“Sắp đến Tết rồi, đến trường rất vui! Sắp đến tết rồi, về nhà rất vui! Mẹ đang may áo mới nhé. Ai cũng vui mừng ghê. Mùa xuân này em đã lớn biết đi thăm ông bà.”(Sắp đến Tết rồi - Hoàng Vân).

Bình minh những ngày giáp Tết cũng đẹp hơn bình minh ngày thường. Ban mai êm êm, nắng êm êm và gió cũng êm êm.

Chợ Tết nằm trên một khoảng đất trống rộng và bằng phẳng một bên là dòng sông, một bên là cánh đồng mạ non đang run rẩy khi cơn gió lạnh se sắt sà xuống mặt ruộng. Những người bán hàng đang tất bật bày hàng ra. Ông đồ già khăn vấn áo the khoanh chân xếp bằng trên manh chiếu múa bút lông trên tờ giấy đỏ, xong thủng thẳng treo chúng lên cái giá gỗ. Tôi nghiêng đầu bên phải rồi nghiêng đầu bên trái, nheo nheo rồi tròn mắt, ngắm nghía mãi mà chẳng biết chúng nghĩa là gì, những nét mực dọc ngang quanh co nhảy nhót trong đầu tôi ráp thành đủ thứ hình hài ngộ nghĩnh như: con trâu, người phụ nữ đội nón, cậu bé đuổi theo quả bóng,...

Mấy cửa hàng ăn uống giữa chợ bắt đầu đỏ lửa, tiếng xèo xèo cùng hương thơm thức ăn gọi những cái bụng réo ầm ĩ. Tôi vừa bám chặt vào vạt áo mẹ sợ lạc vừa ngoái đầu mê mải nhìn những hộp bánh, hộp kẹo xúng xính bộ cánh bảnh chọe.

Lái buôn từ chợ huyện đem về những sọt hoa quả, cánh chuối quả nào quả nấy béo ục ịch, bưởi tròn lẳn như trăng mười sáu da vàng ruộm còn nguyên cuống lá xanh, thanh long đỏ rực như ngọn đuốc, dứa thơm lựng,...

Mẹ chọn một góc ngay đầu chợ, đặt quang gánh xuống rồi lấy chiếc ghế gỗ con con ra cho tôi, còn mẹ thì cởi một chiếc dép kê ngồi. Dòng người từ khắp mọi nơi nườm nượp kéo về đổ đầy khu chợ. Những bước chân chùng chình, những ánh mắt lúng liếng. Tiếng cười nói ồn ã, tiếng hồ hởi chào hỏi của những người quen nhau, tiếng chào hàng lảnh lót.

Đặc biệt, người đi chợ Tết chẳng kỳ kèo mặc cả vì ai cũng quan niệm rằng năm hết Tết đến xông xênh cho may mắn. Nhiều người đến mua cứ tấm tắc khen lá dong đẹp rồi khen thằng bé ngoan giúp mẹ bán hàng, chỉ một nhoáng là đã hết veo cả gánh lá dong. Thế là nhà mình có Tết, mẹ bảo tôi thế, nhà có hai mẹ con nên cái Tết cũng thật đơn giản...

Đào Mạnh Long
(Hải Phòng)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày