Giải mã cặp cổ tự 'song sinh' bí ẩn ở VN

Nhắc đến chùa Keo, người ta nghĩ ngay đến ngôi chùa ở huyện Vũ Thư, Thái Bình. Nhưng ít người biết rằng cách đó không xa, ở bên bờ hữu ngạn sông Hồng cũng có một ngôi chùa Keo và mang dáng dấp "y hệt".

Một cặp song sinh?

Hai ngôi chùa đang được nói tới ở đây là chùa Keo ở xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình và chùa Keo ở làng Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định. Để phân biệt, dân trong vùng gọi là chùa Keo thượng và chùa Keo hạ.

Nếu có một hình ảnh nào để ví von cho sự tương đồng của hai ngôi chùa thì cụm từ “một cặp song sinh” là hoàn toàn chính xác. Hai ngôi chùa này có khá nhiều điểm chung đặc biệt là cái tên (tên nôm và tên chữ). Tên nôm cả hai đều gọi là chùa Keo, tên chữ là Thần Quang Tự.

Kiến trúc của chùa Keo Thái Bình và chùa Keo Hành Thiện có nhiều nét tương đồng. Thứ nhất là vật liệu dựng chùa. Cả hai ngôi chùa đều sử dụng hầu như toàn bộ các cấu kiện công trình bằng gỗ. Từ các cột đỡ cho đến vì kèo, tường của các điện thờ đều làm bằng gỗ lim.

Chùa Keo Hành Thiện - mấy trăm năm rồi không có sư trụ trì.
Chùa Keo Hành Thiện - mấy trăm năm rồi không có sư trụ trì.

Thứ hai là về mô hình của ngôi chùa. Ai đã đến cả hai ngôi chùa sẽ dễ dàng nhận ra ngay nét mô phỏng lẫn nhau của chúng. Tất nhiên, mỗi nơi chùa tọa lạc trên một thế đất khác nhau cho nên có những công trình khác riêng như ao hồ, bờ tường, cây cối để trang trí cho cảnh chùa thêm uy nghiêm. Tuy vậy, về đại thể là giống nhau với không gian kiến trúc chạy dài một hàng từ nhà bái đường đến tam bảo, hậu cung và hai bên là hai giải vũ.

Những truyền thuyết dân gian

Cho đến ngày nay, người dân ở hai địa phương là Vũ Thư (Thái Bình) và Xuân Trường (Nam Định) vẫn truyền miệng một truyền thuyết giải thích việc có hai ngôi chùa Keo này.

Truyền thuyết kể rằng, Thiền sư Dương Không Lộ sống dưới triều đại nhà Lý là một người tu hành đắc đạo lại tinh thông pháp thuật. Buổi đầu ngài dựng chùa ở bên hữu ngạn sông Hồng, nay thuộc về đất làng Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, người dân không mấy thiết tha, mặn mà với đạo.

Giận vì điều đó, thiền sư Không Lộ đã quyết định bỏ đi. Ngài lấy tre đan thành những chiếc rọ, rồi thả tượng vào đó, lại lấy nón của mình làm thuyền. Xong xuôi đâu đấy ngài hóa phép chuyển hết chùa sang phía tả ngạn sông Hồng về địa phận nay thuộc khu vực làng Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình. Không chỉ có vậy, thiền sư Không Lộ còn để lại lời nguyền rằng sẽ không có nhà sư nào đến ở đất Hành Thiện.

Gác chuông chùa Keo Thái Bình với dáng dấp mô phỏng hình bông sen.
Gác chuông chùa Keo Thái Bình với dáng dấp mô phỏng hình bông sen.

Truyền thuyết trên đây được nhân dân ở hai địa phương có chùa Keo truyền tụng nhau, từ người bán quán nước đến những bậc cao niên đều biết, mặc dù có chút dị biệt về các chi tiết trong việc thiền sư dùng pháp thuật như thế nào để chuyển ngôi chùa.

Cho đến tài liệu lịch sử

Theo tài liệu lịch sử, nguyên nhân mà ngày nay có hai ngôi chùa Keo là vì một trận lụt.

Sách Lịch sử chùa Keo do ngành văn hóa thông tin tỉnh Thái Bình xuất bản cho biết: “Chùa keo do thiền sư Dương Không Lộ sáng lập, buổi đầu ở hữu ngạn sông Hồng, thuộc đất làng Dũng Nhân (tên nôm là làng Keo), huyện Giao Thủy (Nam Định ngày nay). Ban đầu chùa lập dưới triều Lý Thánh Tông với tên là Nghiêm Quang Tự. Đến đời Lý Anh Tông, nhà vua xuống chiếu đổi tên chùa Là Thần Quang Tự. Năm 1611, một trận lụt lớn xảy ra đã cuốn phăng tất cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải dời bỏ quê hương. Một nửa sang bên tả ngạn sông Hồng lập làng mới, còn một nửa dời xuống vùng Hành Thiện.

Cả hai làng vẫn giữ tên nôm của làng mình là làng Keo, đồng thời bắt đầu quá trình thiết lập lại ngôi chùa của làng như ngôi chùa đã bị lũ cuốn. Chùa Keo Thái Bình được thành lập như ngày nay do công của một vị quan dưới thời vua Lê chúa Trịnh tên là Hoàng Nhân Dũng. Ông này đã vận động quyên góp các nơi và đứng ra chủ trì việc xây chùa. Do đang trong lúc nội chiến giữa các tập đoàn Trịnh Nguyễn nên triều đình chỉ cho 100 cây gỗ lim để dựng”.

So với chùa Keo ở làng Hành Thiện thì chùa Keo ở Thái Bình nổi tiếng hơn vì có tòa gác chuông độc đáo. Tòa gác chuông này được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ với 3 tầng chồng diêm. Hình dáng của nó là hình ảnh cách điệu của bông sen, một biểu tượng cao quý trong quan niệm Phật giáo.

Ngày nay, chùa Keo (đặc biệt là chùa Keo Thái Bình) là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở nước ta. Mỗi năm vào dịp lễ hội của chùa (tháng 9 âm lịch) thường hấp dẫn nhiều du khách ở các địa phương khác hành hương về để lễ phật. Xung quanh lịch sử của chùa, bên cạnh các tư liệu lịch sử lại có những truyền thuyết với các sự tích thần bí ẩn hiện âu cũng là làm cho chùa thêm phần uy nghiêm. Biết đâu những truyền thuyết đó lại chẳng là sáng tạo của dân gian để thể hiện sự ngưỡng mộ, sùng kính của mình đối với đạo Phật nói chung và đối với thiền sư Không Lộ nói riêng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày