Giác Ngộ rưng rưng những ân tình

0:00 / 0:00
0:00

GNO - Lần đầu tiên tôi biết đến Giác Ngộ cách đây 3 năm, qua một người bạn. Bạn đọc báo đã lâu, còn là cộng tác viên quen thuộc, từng được mời vào tòa soạn tham dự những dịp kỉ niệm quan trọng.

Ngay khi nghe tên tờ báo tôi đã thấy ấn tượng và tò mò: Giác Ngộ. Ai chẳng mong mình được giác ngộ giữa cuộc đời bề bộn và lo âu này. Đúng dịp đang có nhiều nỗi buồn với những ngổn ngang và rối rắm, tôi đón nhận tờ báo mà rưng rưng, chợt nghĩ có lẽ cũng là một cái duyên.

anh coduong 2.jpg


Cô giáo Nguyễn Thị Đương - bút danh Nhất Mạt Hương

Đã từng tìm đọc nhiều sách về Phật giáo, mong có được bình yên và tĩnh tại nhưng sách thì phải lĩnh hội cả quá trình lâu dài như mạch nước ngầm thấm dần vào đất, đâu chỉ ngày một ngày hai. Báo khác hơn, ra hàng tuần, cập nhật nhiều vấn đề, có cả thời sự lại bàn luận những vấn đề triết lí sâu xa. Vì thế đọc Giác Ngộ thường xuyên như được ủ trong không khí nhà Phật. Dẫu còn nhiều mơ hồ nhưng biết mình đang được đi trên một con đường thẳng, có hoa nở mỗi mùa, có tiếng chim hót thanh tao mỗi buổi để dịu đi những con sóng xung quanh.

Tôi hay đọc những bài về Phật học của Hòa thượng Thích Trí Quảng, thấy được mở mang về giáo lí lại hiểu hơn về những kiến thức vốn đã đọc qua sách vở nhưng còn mông lung. Bài viết của Thầy luôn gắn với những câu chuyện cụ thể, có diễn giải, phân tích nên gần gũi, thấm thía.

Hay mục “Suy nghiệm lời Phật” do thầy Quảng Tánh phụ trách, rồi những vấn đề thời sự được nhìn qua lăng kính Phật giáo mà thầy Quảng Kiến luận giải. Tất cả đều gợi lên những suy nghĩ sâu xa mà thiết thực. Và không thể không kể tới trang “Văn hóa” cùng bàn luận những vấn đề rất thú vị. Trong đó, tôi ấn tượng và từng đọc say sưa bài “Thưởng trà” của tác giả Bùi Mạnh Nhị trên số 1057.

Chú ý nhất vẫn là trang “Sáng tác” bởi tôi cũng có sở thích viết lách và thỉnh thoảng có bài đăng trên một số báo, tạp chí. Nhưng khi đến với Giác Ngộ, thầm nghĩ mình chỉ là độc giả, thu nhận và ngẫm ngợi những điều đọc được. Thế rồi một ngày, khi đọc xong bài thơ của người bạn vừa được đăng trên số mới nhất, tôi nảy ra ý định gửi bài. Lặng lẽ gửi rồi cũng quên không để ý.

Một buổi chiều tháng 7-2019, được báo thơ của tôi được đăng trên Giác Ngộ - bài “Những ngôi nhà rìa đường”. Dẫu không phải lần đầu được đăng thơ trên báo (thậm chí đã được đăng trên một vài báo lớn) nhưng khi có bài trên Giác Ngộ, sao cảm giác xúc động lạ lùng! Xúc động vì vốn nghĩ mình chỉ có thể là độc giả mà rồi lại trở thành tác giả, đóng góp cho tờ báo. Còn lí do nữa, theo dõi và nhận thấy, thơ trên Giác Ngộ được chọn lọc khá kĩ. Ngoài đảm bảo chủ đề còn phải có chất lượng. Nên vừa xúc động vừa sung sướng. Bạn chia sẻ niềm vui cùng, động viên viết tiếp và chịu khó gửi hơn. Có đà và động lực, gửi thêm cả tản văn.

Một thời gian được đăng khá đều đặn, thấy tờ báo càng gần gũi, thân thuộc. Có lúc còn nghĩ vui, biết đâu chăm chỉ gửi bài và lên trang như vậy, một dịp kỉ niệm nào đó được tòa soạn gửi giấy mời vào phương Nam dự nhỉ. Tuy điều đó còn khá xa vời nhưng mỗi lần có bài đều nhận được báo biếu và thư cảm ơn rất cẩn thận, chu đáo, thấy ấm áp vô cùng. Còn một điều nữa, tuy nhuận bút không cao bằng một số báo khác nhưng việc chi trả luôn rất nhanh chóng, thuận tiện. Cảm thấy được trân trọng và ghi nhận.

anh coduong.jpg


Báo biếu Giác Ngộ gửi về cô giáo Nguyễn Thị Đương

Bỗng thấy, đọc Giác Ngộ lòng nhẹ nhàng hơn mà viết cho Giác Ngộ thì nhận về những ngọt ngào, dễ chịu. Nên đợt nào bận rộn không viết được gì gửi báo cảm thấy như thiếu vắng điều gì. Muốn mối duyên này bền bỉ theo thời gian. Muốn lan tỏa năng lượng tốt lành. Một cô em cùng trường hay tìm hiểu về Phật Pháp khi biết tôi có bài đăng trên Giác Ngộ thì tỏ lòng hâm mộ. Phải giải thích, chị chỉ được đăng thơ và tản văn thôi, những vấn đề chuyên sâu em phải đọc bài của các thầy. Em ngỏ ý muốn đọc, cho em một số tờ, hôm sau em khoe, chia sẻ cho mấy bạn trong nhóm Phật pháp của em, các bạn thích lắm. Hóa ra, nhiều người chưa biết đến tờ báo khá đặc biệt này và khi được giới thiệu đều hào hứng. Thậm chí, được sở hữu rất nâng niu.

Trong khi một số báo, tạp chí trong nhà do quá nhiều đã được giải phóng thì riêng Giác Ngộ vẫn nguyên vẹn hàng chồng trên giá như của để dành. Để khi nào rỗi rãi lại lôi ra ngâm ngợi.

Giác Ngộ sắp đi qua chặng đường 45 năm - một quãng đường không hề ngắn. Mong Giác Ngộ luôn tươi tắn bừng nở như những đóa hoa suốt bốn mùa, mong những mối nhân duyên nối dài để độc giả của báo sáng lòng, tĩnh dạ, an nhiên giữa cuộc đời. 

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ

Nhất Mạt Hương
(GV Trường THCS Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Điều xấu của một tu sĩ: Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày