GNO - Số 1034 (Tất niên) ra ngày 17-1, khép lại năm Kỷ Hợi, sẽ có nhiều bài viết đặc sắc, như một lời chúc mừng năm mới và cũng là những chiêm nghiêm về năm qua, những câu chuyện cuộc sống lắng đọng, đáng suy ngẫm...
Theo đó, “Với người Phật tử, trong mỗi dịp năm cũ qua và năm mới đến, cùng phát nguyện - cam kết làm tốt cho cuộc đời, nếu không như thế thì cũng đừng gây nên điều bất thiện, để di hại về sau cho mình, cho người và cho môi trường”. Đây là gợi ý của nhà báo Thích Pháp Hỷ trong bài “Ngẫm cuối năm: ‘Để tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến’” (trang 3).
Bìa Giác Ngộ số 1034 - Tất niên Kỷ Hợi - Mỹ thuật: Nhuận Thường
“Giáo dục gì cho trẻ đầu xuân?”, TS Phạm Văn Nga (Nguyên Cẩn) nêu rõ quan điểm: “Cha mẹ, hay người lớn, phải làm gương, chứ không phải là chỉ rao giảng. Cha mẹ phải hướng dẫn hay gợi ý con mình về những hành động như thế, chứ không thể ngồi chờ nền giáo dục của nhà trường”.
Ở một góc khác, bài viết “Để lại cho đời”, chia sẻ trong rất nhiều thông tin thời sự đáng quan tâm, những dòng tin không vui vẻ hàng ngày, tác giả đã dừng lại rất lâu trước dòng tin “Người mẹ nông dân hiến tạng con trai”: “Đó là quyết định cực kỳ khó khăn, tôi nghĩ vậy. Nếu không có tình thương lớn, suy nghĩ sâu xa thì không thể làm được”.
Trong khi đó, “Cam kết thiện lành” là câu chuyện về một giám đốc trẻ với nghĩa cử mỗi dịp đón năm mới về: “Mỗi năm anh đều tổ chức Cây mùa xuân để chia sẻ quà Tết với những hoàn cảnh khó khăn mà mình có duyên”...
Với các chuyên trang khác như Phật học, HT.Thích Trí Quảng giảng “Trụ Pháp được lực gia bị của Phổ Hiền”. Tác giả Nguyện Pháp với “Điều phục tâm là chiến thắng tối thượng” và “Té ra con giàu ghê!” của tác giả Nhuận Bảo Nguyên.
Trước sự mất mát lớn của nước Úc trong nạn cháy rừng thời gian gần đây, hàng nghìn người đã cùng hướng về, chia sẻ và cầu chúc bình an cho nơi này. Qua sự kiện đó, CTV của báo Giác Ngộ tại Úc - Phương Hồ (New South Wales - Úc) có bài viết “Sự im lặng hùng tráng”: “Trong bối cảnh ấy, ngay giữa biển lửa, vẫn có những người bình tĩnh đối diện với thực tại. Sự vững chãi, bình an trong nội tâm của họ đã đem đến sự an tâm cho nhiều người khác, giúp họ bước qua hoạn nạn...”. Bài viết còn nhiều suy nghiệm khác, đáng đọc.
Số Tất niên này còn có các tùy bút, bài viết đặc sắc khác như: “Những loài hoa báo xuân” (Trương Huỳnh Như Trân), “Hương của Tết” (Vạn Diệp), “Ngồi lại cùng năm cũ” (Ngô Thế Lâm), “Tháng Chạp của đồng bào Châu Ro” (Khánh Vi) và “Lau cửa” (Nguyễn Hoàng Thiện).